Bức tranh 'Chân dung cô Phương' chạm mức giá kỷ lục 3,1 triệu USD

'Chân dung Madam Phương' của họa sĩ Mai Trung Thứ được gõ búa với mức giá 3,1 triệu USD, phá kỷ lục cách đây hai năm của danh họa Lê Phổ.

Họa sĩ Mai Trung Thứ.

Họa sĩ Mai Trung Thứ.

Cho đến thời điểm hiện tại, đây là tác phẩm có giá công khai cao nhất của nền mỹ thuật Việt Nam.

Bức tranh xuất hiện trong phiên đấu giá mang tên Beyond Legends: Modern Art Evening Sale của Sotheby’s Hong Kong diễn ra lúc 17h30 ngày 18/4.

Ngay từ khi nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong thông báo sẽ mở phiên đấu giá, bức tranh này đã được các nhà sưu tầm và giới nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam ước tính sẽ đạt mức giá từ 900.000 - 1,2 triệu USD.

Bức tranh "Chân dung cô Phương" của họa sĩ Mai Trung Thứ.

Đúng 18h29, bức tranh “Chân dung cô Phương” bắt đầu được bỏ giá với khởi điểm khá thấp - 500.000 USD.

Mọi việc diễn ra sau đó khiến nhiều người choáng váng. Chỉ trong vòng 2 phút, mức giá được đẩy lên mức 1,9 triệu USD - vượt qua bức tranh “Khỏa thân” của danh họa Lê Phổ năm 2019 (1,4 triệu USD). Điện thoại trong phòng đấu giá rung lên liên tục vì hầu hết người mua bỏ giá qua điện thoại.

5 phút sau, phòng đấu giá chỉ còn lại hai đối thủ. Giấu mặt qua chiếc điện thoại, hai bên giằng co từng chút một. 2 triệu USD. 2,1 triệu USD. Mốc 2,5 triệu USD bị “xuyên thủng” trong sự nghẹt thở.

Cuối cùng, người điều khiển phiên đấu giá đã gõ búa chung cuộc. Sau khi tính thuế phí, mức giá cuối cùng cho bức tranh là 3,1 triệu USD.

Trao đổi với PV Báo GD&TĐ từ trong nước, nhà nghiên cứu Lý Đợi cho rằng, phiên đấu giá bức “Chân dung cô Phượng” của danh họa Mai Trung Thứ là một điểm nhấn trong năm. Mức giá trên không ngoài dự đoán trước đó của ông và trở thành "quán quân" tranh Việt.

Như Báo GD&TĐ đã thông tin, “Chân dung cô Phương” do họa sĩ Mai Trung Thứ sáng tác vào những năm 1930. Tác phẩm được tuyển chọn để tham dự Triển lãm quốc tế thuộc địa năm 1931 ở Paris.

Vợ chồng nhà sưu tầm Pierre Dumonteil - Dothi Dumonteil (Đỗ Thị Lan).

Sau này, bức tranh thuộc sở hữu của nhà sưu tầm nổi tiếng thế giới Pierre Dumonteil và vợ là vợ là Dothi Dumonteil – tức bà Đỗ Thị Lan (người Việt sang Pháp từ năm 12 tuổi).

Sotheby’s miêu tả bức tranh “là một tác phẩm hoành tráng nhưng rất dịu dàng và gần gũi...”.

Trong phiên đấu giá lần này, ngoài Chân dung Madam Phương (Lô 126), 8 bức tranh của họa sĩ Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, Lê Thị Lựu cũng được các nhà sưu tập đặc biệt chú ý.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/chan-dung-co-phuong-cham-muc-gia-ky-luc-31-trieu-usd-vhPJ1EuGR.html