Bức tranh lạ ở bảo tàng Cố Cung: Trăm năm không ai hiểu, phóng to 10 lần, bí ẩn ở góc phải lý giải tất cả

Khác xa hình ảnh con hổ oai phong trong văn hóa Trung Quốc, con hổ trong tranh này lại có dáng đi và ánh mắt sợ sệt. Vì sao vậy.

Bảo tàng Cố Cung Quốc gia là một trong những bảo tàng sở hữu nhiều hiện vật hoàng gia và tác phẩm nghệ thuật nhất trên thế giới. Nơi đây trưng bày hơn 697.000 mảnh ghép lịch sử Trung Quốc từ thời đồ đá mới đến cuối triều đại nhà Thanh.

Một trong tác phẩm được đặc biệt chú ý trong bảo tàng chính là bức tranh 300 tuổi mang tên "Hổ Núi". Theo trang tin Sina, bức họa "Hổ Núi" chỉ được trưng bày một lần trong vài năm, thời gian còn lại, tranh sẽ được cất giữ cẩn thận phòng lưu trữ của bảo tàng.

Bức tranh đã gây ra những tranh cãi dữ dội khi khắc họa hình ảnh một con hổ với diện mạo khác hoàn toàn với quan niệm văn hóa Trung Hoa.

Hổ là hiện thân của sức mạnh và sự can đảm, con vật còn được tôn thờ trong nhiều đền chùa với vị thế sánh ngang với con rồng, thế nhưng, con hổ trong tranh lại cụp tai, oằn mình, chân bước đi vô cùng thận trọng.

Con hổ trong tranh Hoa Nham có dáng đi hèn nhát, ánh mắt sợ sệt vô cùng bất thường. (Ảnh: Sina)

Con hổ trong tranh Hoa Nham có dáng đi hèn nhát, ánh mắt sợ sệt vô cùng bất thường. (Ảnh: Sina)

Đặc biệt là ánh mắt lo sợ đang nhìn ngang liếc dọc của nó. Đây rõ ràng không phải tư thế của "chúa sơn lâm" oai hùng mà giống hệt một con mèo ốm. Điều gì đang làm con hổ sợ hãi đến vậy? Để trả lời được câu hỏi này, chúng ta phải bắt đầu từ chính thân thế vị tác giả bức tranh - danh họa Hoa Nham.

Nhân tài "không gặp thời"

Hoa Nham (1682 - 1756) là một đại diện tiêu biểu của trường phái tranh Dương Châu thời nhà Thanh. Số phận của vị hoa sĩ này nhìn chung là vất vả, lận đận.

Từ nhỏ, ông đã yêu thích hội họa, thơ ca và thư pháp nhưng gia đình không may lâm vào cảnh túng quẫn, không có tiền cho ông tiếp tục đi học và mua giấy mực vẽ tranh.

Tuy nhiên, Hoa Nham vẫn không từ bỏ ước mơ, ông vẽ tranh trên nền đất, ngày ngày nỗ lực nâng cao kỹ năng. Do gần gũi với thiên nhiên từ nhỏ nên tranh phong cảnh, cây cỏ, thú vật của Hoa Nham rất nổi bật. Ông có đôi mắt tinh tường và khả năng cảm thụ cái đẹp.

Chân dung họa sĩ Hoa Nham (Ảnh: Sina)

Tranh ông vẽ thường khắc họa sự uyển chuyển của thiên nhiên thông màu sắc hoa lá hay lớp lông tơ mịn mượt của con vật nên nhiều hoa sĩ cùng thời vô cùng nể phục.

Dù có tài như vậy nhưng Hoa Nham lại có tính cách trầm lặng, không thích giao du và có phần ngạo mạn nên sự nghiệp hội họa của ông suốt đời không khởi sắc. Ông chỉ có thể bán tranh cho các cửa hàng thư pháp và tranh cổ với mức giá bèo bọt, sống cả đời trong nghèo khó.

Cuốn sách lý thuyết hội họa Tập khổ trai họa nhứ có ghi chép, một lần, họa sĩ Hoa Nham được người ta giới thiệu đến Bắc Kinh để bán tranh.

Khi vào một cửa hàng tranh thư pháp ở kinh đô, ông tìm thấy một bức tranh rất giống tác phẩm của mình, hóa ra đó là một bức tranh giả mạo với chữ ký của người khác.

Điều làm Hoa Nham tức giận hơn cả là giá của bức tranh giả còn cao hơn gấp nhiều lần so với bức tranh thật của ông. Hoa Nham giận dữ rời khỏi kinh đô và không bao giờ quay trở lại.

Bản thân trường phái tranh Dương Châu mà ông theo đuổi cũng là nơi biểu lộ nỗi lòng oan khuất của những bậc trí thức mưu sinh vất vả bằng nghề bán tranh nhưng không được đối đãi công bằng trong xã hội.

Ý nghĩa bức tranh

Bức tranh "Hổ Núi" được Hoa Nham vẽ năm ông 70 tuổi. Nhiều chuyên gia phỏng đoán hình hài con hổ trong tranh ông gợi nhắc tới con lạc đà trong bức họa "Tuyết tụ trên núi Thiên Sơn" được Hoa Nham vẻ ở tuổi trung niên.

Bức họa "Tuyết tụ trên núi Thiên Sơn" của Hoa Nham. (Ảnh: Digital Taiwan)

Tranh họa cảnh một người đàn ông mặc áo đỏ ung dung dắt con lạc đà đi qua núi Thiên Sơn tuyết trắng. Màu áo người đàn ông vô cùng nổi bật trên nền trắng tinh khôi của ngọn núi tuyết.

Đây là tác phẩm nhận được vô số lời khen ngợi, cũng là phóng tác trong một lần đích thân ông du hành qua núi Thiên Sơn. Bức vẽ con hổ có dáng đứng của lạc đà trong "Hổ Núi" có thể là cách Hoa Nham tự nhìn lại những năm tháng ngạo nghễ trước đây trong cuộc đời mình.

Tuy nhiên, sau khi xem xét kỳ từng chi tiết trong bức tranh, các chuyên gia hội họa hiện đại đã nhận ra một điều đặc biệt hơn. Hóa ra có một vài đốm đen nhỏ ở góc trên cùng bên phải của bức tranh, khi phóng đại trên lên 10 lần, họ nhận ra đó là một con ong.

Con hổ trong tranh tỏ ra rầu rĩ, lo âu vì sợ bị ong đốt. Ánh mắt nó cũng hướng đến đúng vị trí con côn trùng đang lăm le, đe dọa.

Bức tranh "Hổ Núi" chính là nỗi lòng người họa sĩ những năm cuối cuộc đời. (Ảnh: Digital Taiwan)

Theo các chuyên gia, hình ảnh con hổ chính là cách họa sĩ Hoa Nham tự khắc họa thân phận của mình. Ông là người tài hoa nhưng bị "ong bướm" vo ve quấy nhiễu nên cả đời người quân tử không thể đứng thẳng lưng.

Bức họa "Hổ Núi" không chỉ mang tính châm biếm sâu sắc mà còn soi tỏ nỗi niềm đau xót cho thân phận những nhân tài lạc lõng giữa thời cuộc.

Hiểu được thông điệp này mới thấy cái hay trong cách đặt tiêu đề "Hổ Núi" của Hoa Nham. Họa sĩ không sử dụng chữ sơn (山) mà dùng chữ phong (峰), với nghĩa là đỉnh núi hoặc cái bướu.

Từ này vừa miêu tả tư thế cong lưng cúi đầu của con hổ, vừa ám chỉ chân dung của bậc quân tử nhiều hoài bão nhưng phải cúi đầu trong xã hội. Ngoài ra, từ phong (峰) trong tiếng Hán còn đồng âm với từ ong (蜂).

Theo Tammy/Pháp luật & Bạn đọc

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/buc-tranh-la-o-bao-tang-co-cung-tram-nam-khong-ai-hieu-phong-to-10-lan-bi-an-o-goc-phai-ly-giai-tat-ca/20201011104717231