Bức tranh kinh tế Nam Phi

Kinh tế Nam Phi rơi vào thời kỳ suy thoái nghiêm trọng khi GDP của nước này trong quý II năm nay đã giảm 51%, mức giảm hằng quý tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua và là một trong những mức suy giảm sâu nhất trong nhóm các nền kinh tế lớn trước tác động của dịch Covid-19. Tổng thống X.Ra-ma-phô-xa kêu gọi người dân 'đất nước Cầu vồng' cùng nỗ lực chung tay tái thiết nền kinh tế.

Kinh tế Nam Phi rơi vào thời kỳ suy thoái nghiêm trọng khi GDP của nước này trong quý II năm nay đã giảm 51%, mức giảm hằng quý tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua và là một trong những mức suy giảm sâu nhất trong nhóm các nền kinh tế lớn trước tác động của dịch Covid-19. Tổng thống X.Ra-ma-phô-xa kêu gọi người dân “đất nước Cầu vồng” cùng nỗ lực chung tay tái thiết nền kinh tế.

Số liệu của Cơ quan Thống kê Nam Phi (Stats SA) cho thấy, mức tăng trưởng của ngành sản xuất nước này đã giảm 74,9%; sản lượng của lĩnh vực khai khoáng giảm 73,1%; mức tăng trưởng của ngành vận tải, kho bãi và thông tin liên lạc giảm 67,9% và ngành thương mại, ăn uống và lưu trú giảm 67,6%. Trong khi đó, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp tích cực duy nhất vào tăng trưởng GDP, tăng 15,1% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6-2020. Đây là quý thứ tư liên tiếp, GDP của Nam Phi sụt giảm, cũng là hậu quả của việc áp dụng các biện pháp phong tỏa phòng dịch khiến nền kinh tế Nam Phi phải đóng cửa hầu hết các cơ sở kinh doanh.

Gói cứu trợ trị giá 27 tỷ USD mà Chính phủ thông qua hồi tháng 4 đã giúp Nam Phi giảm được những tác động tiêu cực do đại dịch gây ra. Tuy nhiên, Liên hợp quốc (LHQ) dự đoán, kinh tế Nam Phi có thể phải cần đến 5 năm mới có thể phục hồi, trong khi tỷ lệ đói nghèo và thất nghiệp tại nước này được dự báo sẽ tăng đột biến trong năm 2020. Chương trình phát triển LHQ (UNDP) dự báo, dịch Covid-19 có thể khiến GDP của nền kinh tế phát triển nhất châu Phi này giảm khoảng 7,9% trong năm 2020, rồi sau đó mới phục hồi dần cho đến hết năm 2024. Tuy nhiên, ngay trong năm 2020, tỷ lệ đói nghèo cùng cực sẽ tăng khoảng 66%, trong khi 34% số gia đình có thu nhập trung bình sẽ bị đẩy xuống tầng lớp “dễ bị tổn thương’’, trong đó những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là người da mầu, người ít học vấn và người hoạt động trong những lĩnh vực kinh tế phi chính thức. Với kịch bản lạc quan nhất, dịch bệnh có thể sẽ lấy đi việc làm của khoảng 50.000 người dân nước này trong năm 2020, bất chấp tỷ lệ thất nghiệp tại Nam Phi hiện đã vượt quá 30%.

Trên thực tế, ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, kinh tế Nam Phi đã rơi vào khủng hoảng triền miên trong nhiều năm qua. Đại dịch đã đẩy nhiều ngành kinh tế mũi nhọn của Nam Phi vào tình cảnh khốn đốn. Ngành du lịch của Nam Phi điêu đứng khi trong tháng 6, tổng thu nhập từ lĩnh vực lưu trú du lịch đã giảm 95,3% so cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm lớn nhất từ trước đến nay ghi nhận trong lĩnh vực này. Trong khi đó, giá cổ phiếu giảm mạnh do giao dịch hoảng loạn trước những quan ngại về đại dịch đã ảnh hưởng lớn đối với giá trị tài sản của các hộ gia đình. Chỉ số chứng khoán chính của Nam Phi giảm 22% trong quý II năm nay, mức giảm sâu nhất kể từ quý III năm 1998. Trong quý đầu tiên thực hiện phong tỏa, giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình đã giảm còn 330% thu nhập danh nghĩa sau thuế, so với mức 360% của quý IV năm 2019.

Bức tranh u ám của nền kinh tế khiến Chính phủ Nam Phi đặt ưu tiên hàng đầu là phục hồi kinh tế sau đại dịch. Với việc du lịch trong nước được phép mở cửa trở lại cùng các quy định giãn cách được nới lỏng, ngành du lịch Nam Phi hy vọng sẽ có sự khởi sắc trong những tháng tới. Các công ty du lịch vẫn trông ngóng sự trở lại của du khách quốc tế. Chính phủ Nam Phi cũng đưa ra danh sách các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên nhằm thu hút đầu tư tư nhân thuộc Chương trình Phát triển cơ sở hạ tầng bền vững trị giá khoảng 138 tỷ USD trong thập kỷ tới.

THANH VÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/buc-tranh-kinh-te-nam-phi-621800/