Bức tranh kinh tế tập thể của Nghệ An có nhiều điểm sáng

Nghệ An hiện có 840 hợp tác xã, trong đó có hơn 52% hoạt động hiệu quả. Doanh thu bình quân hàng năm của một hợp tác xã 2,1 tỷ đồng, lãi bình quân hàng năm của một hợp tác xã 160 triệu đồng.

Đại diện Liên minh HTX Nghệ An tham gia một hội chợ xúc tiến thương mại giới thiệu hàng hóa do ngành Công Thương 6 tỉnh Bắc Trung bộ tổ chức. Ảnh Tư liệu

Đại diện Liên minh HTX Nghệ An tham gia một hội chợ xúc tiến thương mại giới thiệu hàng hóa do ngành Công Thương 6 tỉnh Bắc Trung bộ tổ chức. Ảnh Tư liệu

Chiều 5/7, Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do đồng chí Chu Thị Vinh - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Nghệ An về tình hình thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012; tình hình phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác trên địa bàn và lấy ý kiến về dự thảo Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Làm việc với đoàn, về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, hợp tác xã.

Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn công tác với tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Hơn 52% hợp tác xã hoạt động có hiệu quả

Nghệ An hiện có 840 Hợp tác xã, 2 Liên hiệp Hợp tác xã, 3.090 Tổ hợp tác. Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc giải thể các hợp tác xã yếu kém kéo dài và toàn bộ các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức và hoạt động phù hợp với Luật Hợp tác xã năm 2012.

Tổng vốn hoạt động của các hợp tác xã đạt gần 5.400 tỷ đồng; có 435 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, chiếm hơn 52%. Doanh thu bình quân hàng năm của một hợp tác xã là 2,1 tỷ đồng, lãi bình quân hàng năm là 160 triệu đồng/hợp tác xã; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong hợp tác xã là 4,56 triệu đồng.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 2.977 tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả; doanh thu bình quân một tổ hợp tác 588 triệu đồng/năm, lãi bình quân một tổ hợp tác 98 triệu đồng/năm; mức thu nhập của một lao động trong tổ hợp tác khoảng 2,8 - 3,5 triệu đồng/tháng. Riêng về Liên hiệp Hợp tác xã, doanh thu bình quân hàng năm 2,9 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân là 200 triệu đồng/năm.

Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, các sở, ngành dự buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

UBND tỉnh Nghệ An đánh giá, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh bước đầu có chuyển biến tích cực, đi vào thực chất hơn, phát triển cả về số lượng và quy mô; hiệu quả hoạt động từng bước được nâng lên.

Hoạt động của các hợp tác xã dần đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ, thành viên thông qua cung cấp dịch vụ, việc làm; Đã xuất hiện một số mô hình hợp tác xã hoạt động kinh doanh tổng hợp, sản xuất gắn với chuỗi giá trị mang lại hiệu quả cao.

Góp phần giúp các hợp tác xã phát triển, Nghệ An đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ như: đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã, liên hợp tác xã.

Đồng chí Phan Văn Hoan - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh báo cáo tóm tắt tình hình phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng

Tuy đạt được thành tựu nhất định, nhưng phong trào kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu. Số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả chưa nhiều; tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa mang lại nhiều lợi ích cho thành viên.

Các tổ chức kinh tế hợp tác vẫn còn yếu kém cả về cơ sở vật chất và năng lực quản lý, điều hành; quy mô nhỏ, hoạt động còn thiếu gắn bó, thiếu liên kết với nhau, với các doanh nghiệp để tìm thị trường, bao tiêu sản phẩm…

Để tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tỉnh Nghệ An kiến nghị sớm triển khai mô hình thí điểm và nhân rộng một số mô hình Hợp tác xã kiểu mới; Nghiên cứu, đổi mới việc ban hành chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng cân đối đủ nguồn lực; Sớm nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống Thông tin Quốc gia về đăng ký hợp tác xã.

Thành viên Đoàn công tác trình bày dự thảo Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Ảnh: Phạm Bằng

Tại buổi làm việc, đoàn công tác cơ bản thống nhất với báo cáo; ghi nhận những kết quả nổi bật về tình hình thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012; tình hình phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đồng thời tiếp thu, tổng hợp những ý kiến đóng góp vào dự thảo Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Thách thức của Nghệ An là không hề nhỏ

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, phát triển kinh tế tập thể được tỉnh Nghệ An xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục. Khu vực này trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, tỉnh đánh giá đây là khu vực đóng góp nhiều cho công tác an sinh xã hội vì Nghệ An có diện tích lớn, dân số đông, đa phần đời sống người dân còn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Điểm qua một số kết quả nổi bật, những tồn tại, hạn chế trong khu vực kinh tế tập thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, thể chế và nguồn lực của Trung ương bố trí cho khu vực này còn hạn chế. Tuy nhiên, tỉnh sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của đoàn công tác để tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành khu vực kinh tế tập thể ngày càng phát triển.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Chu Thị Vinh - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, bức tranh kinh tế tập thể của tỉnh Nghệ An mặc dù chưa đạt mong muốn và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế nhưng đã có nhiều điểm sáng, đáng mừng.

Đồng chí Chu Thị Vinh - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) kết luận buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Thể hiện là số lượng, quy mô hợp tác xã tăng hàng năm; hiệu quả hoạt động được nâng lên; ngành nghề hoạt động đa dạng; nội dung hỗ trợ hợp tác xã rất tốt. Các hợp tác xã đã ứng dụng tốt công nghệ thông tin, nâng cao năng lực quản lý điều hành, gắn với chuỗi giá trị mang lại hiệu quả cao; các chính sách hỗ trợ của tỉnh bước đầu đã đạt hiệu quả tốt.

Nhấn mạnh thách thức của Nghệ An trong phát triển kinh tế tập thể là không hề nhỏ, thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã đề nghị tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các hợp tác xã, cán bộ, người dân bằng nhiều hình thức khác nhau; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh.

Đại diện các Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham dự buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cố gắng triển khai hiệu quả Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021- 2025 theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ; Tiếp tục huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã Chu Thị Vinh cũng đã giải đáp một số kiến nghị của tỉnh; đồng thời mong muốn tỉnh Nghệ An trong quá trình triển khai thì tiếp tục hiến kế để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định các cơ chế đặc thù cho khu vực kinh tế tập thể./.

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/buc-tranh-kinh-te-tap-the-cua-nghe-an-co-nhieu-diem-sang-post255799.html