Bức tranh ảm đạm về thói quen đọc sách của học trò

Liên tục trong nhiều năm, văn hóa đọc luôn trong tình trạng 'báo động đỏ'. Đặc biệt, sự thờ ơ với việc đọc lành mạnh của người trẻ vẫn đang là vấn đề còn nan giải.

Kết quả khảo sát về niềm tin, thói quen đọc sách trong giới trẻ tại TP Hồ Chí Minh do Hội Xuất Bản Việt Nam, văn phòng đại diện phía Nam công bố mới đây cho thấy, chỉ có 42% học sinh tiểu học, 36% học sinh Trung học cơ sở thích đọc sách. Có đến 35% học sinh tiểu học, 16% học sinh Trung học cơ sở rất không thích và không thích đọc sách.

Kết quả cũng cho thấy, chỉ có 28% học sinh trung học cơ sở thường xuyên đọc sách nhưng có đến 63% số học sinh được khảo sát khẳng định thường xuyên sử dụng Ipad, điện thoại di động, máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác.

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, một trong số các thành viên của đề tài nghiên cứu “Niềm tin – thói quen đọc sách trong giới trẻ tại TP Hồ Chí Minh” cho rằng, học sinh Tiểu học và Trung học sơ cở là hai nhóm đối tượng cần được quan tâm đầu tư nhiều trong việc tạo lập cảm xúc yêu thích đối với việc đọc từ môi trường gia đình, nhà trường.

Tạo dựng niềm tin, thói quen đọc sách cho trẻ cần sự nhập cuộc tích cực từ các bậc phụ huynh. Ảnh minh họa:CTV

Tạo dựng niềm tin, thói quen đọc sách cho trẻ cần sự nhập cuộc tích cực từ các bậc phụ huynh. Ảnh minh họa:CTV

Tuy nhiên, kết quả khảo sát đã phác họa một “bức tranh” không tươi sáng. Bởi lẽ, không gian, môi trường giúp các em thực hành việc đọc sách chủ yếu tập trung ở trong gia đình thay vì nhà trường. Có 60% học sinh Tiểu học và 55% học sinh Trung học cơ sở thường đọc sách ở nhà. Nhưng tỷ lệ bố mẹ không khuyến khích con đọc sách ở cấp Tiểu học chiếm đến 24%, cao hơn số lượng bố mẹ bắt buộc, khuyến khích con đọc sách (23%).

Quỹ thời gian để các em tạo lập thói quen đọc sách từ gia đình, nhà trường hầu như bỏ ngỏ, thiếu tính chủ đích và có kế hoạch. Chỉ có 25% học sinh tiểu học và 13% học sinh trung học cơ sở đọc sách vào giờ ra chơi ở sân trường hoặc trước giờ vào lớp (mà có lẽ chủ yếu là ôn bài vở).

Về vấn đề này, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất Bản Việt Nam cho rằng, lâu nay, khi đề cập đến việc phát triển văn hóa đọc, ta thường căn cứ vào số lượng sách được xuất bản trong năm đem chia cho tổng dân số Việt Nam để ra con số một người dân đọc bao nhiêu cuốn sách trong năm để từ đó nhận định sức đọc của người Việt kém, hoặc những nhận định rất cảm tính khi cho rằng giới trẻ ngày nay quay lưng với văn hóa đọc…

Nhưng, cốt lõi của chiến lược phát triển văn hóa đọc phải là niềm tin, thói quen, hành vi, kiến thức đọc. Niềm tin, thói quen đọc sách là hai thành tố quan trọng mang tính nền tảng góp phần tạo nên văn hóa đọc trong cộng đồng. Để giải quyết những vấn đề bất cập về văn hóa đọc, cần có nhiều giải pháp tác động, tạo lập niềm tin, thói quen, xu hướng đọc tích cực trong giới trẻ.

Làm được điều này thì không thể trong một sớm một chiều mà là một quá trình lâu dài. Phải truyền thông và phổ biến rộng rãi trong cộng đồng, gia đình, nhà trường một cách thường xuyên về văn hóa đọc nhưng tránh cách truyền thông hô khẩu hiệu mang tính phong trào.

Nhà nước nên sử dụng ngân sách cho các video clip dưới dạng một câu chuyện có đầu tư kịch bản, chiếu như một chuyên mục quảng cáo phát trong khung giờ vàng. Cần vận động các tổ chức xã hội các nhóm cộng động trẻ thực hiện các kênh youtube về sách lành mạnh, hấp dẫn có sức cuốn hút, dẫn dắt, định hướng cho mọi người…

Người lớn cần làm gương cho trẻ, thường xuyên đọc sách cùng con, đưa trẻ đi nhà sách thường xuyên, cùng trẻ chọn sách. Nhà trường nên thực hiện đều đặn các tiết đọc sách, các sinh hoạt ngoại khóa, các cuộc thi về sách hấp dẫn trong trường/ lớp…

N.Nguyễn-G.Thuận

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/buc-tranh-am-dam-ve-thoi-quen-doc-sach-cua-hoc-tro-549608/