Bức tranh kinh tế 4 tháng đầu năm: Hai gam màu sáng - tối

Bên cạnh những kết quả đạt được trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, Chính phủ vẫn thận trọng cho rằng để có thể đạt và vượt các mục tiêu đã đề ra cho năm 2019, thì nhiệm vụ từ nay đến cuối năm và trong quý II là rất nặng nề.

Ghi nhận những kết quả đạt được

Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê 4 tháng đầu năm cho thấy nhiều gam màu sáng của bức tranh kinh tế. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Thị trường tiền tệ, tín dụng và tỷ giá tương đối ổn định, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 17/4/2019 tăng 3,23% so với cuối năm 2018. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất duy trì ổn định.

Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung ổn định. Đặc biệt ngành lâm nghiệp, thủy sản duy trì mức tăng khá (gỗ khai thác tăng 4,3%; sản lượng thủy sản tăng 5,1%). Sản xuất công nghiệp đạt kết quả tăng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,2%, thấp hơn mức tăng 10,7% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 7,4% và 6,6% cùng kỳ năm 2016 và 2017. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,9% (cùng kỳ tăng 12,9%).

Hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng, thị trường giá cả ổn định, cân đối cung cầu các loại vật tư quan trọng và hàng tiêu dùng thiết yếu được bảo đảm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng cao nhất kể từ năm 2015, tăng 11,9%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9% (cùng kỳ tăng 8,9%). Khách du lịch nội địa tăng mạnh trong tháng do kỳ nghỉ lễ kéo dài.

Điều đáng mừng là số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký tiếp tục tăng, với trên 43 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 540 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% về số doanh nghiệp và tăng 31,7% vốn đăng ký. Ngoài ra, còn có trên 17 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 52,6% so với cùng kỳ.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI cũng không ngừng chảy vào, đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5%. Tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt gần 7,5 tỷ USD, tăng 28,6%. Góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 7,14 tỷ USD, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ.

Xuất khẩu cũng là lĩnh vực thu nhận được nhiều kết quả khả quan, đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ; đặc biệt khu vực kinh tế trong nước đạt 23,33 tỷ USD, tăng 10,5%. Nhập khẩu đạt 78,05 tỷ USD, tăng 10,4%. Xuất siêu 711 triệu USD.

Với những kết quả kể trên, nhìn tổng thể nền kinh tế đã có bước tăng trưởng đáng kể, các chỉ số đều ở mức đạt chỉ tiêu và vượt chỉ tiêu.

Kịp thời thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được khi soi vào từng mảng ngành, lĩnh vực cụ thể vẫn thấy nhiều vấn đề nội tại của nền kinh tế cần khắc phục. Từ đó có thể nhìn nhận, đánh giá được những khó khăn trở ngại đối với sự tăng trưởng trong thời gian tới.

CPI trong những tháng tới dự báo sẽ có nhiều biến động

Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2019, đã được Bộ KH&ĐT hoàn thành, đưa ra lấy ý kiến. Một nội dung quan trọng trong dự thảo đó là Chính phủ “quyết tâm, kiên định, nhất quán” phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 là 6,8%.

Tuy nhiên, tại phiên họp thường kỳ tháng 4 vào ngày 2/5, Chính phủ đã nhận định, để có thể đạt và vượt các mục tiêu đã đề ra cho năm 2019, thì nhiệm vụ từ nay đến cuối năm và trong quý II là rất nặng nề, đòi hỏi, các bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm cao, sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ.

Điều đó cho thấy Chính phủ đã dự liệu trước những khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho hay, tình hình vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm nói chung chưa có dấu hiệu tích cực. Đáng lưu ý là nguồn vốn ngân sách Trung ương giảm 30,6% (Bộ Giao thông Vận tải giảm 57,5%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm 56,3%; Bộ Tài nguyên và Môi trường giảm 29,1%...).

Trước những diễn biến của thị trường vừa qua, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: "Có thể nói CPI quý I không có gì đột biến, chỉ số vẫn ở mức thấp, nhưng cảnh báo trong quý II và thời gian tới sẽ có biến động. Tổng cục Thống kê đưa ra mục tiêu kiểm soát lạm phát từ 3,6-3,9% nhưng đó là tính toán trong điều kiện chưa tính đến các điều chỉnh về giá điện, giá xăng dầu... Theo tính toán giá điện tăng sẽ tác động làm tăng từ 0,29-0,31% CPI".

Bên cạnh đó, theo đánh giá chung, để đạt được mục tiêu, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với những khó khăn cụ thể như trong nông nghiệp, sản lượng cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Trung Quốc giảm; nguy cơ hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên.

Cùng với đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước, một số sản phẩm công nghiệp chủ đạo tăng thấp hoặc giảm như linh kiện điện thoại giảm 24,6%, dầu thô khai thác giảm 8,3%...; dẫn tới sản xuất công nghiệp của nhiều địa phương giảm.

Kim ngạch xuất khẩu tăng chậm do xuất khẩu của khối FDI tăng chậm so với cùng kỳ. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm như điện thoại và linh kiện giảm 0,2%; thủy sản giảm 1,3%; cà phê giảm 22,6%; hạt điều giảm 16,9%; gạo giảm 21,7%; hạt tiêu giảm 12%...

Mặc dù đã có nhiều cải thiện trong môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp nhưng 4 tháng đầu năm, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo đánh giá chung còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 17 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,7%; 5,3 nghìn doanh nghiệp giải thể, tăng 12,9%.

Trước những khó khăn của nền kinh tế, theo các chuyên gia, động lực tăng trưởng cho năm 2019 và những năm sắp tới phải xuất phát từ nội lực thực sự của nền kinh tế. Bao gồm thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, khu vực kinh tế tư nhân và cách mạng công nghiệp 4.0. Trước mắt là giải quyết ngay những quy định gây ách tắc, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh các giải pháp trong ngắn hạn, các chuyên gia cũng nhấn mạnh tới các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn như tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tăng cường thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển…

“Đi kèm quyết tâm của Chính phủ phải là sự quán triệt một cách nghiêm túc quyết tâm đó đến các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp. Và hơn hết, phải là sự triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, mà trước hết và quan trọng nhất là các giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ” - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Lê Minh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/buc-tranh-kinh-te-4-thang-dau-nam-hai-gam-mau-sang-toi-535508.html