Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2022 - 2023: Lạm phát rình rập tăng?

Nhiều chuyên gia dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022 đối diện nguy cơ lạm phát có thể lên đến 6 - 6,2%, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu cũng tăng mạnh.

Tại diễn đàn Dự báo kinh tế Việt Nam 2022 - 2023 tổ chức sáng 12/5, các chuyên gia cảnh báo, bên cạnh những tín hiệu lạc quan, môi trường kinh doanh sẽ xuất hiện nhiều thách thức khó lường.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - nhận định, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam giai đoạn 2022 - 2023 chịu ảnh hưởng lớn từ diễn biến thế giới, khi đại dịch COVID-19 chưa kết thúc và tình hình kinh tế - chính trị có nhiều biến động.

"Kinh tế Mỹ đang có những dấu hiệu chững lại, lạm phát tăng cao, khả năng thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ trong khi sức mua bị giảm thấp. Trong khi đó, kinh tế châu Âu đối mặt nguy cơ suy thoái khi giá dầu và giá kim loại tăng cao do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine. Kinh tế Trung Quốc thì đứng trước rủi ro tăng trưởng chậm lại…Tất cả sẽ tác động đến thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng", ông Lực nói.

Tại khu vực ASEAN, tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu có dấu hiệu giảm động lực, chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) tháng 3/2022 ở 51,7 điểm, mức thấp nhất trong 6 tháng trở lại đây. Đặc biệt, lạm phát đang gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới do giá năng lượng, lương thực trên toàn cầu tăng mạnh, đã tác động dây chuyền đến giá các hàng hóa, dịch vụ khác.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,4%, trong khi lạm phát dự báo là 4%. Nhưng trong năm 2022, chỉ số lạm phát có thế lên đến 6 - 6,2%. Đây là mức lạm phát kỷ lục trong 20 năm trở lại đây", ông Lực nói thêm.

Tuy nhiên, ông Lực cũng cho rằng lạm phát ở Việt Nam sẽ được kiềm chế bởi các chính sách vĩ mô và giải pháp của Chính phủ cũng như sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho rằng, giá cả toàn cầu ngày một tăng khiến kinh tế các nước rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan". Ngoài ra, việc đứt gãy nguồn cung, giá nhân công tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào, nhất là xăng dầu đắt đỏ đã kéo biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp bị thu hẹp do chi phí đầu vào tăng lên đến 45- 50%.

"Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu. Kinh tế Việt Nam có đặc điểm khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%, đồng nghĩa với gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Do đó rủi ro nhập khẩu lạm phát là không thể tránh khỏi trong bối cảnh các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu của Việt Nam, như: Mỹ, EU, Hàn Quốc...đều dự báo lạm phát ở mức đáng lo ngại", ông Lâm phân tích.

4 tháng đầu năm nhiều khởi sắc

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương, cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 1/2022 ước đạt 5,03% so với cùng kỳ; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan.

Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng lên 73 điểm phần trăm, tăng 12 điểm phần trăm so với quý 4/2021, là mức cao nhất kể từ sau đợt dịch bùng phát lần thứ 4. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 49.591 doanh nghiệp, là mức cao nhất trong giai đoạn 4 tháng đầu năm từ trước đến nay tại Việt Nam.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 5,92 tỷ USD, là giá trị cao nhất trong 4 tháng đầu năm trong các năm 2018-2022, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

“Quyết sách nới lỏng quy định chống dịch và tiếp tục phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ đã giúp các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, tin tưởng và lạc quan về tương lai nền kinh tế Việt Nam”, ông Phương nói.

Ông Phương cũng khẳng định, các tổ chức quốc tế đã đưa ra nhiều dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam. Như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế nước ta sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023; Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6% nhưng tin rằng, tại Việt Nam, tiến trình phục hồi kinh tế sẽ mạnh lên từ việc thực thi chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023…

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, điểm sáng của kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm là lao động việc làm. Chỉ trong 4 tháng đầu năm, đã có hơn 80 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại, tạo việc làm mới cho hàng triệu lao động với thu nhập 5 -15 triệu đồng/người/tháng.

Cũng nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam, GS.TS Trần Thọ Đạt, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, phân tích thời gian qua, kinh tế số là một trong những nguồn lực và động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng. “Nếu chúng ta áp dụng kinh tế số một cách tích cực thì Việt Nam sẽ tăng trưởng gấp đôi trong những năm tới và thoát bẫy thu nhập trung bình”, ông Đạt nói.

PHẠM DUY

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bu-c-tranh-kinh-te-viet-nam-nam-2022-2023-la-m-pha-t-ri-nh-ra-p-tang-ar676242.html