Bức tranh đa sắc quảng bá văn học Việt

Văn học Việt gần đây có nhiều tác giả, tác phẩm được trao giải thưởng uy tín quốc tế. Đồng thời, nhiều tác phẩm trong kho tàng văn học Việt được dịch sang tiếng nước ngoài, góp phần quảng bá nền văn học Việt tới bạn bè năm châu. Tuy nhiên, quá trình xuất khẩu, quảng bá văn học Việt ra thế giới còn không ít tồn tại.

Những niềm vui

Mới đây, văn học Việt Nam liên tiếp đón nhận tin vui khi một số tác giả “ẵm” giải thưởng văn học quốc tế. Đó là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam được vinh danh tại Giải thưởng Changwon KC International Literary năm 2018 của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư với tác phẩm Cánh đồng bất tận (bản tiếng Đức Endlose Felder) đã vượt qua tác phẩm của 8 tác giả nữ quốc tế để chiến thắng giải Literaturpreis 2018 do Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh (Litprom) ở Đức bình chọn. Tháng 10/2018, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sẽ nhận giải thưởng danh giá này tại Hội chợ sách thường niên Frankfurt lớn nhất tại Đức. Trước đó, nhà thơ Mai Văn Phấn (2017) và nhà thơ Ý Nhi (2015) là hai tác giả người Việt đã được trao giải thưởng Văn học Cikada của Đại sứ quán Thụy Điển, qua đó đưa nền văn học Việt “phủ sóng” với cộng đồng quốc tế.

Thông tin nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được trao giải thưởng văn học LiBeraturpreis 2018 được thông báo trên trang web của Ban tổ chức.

Không khó để nhận thấy nhiều tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam thời gian qua khi được chuyển ngữ và phát hành ở nước ngoài đã giành được các giải thưởng danh giá. Nhà văn Bảo Ninh với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh nổi tiếng từng được trao Giải thưởng châu Á 2011 (Nhật Bản) cũng như giải Sim Hun (2016) của Hàn Quốc; truyện ngắn Tướng về hưu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp giành giải Premio Nonino (Italy); nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ và Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận cũng từng “ẵm” giải thưởng Văn học ASEAN... Những giải thưởng này cho thấy văn học Việt luôn có những cây bút, tác phẩm xứng tầm để vươn ra biển lớn và qua đó quảng bá nền văn học trong nước tới bạn bè quốc tế.

Không chỉ vươn xa và bay cao như trên, nhiều tác phẩm trong nước ta đã được chuyển ngữ và phát hành tại nước ngoài. Trong đó phải kể đến tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn của nhà thơ Trần Dần được bán bản quyền tiếng Hàn Quốc; tiểu thuyết Đất trời vần vũ của nhà văn Nguyễn Một được dịch sang tiếng Anh; Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh được dịch qua tiếng Anh, Hàn Quốc, Thái Lan...; Nhật ký Đặng Thùy Trâm được dịch sang nhiều thứ tiếng như Nga, Anh, Nhật, Pháp, Đức, Lào...Ngoài ra, các tác phẩm của các cây bút tên tuổi gồm Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Lựu, Nguyễn Nhật Ánh, Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Thuần, Lê Minh Khuê, Di Li, Nguyễn Phan Quế Mai... cũng được nhiều nhà xuất bản, các đối tác nước ngoài mua bản quyền và dịch ra các thứ tiếng phát hành ở quốc gia sở tại.

Nhiều trăn trở

Dù đã có nhiều tác phẩm cũng như giải thưởng văn học quốc tế kể trên, tuy nhiên theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chúng ta chưa làm rõ nét được vị trí riêng trên bản đồ văn học thế giới vì việc truyền bá chưa được chú trọng. Thực tế phản ánh, còn rất nhiều nhà văn, nhà thơ khác rất đáng được nhận giải thưởng quốc tế nếu chúng ta biết tự chọn dịch các tác phẩm của họ. Nhưng đây vẫn chỉ là việc dịch đơn lẻ, nghĩa là những người họ thấy cá nhân đó giá trị thì họ dịch nên việc quảng bá hay để các giải thưởng chú ý còn rất hạn chế.

Điều đáng nói nữa là, dù vẫn có các tác phẩm được xuất bản, phát hành ở nước ngoài nhưng chúng ta lại đang trong tình trạng “nhập siêu”. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng cho biết, số tác phẩm văn học Việt Nam được xuất ngoại trong nhiều năm vừa qua gần 600 tác phẩm; trong khi đó số tác phẩm văn học nước ngoài được dịch và phát hành trong nước là 13.700 tác phẩm. Gần chục năm trôi qua nhưng tình hình xuất khẩu văn học Việt chưa có nhiều bước tiến đáng kể. Điều này là minh chứng cho thấy sự mất cân xứng trên thị trường văn học Việt Nam và cán cân ấy đang nghiêng về phía “nhập siêu”.

Trên thực tế, nhiều nhà xuất bản cũng như Trung tâm Dịch thuật văn học (Hội Nhà văn Việt Nam) thời gian qua đã rất nỗ lực chuyển ngữ, dịch các tác phẩm văn học Việt ra các thứ tiếng để giới thiệu tới bạn bè quốc tế nhưng hoạt động này còn chưa hiệu quả như mong muốn. Để văn học Việt lan tỏa và được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần chú trọng công tác dịch thuật. Trong đó, người dịch và hiệu đính tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng nước ngoài ngoài vốn ngoại ngữ tốt còn cần có kiến thức nền về văn hóa và phong cách viết của nhà văn. Đồng thời, chúng ta cần có chế độ nhuận bút tương xứng cho đội ngũ dịch giả trong nước để động viên, khích lệ và kích thích niềm đam mê cũng như giữ chân những người giỏi nghề gắn bó với công việc dịch thuật.

Thùy Trang

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/buc-tranh-da-sac-quang-ba-van-hoc-viet-n147419.html