Bức tranh đa chiều về truyền thông Hàn Quốc (Kỳ II)

Ủy ban Truyền hình là tiền thân của Ủy ban Truyền hình – Truyền thông Hàn Quốc được thành lập vào năm 1981. Để đảm bảo thông tin chân thật, khách quan, minh bạch và công bằng, năm 2008, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập Ủy ban Thẩm định truyền hình - truyền thông theo điều 18 Luật về xây dựng và hoạt động của Ủy ban truyền hình – truyền thông Hàn Quốc .

Đoàn Việt Nam trao đổi với ông Kang Sang Huyn - Chủ tịch Ủy ban Thẩm định Truyền thông Hàn Quốc. Ảnh: PV

Đoàn Việt Nam trao đổi với ông Kang Sang Huyn - Chủ tịch Ủy ban Thẩm định Truyền thông Hàn Quốc. Ảnh: PV

Kỳ 2: Thẩm định để minh bạch hóa thông tin truyền hình và Internet

Ông Park Jeong Ho, Phụ trách đối ngoại của Ủy ban Thẩm định truyền hình - truyền thông Hàn Quốc cho biết, mục tiêu lớn nhất của Ủy ban là giúp cho các đài truyền hình và truyền thông mang lại hiệu quả cho công chúng.

Năm 1988, Ủy ban đã cải cách hoạt động dựa theo Luật Truyền thông của Hàn Quốc. Năm 1992 thành lập Ủy ban Thẩm định truyền hình cáp. Năm 1995 thành lập bộ phận quản lý đạo đức truyền hình - truyền thông. Năm 2000 hợp nhất Ủy ban Truyền hình - Truyền thông với Ủy ban Thẩm định truyền hình cáp. Năm 2008, theo dòng chảy của công nghệ, hợp nhất Ủy ban Truyền hình - Truyền thông Internet thành Ủy ban thẩm định Truyền thông - Truyền hình hiện nay.

Nhiệm kỳ hoạt động của Ủy ban Thẩm định truyền hình - truyền thông là 3 năm. Ủy ban được cơ cấu gồm 9 Ủy viên. 9 người này không được tham gia bất cứ đảng phái nào. Nếu các Ủy viên tham gia các đảng phái, họ sẽ bị loại khỏi danh sách Ủy viên. Các ủy viên Ủy ban do Tổng thống tiến cử, trong đó có 3 người làm việc thường trực.

Ủy ban hiện có 240 nhân viên chính thức hoạt động trên cả nước. Ngoài ra, có 500 nhân viên thuộc bộ phận hỗ trợ. Mỗi tháng, Ủy ban họp hai phiên toàn thể. Trong trường hợp nếu có những công việc đột xuất, khẩn cấp, Chủ tịch Ủy ban sẽ triệu tập họp với ít nhất 1/3 thành viên và đưa ra các quyết định công việc.

Ủy ban gồm các tiểu ban: Tiểu ban Truyền hình và Internet (chuyên thẩm định nội dung truyền hình và Internet được phát); Tiểu ban đặc biệt (chuyên phụ trách các vấn đề về truyền hình, ngôn ngữ, quyền của công chúng); Tiểu ban điều trần giải quyết các việc xâm hại, bôi nhọ danh dự trên Internet (chuyên giải quyết các vấn đề liên quan đến luật pháp truyền thông và các thành viên đều là luật sư); Tiểu ban thẩm định các vấn đề về bầu cử (chuyên giải quyết các vấn đề liên quan đến truyền thông về bầu cử; tiểu ban được thành lập theo Luật Bầu cử của Hàn Quốc; Ủy viên của tiểu ban là đại diện của người dân, nhà báo, luật sư; gần đây, tiểu ban này tham gia vào nhiều cuộc bầu cử trung ương và địa phương). Cơ cấu của các tiểu ban gồm có 1 chủ tịch và các ủy viên.

Thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: TL

Trụ sở chính của Ủy ban Thẩm định truyền hình - truyền thông tại trung tâm Thủ đô Seoul. Ngoài ra, Ủy ban còn có 5 văn phòng đại diện ở các địa phương trong cả nước. Chủ tịch Ủy ban là ông Kang Sang Huyn - nguyên là học giả báo chí. Ông được các thành viên trong lãnh đạo Ủy ban tín nhiệm bầu làm giữ chức Chủ tịch.

Nhiệm vụ quan trọng của Ủy ban là thẩm định tính công bằng, chính trực về nội dung của các sản phẩm truyền hình - truyền thông; phòng chống các nội dung phi đạo đức trên Internet; nghiên cứu, đề xuất xây dựng các chính sách quản lý, giám sát truyền hình - truyền thông Hàn Quốc; phát triển các dự án truyền thông hợp tác trong nước, quốc tế. Ngoài ra, Ủy ban còn tiến hành các khóa đào tạo, vận động và các hoạt động khác liên quan.

Sai phạm phổ biến nhất mà Ủy ban xử lý, đó là việc các đài truyền hình – truyền thông đưa tin tức giả, thiếu tính khách quan.

Ủy ban Thẩm định Truyền thông Hàn Quốc Ủy ban tiếp nhận, phân tích thông tin. Ảnh: PV

Quy trình thẩm định gồm nhiều khâu, trong đó khâu tiếp nhận các vấn đề xử lý rất quan trọng. Nếu bên yêu cầu xử lý không đáp ứng đủ các điều kiện thì Ủy ban không được tiếp nhận. Nếu đủ điều kiện thì Ủy ban sẽ tiếp nhận, phân tích thông tin rồi chuyển cơ quan chức năng xử lý tiếp.

Giai đoạn được xử lý ở các tiểu ban, tùy theo các trường hợp cụ thể mà Ủy ban đề xuất mức xử lý nặng hay nhẹ.

Có 2 hình thức chính mà Ủy ban xử lý, đó là những trường hợp liên quan đến pháp lý và hướng dẫn hành chính. Phạt tiền là hình thức xử phạt nặng nhất mà Ủy ban đề xuất áp dụng đối với trường hợp bị xử phạt. Hình thức nhẹ hơn là buộc cơ quan truyền hình - truyền thông phải ngừng phát sóng. Có trường hợp, Ủy ban đề xuất xử phạt trực tiếp người tổ chức sản xuất chương trình.

Ngoài ra, Ủy ban còn có hình thức cảnh báo nhắc nhở hoặc đề xuất cảnh cáo đối với trường hợp vi phạm. Nếu cơ quan truyền hình - truyền thông bị xử lý pháp lý có thể sẽ ảnh hưởng đến việc ra hạn cấp phép.

Kết luận mà Ủy ban đưa ra được chuyển về cơ quan truyền hình - truyền thông để thực thi. Những sự vụ quan trọng được xử lý tại Ủy ban thông qua cuộc họp toàn thể để quyết định về cách thức xử lý. Các đài truyền hình, đơn vị truyền thông có quyền khiếu nại lên tòa án về kết quả xử lý do Ủy ban đề xuất. Quyết định bên nào đúng - sai sẽ được tòa án thẩm định và phán xử. Tuy nhiên, mỗi năm Ủy ban xử lý hàng trăm vụ các đài truyền hình và đơn vị truyền thông vi phạm, tuy nhiên chỉ có vài vụ phức tạp phải đưa ra tòa án giải quyết.

Ủy ban Thẩm định Truyền thông Hàn Quốc quản lý các nội dung được phát tác trên Internet. Ảnh: TL

Đối với các nội dung được phát tác trên Internet, nếu gây hại cho tổ chức, cá nhân, nhất là đối với thanh thiếu niên, đầu tiên Ủy ban yêu cầu cơ quan chủ quản phải xóa thông điệp và đối với các chủ tài khoản ở nước ngoài, Ủy ban sẽ dùng biện pháp kỹ thuật ngăn chặn; đồng thời Ủy ban có quyền đề xuất ngừng cung cấp dịch vụ Internet đối với chủ quản. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều nước, vấn đề quản lý thông tin trên môi trường Internet đối với Hàn Quốc còn gặp nhiều khó khăn.

Ủy ban còn thực thi nhiệm vụ giám sát, tiếp thu ý kiến của công chúng hoặc chiểu theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức những vấn đề liên quan đến chất lượng nội dung thông tin. Nội dung cụ thể của các kiến nghị sẽ được Ủy ban chuyển về các tiểu ban phụ trách để trực tiếp giải quyết.

Quy trình giải quyết khi có vi phạm, đó là Tiểu ban truyền thông Internet sẽ họp tổng thể. Nếu vụ việc quan trọng, hội đồng 9 người của Tiểu ban đặc biệt sẽ họp quyết định phương án xử lý.

Ngân sách của Ủy ban được Quốc hội cấp hằng năm. Quốc hội, Thanh tra và Kiểm toán chính phủ giám sát hoạt động của cơ quan này. Ủy ban Thông tin vầ Truyền thông Hàn Quốc (cơ quan quản lý nhà nước về báo chí truyền thông) chỉ thực hiện vai trò quản lý nhà nước.

Ủy ban Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc có trách nhiệm nhận thông tin vi phạm từ Ủy ban Thẩm định để công bố với cơ quan truyền hình – truyền thông vi phạm. Ủy ban Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc không được phép điều chỉnh quyết định, kết luận của Ủy ban Thẩm định truyền thông – truyền hình.

Tuy cả hai cơ quan này có chức năng, nhiệm vụ độc lập, nhưng cùng hợp tác góp phần phát triển báo chí - truyền thông của Hàn Quốc.

Hà Huy Phượng

Xem thêm:

>>> Trao đổi nghiệp vụ truyền thông chính sách tại Đại học Hàn Quốc

>>> Nâng cao năng lực triển khai chính sách tại Koica (Hàn Quốc)

>>> Báo chí Hàn Quốc chuyển đổi trong kỷ nguyên số

>>> Thời sự là "bữa cơm" ăn hàng ngày của công chúng

>>> Minh bạch thông tin - "thần dược" trong truyền thông chính sách

>>> Bức tranh đa chiều về truyền thông Hàn Quốc (Kỳ I)

>>> Bức tranh đa chiều về truyền thông Hàn Quốc (Kỳ II)

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/buc-tranh-da-chieu-ve-truyen-thong-han-quoc-ky-ii-n11229.html