Bức tranh đối ngoại thời Biden dần thành hình sau một tháng

Chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden sẽ không giống người tiền nhiệm Donald Trump hay ông Barack Obama, thay vào đó là một tầm nhìn phức tạp về việc xây dựng liên minh.

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden tuyên bố “nước Mỹ đã trở lại”. Ông hứa sẽ biến hợp tác quốc tế và ngoại giao thành trọng tâm của chính quyền, vì mục tiêu củng cố vị thế của Mỹ trên trường quốc tế và khẳng định lại lợi thế cạnh tranh đối với Trung Quốc.

Gần 6 tuần sau khi vào Nhà Trắng, ông Biden đã có một số quyết định giúp giới quan sát phác thảo bức tranh chính sách đối ngoại Mỹ trong tương lai. Bức tranh này khớp với những lời hứa trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông.

New York Times nhận định Tổng thống Biden đang thận trọng. Ông đảo ngược các chính sách gây chia rẽ của người tiền nhiệm, nhưng cũng không cam kết tạo ra bất kỳ thay đổi lớn nào với kế hoạch dài hạn của Mỹ ở Trung Đông.

Người đứng đầu Nhà Trắng cam kết gia hạn hiệp ước không phổ biến hạt nhân (New START) với Nga và ngừng hỗ trợ cho cuộc chiến ở Yemen. Tuy vậy, tuần trước, ông đã ra lệnh không kích các chiến binh được Iran hậu thuẫn ở Syria. Ông Biden cũng từ chối gây áp lực lên hoàng gia Saudi Arabia mặc cho vai trò của Thái tử Mohammed bin Salman trong vụ sát hại nhà báo Mỹ Jamal Khashoggi.

Tổng thống Mỹ hứa cứng rắn với Trung Quốc. Và tháng trước, ông ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin thực hiện cuộc “đánh giá thế trận toàn cầu” để sắp xếp lại cách bố trí lực lượng.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định ông Biden sẽ không hoàn toàn thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ.

“Ông Biden thực sự tập trung vào chương trình nghị sự trong nước. Ông không muốn phân tán nguồn lực chính trị cho các vấn đề đối ngoại”, Trita Parsi, người sáng lập Viện Quincy, một tổ chức nghiên cứu, nói với New York Times. “Ông Biden không bao giờ thể hiện mình là người có nhiều ý tưởng lớn và muốn đoạn tuyệt với chính sách của người tiền nhiệm”.

 Tổng thống Joe Biden muốn tập trung vào chương trình nghị sự trong nước. Ảnh: AP.

Tổng thống Joe Biden muốn tập trung vào chương trình nghị sự trong nước. Ảnh: AP.

Vấn đề Saudi Arabia của ông Biden

Tuần trước, chính quyền Biden công bố báo cáo tình báo khẳng định Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia ra lệnh giết ông Khashoggi vào năm 2018.

Mỹ trừng phạt nhóm đặc vụ thực hiện vụ giết ông Khashoggi nhưng không có động thái tương tự với gia đình hoàng gia. Điều này cho thấy “lợi ích chiến lược của Mỹ quan trọng hơn” so với các lý tưởng, New York Times nhận định.

Ngày 1/3, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki biện hộ rằng chiến lược ngoại giao sẽ giúp ngăn chặn những hành động tàn bạo như vậy trong tương lai.

Theo báo cáo tình báo, Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia là người ra lệnh giết nhà báo Jamal Khashoggi. Ảnh: Reuters.

Mỹ cũng chú trọng “các cuộc trò chuyện giữa những người đồng cấp”, theo bà Psaki, thay vì tiếp tục cách tiếp cận đơn độc của cựu Tổng thống Donald Trump.

Một ngày trước khi chính quyền công bố quyết định liên quan đến Saudi Arabia, Tổng thống Biden đưa ra dấu hiệu đầu tiên thể hiện ông sẵn sàng sử dụng vũ lực ở Trung Đông, nếu ông thấy hợp lý. Người đứng đầu Nhà Trắng đã ra lệnh không kích các công trình của nhóm chiến binh do Iran hậu thuẫn ở Syria.

Để đáp trả các cuộc tấn công, Iran đã từ chối lời tham gia đàm phán với Mỹ.

Khi tranh cử, Tổng thống Biden cam kết thiết lập lại thỏa thuận hạt nhân Iran mà cấp trên cũ, cựu Tổng thống Barack Obama, ký kết. Ông Biden cũng nhấn mạnh mình là người phản đối ông Obama can thiệp vào Libya và gia tăng quân số ở Afghanistan.

Sau khi nhậm chức, một trong những động thái đầu tiên của ông Biden là tuyên bố Mỹ sẽ ngưng “hỗ trợ cho mọi hoạt động tấn công trong cuộc chiến ở Yemen, bao gồm cả việc bán vũ khí”.

Đây được coi là hành động phủ đầu vì quốc hội có khả năng sẽ trình lại dự luật bị ông Trump phủ quyết. Dự luật này liên quan đến cắt giảm việc bán vũ khí cho cuộc chiến ở Yemen.

Tuy vậy, động thái này cũng phản ánh áp lực từ nội bộ đảng Dân chủ - và từ nhiều đảng viên Cộng hòa ủng hộ ông Trump - trong việc điều chỉnh các hành động can thiệp của Mỹ ở nước ngoài.

Cuộc chiến không hồi kết

Tuy nhiên, ông Biden đang trọng dụng những nhân vật đặt nền móng cho chính sách đối ngoại của đảng Dân chủ ở Washington. Điều này khiến một số người lo ngại ông sẽ quay lại kiểu can thiệp nước ngoài ở mức độ vừa phải - chính sách đã định hình nhiệm kỳ ông Obama.

Vài tuần trước khi Tổng thống Biden nhậm chức, một số nhóm cấp tiến đã gửi cho ông danh sách đề xuất 100 nhân viên. Họ lo ngại về những quan chức ngoại giao tổng thống lựa chọn.

Những người chỉ trích cũng nhắc đến việc nhiều cựu quan chức dưới thời ông Obama có quan hệ với ngành công nghiệp vũ khí trong những năm họ chưa trở thành công chức.

Về phần mình, Tổng thống Biden nói ông muốn "chấm dứt các cuộc chiến tranh không hồi kết", thường nhắc đến việc mình là cha của Beau Biden - một cựu quân nhân được điều đến Iraq (Beau Biden chết vì ung thư năm 2015).

Tiêm kích F-15E Mỹ tuần tra tại Trung Đông cuối năm 2020. Ảnh: USAF.

Song hiện tại ông Biden khó có khả năng thực hiện lời hứa khi tranh cử của mình, New York Times nhận định. Ông đã hứa đưa tất cả binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan trước ngày 1/5.

Với chuyên gia Parsi, điều này có thể là vì cho dù Mỹ lựa chọn thế nào đi nữa, tình hình ở Afghanistan cũng sẽ xấu đi và ông Biden đang tập trung vào chính sách đối nội.

“Ông ấy dường như không thể chi phối chuyện sẽ xảy ra. Chuyện phải đến chắc chắn sẽ đến, cho dù binh sĩ Mỹ có ở lại hay không”, ông Parsi nói với New York Times. "Chúng ta vẫn sẽ chứng kiến sự gia tăng các cuộc giao tranh và bạo lực ở Afghanistan".

Liên minh và Trung Quốc

Bonnie Glaser, chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói chính quyền của ông Biden đang cố gắng không để xung đột ở Trung Đông lấn át các mục tiêu trong nước hoặc việc cạnh tranh với Trung Quốc.

Bà Glaser nhận định ở một mức độ nào đó, việc Mỹ tập trung duy trì ảnh hưởng ở Trung Đông dưới thời George W. Bush và Obama khiến nước này không thể chú trọng vào việc gây áp lực lên Trung Quốc.

“Bắc Kinh có thể rất vui mừng khi thấy Mỹ tiếp tục sa lầy ở Trung Đông”, bà Glaser nói với New York Times. “Trung Quốc được hưởng lợi rất nhiều trong suốt thập kỷ mà Mỹ bị phân tâm vì các vấn đề ở Trung Đông. Họ đã trở thành một quốc gia mạnh hơn không chỉ về kinh tế mà còn cả về quân sự”.

Ông Biden bắt tay với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2013, khi ông còn là phó tổng thống. Ảnh: Reuters.

Bà Glaser nói rằng để đối phó với Trung Quốc, chính quyền ông Biden cho biết họ có kế hoạch đầu tư xây dựng các liên minh lớn hơn so với thời cựu Tổng thống Trump. Những liên minh này cũng sẽ được xây dựng theo cách phức tạp hơn khi ông Obama còn làm tổng thống.

“Ông Biden nghĩ chúng ta có thể hợp tác cùng các đồng minh để cạnh tranh với Trung Quốc hiệu quả hơn”, bà Glaser cho biết. “Điều này không có nghĩa là chúng ta cần tạo ra một liên minh có thể giải quyết mọi thứ. Đây không phải là Chiến tranh Lạnh - lúc chúng ta biết mỗi quốc gia đứng về phe nào”.

Thay vào đó, một số liên minh sẽ tập trung vào mục tiêu nhân quyền, chuyên gia này nói. Những liên minh khác có thể bàn về thương mại. Vài liên minh có thể liên kết với các công ty công nghệ và ảnh hưởng trên trường quốc tế của họ.

“Chuyện này sẽ phức tạp hơn so với thời Chiến tranh Lạnh. Chúng ta không thể mong đợi rằng mình có thể xây dựng một liên minh cùng đồng hành trong mọi vấn đề”, bà Glaser cho biết.

Như Trần

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buc-tranh-doi-ngoai-thoi-biden-dan-thanh-hinh-sau-mot-thang-post1188931.html