Bức tranh địa giới hành chính: Thủ đô những lần điều chỉnh

Trong những năm 1954 - 2010, theo chủ trương của Đảng, Hà Nội đã có 4 lần điều chỉnh lớn về địa giới hành chính vào các năm: 1961, 1978, 1991 và 2008. Trong đó, năm 1961, năm 1978 là mở rộng, năm 1991 là thu hẹp và năm 2008 lại được mở rộng với quy mô lớn hơn nhiều như hiện nay.

Thông qua triển lãm “Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ” diễn ra từ ngày 2 đến 15/10 tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, công chúng sẽ phần nào có cái nhìn tổng quan về sự thay đổi lớn của địa giới hành chính Thủ đô qua từng giai đoạn. Triển lãm do Sở Nội Vụ, Chi cục Văn thư Lưu trữ Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội tổ chức.

 Lễ ký kết bàn giao có cụ Phan Kế Toại, Phó Thủ tướng chứng kiến

Lễ ký kết bàn giao có cụ Phan Kế Toại, Phó Thủ tướng chứng kiến

3 lần điều chỉnh

Lần điều chỉnh thứ nhất năm 1961. Theo quy định của Hiệp định Giơnevơ, ngày 10/10/1954, bộ đội Việt Nam thuộc Đại đoàn 308 tiến về Hà Nội tiếp quản Thủ đô về mặt chính quyền. Hà Nội được giải phóng, trở thành TP trực thuộc T.Ư. Địa giới hành chính TP Hà Nội năm 1954: phía Bắc và phía Đông giáp tỉnh Bắc Ninh, phía Tây giáp tỉnh Hà Đông và Sơn Tây, phía Nam giáp tỉnh Hà Đông. Hà Nội năm 1954 có diện tích 152,2km2, gồm 36 phố nội thành và 4 quận ngoại thành; dân số là 436.624 người.

Ngày 4/1/1960, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 98/NQ-TW về quy hoạch cải tạo và mở rộng TP Hà Nội. Hướng phát triển của TP về phía Đông Bắc là mở rộng ra đến khu vực Cầu Đuống, phía Nam đến khu vực Vĩnh Tuy và gần Văn Điển. Căn cứ Nghị quyết của Bộ Chính trị, Hội đồng Chính phủ đệ trình Quốc hội Dự án mở rộng TP Hà Nội đồng tâm về 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, sáp nhập các vùng phụ cận vốn có quan hệ với TP Hà Nội và có cơ sở kinh tế - xã hội tương đối phù hợp với khu vực ngoại thành của Hà Nội.

Tài liệu lưu trữ sẽ được trưng bày trong triển lãm gồm: Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn mở rộng TP Hà Nội năm 1961, ngày 20/4/1961. Bài phát biểu của bác sĩ Trần Duy Hưng - Chủ tịch UBHC TP Hà Nội. Năm 1961, biên bản cuộc họp giữa đại biểu UBHC tỉnh Bắc Ninh, Hà Đông, Vĩnh Phúc, Hưng Yên và UBHC TP Hà Nội về việc bàn giao và tiếp nhận các xã của các tỉnh vào ngoại thành Hà Nội năm 1961; Danh sách các xã, thôn, thị trấn mở rộng cho ngoại thành Hà Nội năm 1960. Sưu tập ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mô hình quy hoạch xây dựng Thủ đô.

Lần điều chỉnh thứ 2 năm 1978. Ngày 29/12/1978, Quốc hội khóa VI kỳ họp thứ 4 đã phê chuẩn đề án của Chính phủ về việc mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội bằng việc sáp nhập một số huyện, thị xã, xã và thị trấn của tỉnh Hà Sơn Bình và tỉnh Vĩnh Phú vào Hà Nội. Tài liệu lưu trữ gồm: Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú, Cao – Lạng, Bắc – Thái, Quảng Ninh và Đồng Nai, năm 1978. Bản đồ quy hoạch Thủ đô Hà Nội năm 1980 theo đề xuất của chuyên gia Liên Xô do Viện Quy hoạch thực hiện.

Lần điều chỉnh thứ 3 năm 1991. Trong quá trình quản lý Thủ đô rộng lớn, bên cạnh những thuận lợi, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội cũng nhận thấy có những khó khăn nên đã kiến nghị lên Bộ Chính trị và Hội đồng Bộ trưởng đề nghị điều chỉnh lại địa giới hành chính TP. Ngày 24/11/1989, trên cơ sở xem xét kiến nghị của Hà Nội, Bộ Chính trị đã ra Thông báo số 170/TB-TW nhất trí cần điều chỉnh ranh giới ngoại thành Hà Nội, xác định lại địa giới hành chính của TP Hà Nội. Ngày 12/8/1991, Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9 ra nghị quyết điều chỉnh theo hướng thu hẹp địa giới hành chính TP Hà Nội: Chuyển huyện Mê Linh của TP Hà Nội về tỉnh Vĩnh Phúc, chuyển thị xã Sơn Tây và 5 huyện: Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì và Thạch Thất của TP Hà Nội về tỉnh Hà Tây.

Bản đồ Hà Nội ngoại thành mở rộng năm 1961. Ảnh tư liệu

Hà Nội thời kỳ mở rộng năm 2008

Năm 2007, vấn đề mở rộng Thủ đô ngày càng bức thiết hơn. Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng 5 phương án mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội. Bộ Chính trị cũng yêu cầu mở rộng Hà Nội phải đáp ứng được 9 tiêu chí, đó là: Khu vực mở rộng phải phù hợp với các định hướng phát triển vùng Hà Nội; Phải phù hợp dân số Thủ đô và các đô thị trong vùng; Các khu vực có khả năng phát triển công trình đầu mối hạ tầng, phát triển các dự án quốc gia gắn với Thủ đô trong đầu tư và hoạt động lâu dài; Phù hợp về các điều kiện địa lý, lịch sử, văn hóa truyền thống; Khu vực mở rộng cần có quỹ đất đủ rộng để xây dựng một số khu chức năng của Thủ đô, các đô thị - khu đô thị mang tính chất vệ tinh để giảm áp lực vào khu vực nội thành truyền thống; Có thể phát triển các vành đai xanh, không gian mở, phát triển các vùng thực phẩm rau quả tươi phục vụ các đô thị trong vùng...

Ngày 29/5/2008, Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 5 đã thông qua Nghị quyết số 15 điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội theo phương án 1: Hợp nhất toàn bộ tỉnh Hà Tây, chuyển toàn bộ huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, chuyển toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số hiện tại của 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình vào TP Hà Nội. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, TP Hà Nội gấp 3,6 lần diện tích cũ; với 29 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 10 quận nội thành, 18 huyện và 1 thị xã ngoại thành, với dân số hơn 6 triệu người. Địa giới: phía Đông giáp các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Hưng Yên; phía Tây giáp tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ; phía Nam giáp tỉnh Hà Nam và Hòa Bình; phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.

Tài liệu trưng bày tại triển lãm gồm: Nghị quyết số 01/2008/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội về việc triển khai thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội, năm 2008. Bản đồ hành chính TP Hà Nội mở rộng năm 2008. Ảnh Thủ đô Hà Nội thời kỳ đổi mới (công trình kiến trúc tiêu biểu,…).

Như vậy, từ 1954 đến 2008, Thủ đô Hà Nội đã có 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính lớn: 1961, 1978, 1991 và 2008. Qua những lần điều chỉnh địa giới hành chính, TP Hà Nội đã có những bước phát triển mới, ngày càng xứng đáng với tầm vóc là Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị, hành chính của quốc gia, trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, kĩ thuật và giao lưu quốc tế của cả nước.

Hoàng Minh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/buc-tranh-dia-gioi-hanh-chinh-thu-do-nhung-lan-dieu-chinh-353720.html