Bức tranh ồn ã nhưng cất giấu bao huyền tích của Hà Nội

Cái hay của những bài viết này là nhà văn không dừng lại ở miêu tả, thuyết minh, mà đan xen những đoạn trầm ngâm về thân phận những con người mưu sinh lam lũ trên hè phố.

Trong hình dung nhiều người, Hà Nội giống một người đẹp trứ danh, như một con sông đầy gió mà mỗi văn nhân khi bị cuốn hút vào vẻ đẹp của nó, vẽ lên những bức vẽ Hà Nội bằng ngôn từ của mình luôn đầy mê mải, đắm say, dù nhìn ở góc nào cũng chưa bao giờ hết khao khát khám phá.

Một Hà Nội huyền diệu, thanh lịch, êm đềm, nguyên sơ ở nhiều cung bậc khác nhau hiện lên dưới mỗi ngòi bút của Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Tô Hoài được tiếp nối với một Hà Nội của những đổi thay thế sự gắn với những trải nghiệm muôn mặt từ đời sống cá nhân qua những trang viết của những nhà văn đương đại như Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn, Lê Minh Hà…

Viết về Hà Nội dưới dạng tản văn, tạp văn, tùy bút vì thế cũng là một thử thách không dễ dàng với Uông Triều dẫu anh từng khẳng định mình qua thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn. Nói như nhà phê bình Mai Anh Tuấn, Uông Triều "viết về Hà Nội bằng sự chân thực hồn nhiên của một người tỉnh lẻ, người có thể quan sát Hà Nội như thể lần đầu hội ngộ mà nhờ đó mọi vướng víu thân sơ không cản được ngòi bút say mê”.

Sách Hà Nội quán xá phố phường.

Sách Hà Nội quán xá phố phường.

Như tiêu đề cuốn sách Hà Nội quán xá phố phường, Uông Triều dành nhiều trang viết để phác thảo về những quán xá vỉa hè, ngõ ngách của Hà Nội với những món ăn Hà Nội dân dã mà thân thuộc của đời sống Hà Nội bây giờ (Bánh rán Hà Nội, Khoái khẩu lòng lợn, Mắm tép chưng thịt, Lạ miệng mì vằn thắn, Nem ngon, Thanh nhẹ bún cá, Đặc sắc phở gà, Vị quê bún ốc…). Đọc những bài viết đó, ta như đang thưởng thức hương vị ngọt hay ngậy thơm của bánh rán mật, bánh rán vừng hay bánh rán bi Hà Nội được bày bán ngay trên vỉa hè đường phố hay trong một quán hàng bé tí sâu hun hút mà đông người mua đến mức giờ cao điểm khách phải xếp hàng.

Ta như được thưởng thức món bún cá mềm trên phố Phạm Hồng Thái, bún cá giòn chua đậm vị sấu kèm theo chả cá, rau cần, rau cải hay có thêm đầu cá, trứng cá, lòng cá cho khách gọi ở hàng ăn ngõ Hồng Phúc. Rồi món cháo lòng không được luộc trước mà sẽ chín ngay trong lòng bát cháo sôi sục cùng với cải cúc, rau thơm ở quán Ô Quan Chưởng, món lòng dồi rán vàng ruộm, cháo lòng đỗ xanh trong quán phố Lò Sũ, món phở gà đồi chắc thịt ở phố Hàng Điếu có lẫn những sợi lá chanh li ti óng ánh…

Cái hay của những bài viết này là nhà văn không dừng lại ở miêu tả, thuyết minh, mà đan xen những đoạn trầm ngâm về thân phận những con người mưu sinh lam lũ, nhếch nhác trên hè phố. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Uông Triều từng nói rằng: "Hà Nội đang trưng ra tất cả những nhếch nhác của nó".

Phát ngôn như vậy nhưng người ta vẫn nhận thấy tình yêu Hà Nội mến thương ăm ắp, ngồn ngộn trên những trang văn của anh. Những món ngon đặc trưng Hà Nội không phải ở những cửa hàng sang trọng mà từ những quán xá phố phường đông đúc, lam lũ, luộm thuộm trong nắng trưa, chiều muộn. Ta bắt gặp ở đó một ông chủ quán với vẻ ngoài kì dị chăng lều bạt tạm dưới gốc đa trên phố Lê Văn Thiêm để bán bún cá, mấy bác xe ôm, mấy anh công nhân công trường vội vã ăn bát cháo lòng, uống chén trà nóng…

Hình ảnh thau lòng rán vàng đặt ngay ngoài ngõ lối vào hun hút một hàng lòng bình dân cho khách khỏi nhầm đúng là hình ảnh đặc trưng cho sự chật chội, đông đúc mà gây thương nhớ của quán xá phố phường Hà Nội. Những hình ảnh bình dị nhưng cũng đủ cho ta thấy sự quan sát tinh tế của Uông Triều.

Nhà văn từng kể chuyện rằng, để viết được những bài như thế, anh phải la cà, lang thang ăn uống đủ quán xá và thử đủ các vị khác nhau của mỗi quán ăn để so sánh, nhận xét. Trong những lần như thế anh có được những trải nghiệm, quan sát đời sống để tạo nên chất liệu cho bức tranh Hà Nội của mình.

Nhà văn Uông Triều.

Uông Triều vẽ Hà Nội không chỉ bằng những quan sát tinh tế mà bằng bàng bạc nỗi nhớ, hoài niệm về một Hà thành xưa. Những địa danh đất Kẻ Chợ nổi tiếng một thưở hiện lên dưới ngòi bút của nhà văn gắn với bao thăng trầm lịch sử (Hồ Trúc Bạch và ngôi đền thiêng, Chợ Đồng Xuân, Thăng trầm phố Hàng Chiếu, Mênh mang sông Hồng, Kỳ nhân dưới vòm Ô Quan Chưởng, Hàng Ngang Hàng Đào, Cầu Long Biên ai từng qua, Ngã Tư Sở một thời, Bách Thảo thiên đường tình yêu một thưở, Mã Mây…).

Trong mắt nhà văn, phố Mã Mây cong cong như một chiếc lược dịu dàng… giấu trong lòng những lịch sử, kí ức để đôi khi người đương thời phải lật giở, hồi nhớ một thời thương hải tương điền đã qua. Những mái vòm, cửa ô, khu chợ cũ, phố cũ rêu phong được điểm xuyết cùng những câu chuyện dung dị về con người Kẻ Chợ đời thường, những kì nhân được lưu truyền trong dân gian mới là điểm thu hút ở những bài viết về địa danh này. Một Ô Quan Chưởng với những viên gạch xây tường đỏ lậm vì sương gió, những kẽ gạch thỉnh thoảng lấm chấm màu xanh của dương xỉ bám vào gắn với câu chuyện về Bố Ô nghiện rượu xưa. Rồi câu chuyện về một kì nhân khác sống ở phố này là cụ Mão một đời say thơ từng quẩy gánh thơ đi tản cư vì với cụ, thơ mới là thứ quý nhất.

Người đọc cảm động không chỉ bởi một người kể chuyện có duyên mà thực sự thấy sống lại những mảnh đời đã hóa thân cho dáng hình xứ sở. Những chi tiết tự sự đan xen ấy khiến Hà thành trong mắt nhà văn không bị đóng khung bởi sự cổ kính mặc định. Uông Triều không chọn cách thuyết minh cho địa danh lịch sử mà bằng sự thấm đẫm thụ cảm của một nhà văn am hiểu văn hóa, lịch sử, chịu đọc, chịu thâu nạp chuyện đời để thổi hồn cho địa danh trở nên đời hơn, sống động hơn.

Cuốn tản văn Hà Nội quán xá phố phường của Uông Triều thực sự là một bức truyền thần về Hà Nội hôm nay ồn ã nhưng cất giấu trong lòng bao huyền tích. Nó giục người đi xa Hà Nội đôi khi lại thèm trở về quán nhỏ bên ô cửa xanh treo lúc lỉu những dây bim bim để nhâm nhi cốc trà đá nhìn dòng người vội vã, hay uống ly trà chanh và nhâm nhi chiếc bánh rán vòng bi ngắm Ô Quan Chưởng cũ kĩ. Nó xứng đáng được nằm trong danh sách đề cử tác phẩm Vì tình yêu Hà Nội.

Lương Kim Phương

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/buc-tranh-on-a-nhung-cat-giau-bao-huyen-tich-cua-ha-noi-post1002894.html