Bức thư cảnh báo của Einstein

Hơn một thập kỷ trước khi Quốc xã nắm quyền lực ở nước Đức, nhà vật lý học vĩ đại Albert Einstein đã phải rời bỏ Berlin với rất nhiều lo lắng cho tương lai - theo một bức thư viết tay của ông mới được công bố rộng rãi.

Nhà vật lý học Einstein.

Hoảng loạn, trốn chạy

Vào thời điểm bấy giờ, người bạn thân người Do Thái của ông, Ngoại trưởng Đức Walther Rathenau, vừa mới bị ám sát bởi những kẻ có tư tưởng cực đoan cánh hữu, và cảnh sát cảnh báo ông rằng mạng sống của ông cũng đang bị đe dọa.

Bởi vậy, Einstein quyết định bỏ trốn khỏi Berlin và tới ẩn náu ở khu vực miền Bắc nước Đức. Và đó cũng là nơi mà ông đặt bút viết bức thư cho người em gái mà ông hết mực yêu mến, Maja, để cảnh báo về mối nguy hiểm của tư tưởng chủ nghĩa dân tộc và bài Do Thái đang gia tăng trong những năm trước khi chế độ Quốc xã nắm quyền lực, buộc Einstein phải bỏ trốn mãi mãi khỏi nước Đức.

“Ở đây, không ai biết anh ở đâu, và anh được cho là đang mất tích”- Einstein viết vào tháng 8/1922 - “Đây là thời kỳ đen tối cả về mặt chính trị và kinh tế, bởi vậy anh cảm thấy vui vì có thể bỏ trốn khỏi mọi thứ”.

Bức thư mới được công bố bởi một nhà sưu tập ẩn danh, và dự kiến sẽ được đem ra bán đấu giá vào tuần tới ở Jerusalem với mức giá khởi điểm là 12.000 USD.

Là nhà khoa học có tầm ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ 20, cuộc sống và các bản viết tay của Einstein đã được nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng. Đại học Hebrew ở Jerusalem, nơi mà Einstein thành lập, đang sở hữu một bộ sưu tập lớn các tác phẩm liên quan tới ông. Cùng với Viện Công nghệ California, ĐH trên cũng là nơi vận hành Dự án Ghi chép của Einstein. Nhờ Dự án, nhiều bức thư của Einstein đã được công bố trong những năm gần đây.

Bức thư viết năm 1922 đã thể hiện rõ sự quan ngại của Einstein về tương lai của nước Đức ở thời điểm 1 năm trước khi đảng Quốc xã thực hiện cuộc đảo chính đầu tiên.

“Bức thư này cho chúng ta thấy những suy nghĩ trong trí óc và trái tim của Einstein ngay trong giai đoạn đầu của sự trỗi dậy của Đức Quốc xã”- Meron Eren, đồng sở hữu Hãng Đấu giá Kedem ở Jerusalem, nói - “Mối quan hệ giữa Albert và Maja rất gần gũi, đặc biệt. Nó thể hiện thêm một mặt khác của Einstein”.

Bức thư Einstein viết năm 1922 sau khi rời khỏi Berlin. (Nguồn: AP).

Một góc khác của Einstein

Bức thư trên, không có địa chỉ gửi lại, được cho là đã được viết trong lúc Einstein đang trốn ở thành phố cảng Kiel, trước khi thực hiện hành trình làm diễn giả ở khu vực châu Á.

“Anh đang sống khá tốt, dù các nhân tố bài Do Thái đang len lỏi vào các đồng nghiệp người Đức. Anh đang sống ẩn dật nơi đây, không ồn ào, không có cảm xúc tiêu cực, và đang nhận được nguồn tiền độc lập, bởi vậy anh thực sự là một người tự do”- Einstein viết trong thư - “Em thấy đấy, anh sắp trở thành một nhà truyền giáo lưu động. Đầu tiên, đó là điều vui vẻ, và thứ hai, nó là điều cần thiết”.

Để dẹp đi mối lo của người em gái, Einstein viết: “Đừng lo lắng về anh, vì bản thân anh cũng không hề lo lắng, ngay cả khi nhiều người đang rất lo lắng. Ở Italy, dường như tình hình cũng xấu”.

Ze’ev Rosenkrantz- Phó giám đốc Dự án Einstein tại Caltech, nói rằng bức thư viết tay nọ không phải là bức thư đầu tiên mà Einstein viết nhằm cảnh báo về làn sóng bài Do Thái đang trỗi dậy ở Đức, nhưng nó thể hiện ý chí của ông trong giai đoạn lịch sử quan trọng, sau vụ ông Rathenau bị ám sát.

“Phản ứng đầu tiên mà Einstein đưa ra lúc bấy giờ là hoảng loạn và muốn rời khỏi nước Đức mãi mãi. Chỉ trong vòng 1 tuần lễ, ông đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ”- ông Rosenkrantz nói - “Bức thư trên đã cho thấy tâm lý khác thường so với một Einstein từng tuyên bố không bao giờ phải quỵ lụy trước sức ép từ bên ngoài. Nguyên nhân có thể là nhằm xoa dịu người em gái, hoặc có thể là ông ấy không muốn thừa nhận là bản thân đã rất lo lắng về những yếu tố bên ngoài”.

Khi chế độ Quốc xã nắm quyền lực và bắt đầu thực thi bộ luật chống lại người Do Thái, chúng cũng nhằm mục đích thanh trừng các nhà khoa học người Do Thái. Đức Quốc xã lúc bấy giờ không công nhận các công trình khoa học của Einstein, trong đó có Thuyết tương đối, gọi đây là “Vật lý của người Do Thái”. Và vào cuối năm 1922, Einstein đã được trao giải thưởng Nobel.

Einstein đã từ bỏ quyền công dân Đức của mình vào năm 1933, sau khi Hitler trở thành Thủ tướng. Nhà khoa học danh giá đã tới Mỹ, nơi mà ông định cư cho tới lúc qua đời vào năm 1955.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/do-day/buc-thu-canh-bao-cua-einstein-tintuc422292