Bức họa mới trên quê hương Bác Hồ

Từ Hà Tĩnh, tôi về Nam Đàn (Nghệ An), lên đỉnh Chung Sơn thuộc xã Kim Liên. Bồi hồi xúc động biết bao khi đặt chân lên ngọn núi tuổi thơ của Bác và dâng nén hương thơm lên bàn thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tháng 5, lòng người Việt muôn nơi lại không nguôi nhớ Người

Quê hương nghĩa nặng tình sâu…

Đường về quê Bác nhiều đổi thay đến ngỡ ngàng. Dẫu vẫn “non xanh nước biếc như tranh họa đồ”, vẫn những cánh đồng đủ màu xanh no ấm, vẫn là dãy núi Đại Huệ thâm trầm không có tuổi, vẫn những ao sen đã chúm chím búp vào hè, nhưng những con đường đã khác trước. Những con đường rộng rãi và thoáng đãng lướt qua phố xá, làng mạc, qua những cánh đồng vàng rực, qua những hàng hoa ban tím. Đường đến núi Chung lượn quanh chân núi, dưới những dàn hoa giấy lớn đều tăm tắp.

Núi Chung nằm ở trung tâm xã Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An), cao chừng 50m, núi có 3 đỉnh hình chữ “Vương”. La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp từng viết: “Chung Sơn tam đỉnh hình vương tự/ Kế thế anh hùng vương tử tôn” (Núi Chung có ba đỉnh hình chữ Vương/ Con cháu đời đời nối nghiệp anh hùng).

Từ đây nhìn về bốn phía, làng mạc trù phú xanh tươi nằm gọn trong tầm mắt. Dưới chân núi là làng Kim Liên, nơi ôm ấp sinh thành dòng họ Nguyễn Sinh yêu nước và giàu nghĩa khí. Xa hơn chút là ngôi làng thân thương ngàn đời đã sản sinh dòng họ Hoàng, nơi có căn nhà lá đơn sơ giản dị mà Bác chúng ta đã cất tiếng khóc chào đời. Núi vẫn xanh thẫm như ngày ấy, cách đây 131 năm khi cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời, rồi lớn lên trong tình cha nghĩa mẹ, trong tình yêu thương của ông bà Hoàng Đường.

Căn nhà của ông bà Hoàng Đường - ông bà ngoại Bác Hồ, nơi Bác cất tiếng khóc chào đời... Ảnh Huy Tùng

Nơi nào sau giờ học, cậu đã lên núi cùng bạn bè chơi những trò chơi tuổi nhỏ? Gốc cây nào cậu đã tựa vào để nhìn về bốn phía quê hương mà lòng dấy lên tình yêu nước buổi đầu? Nơi nào ba cha con ông Nguyễn Sinh Sắc giã biệt quê hương lần thứ hai để vào Huế sau khi bà Hoàng Thị Loan mất, để từ đó Người xa quê biền biệt hơn 50 năm trời?

Núi cao cho chí lớn. Từ Chung Sơn, Người đã vượt qua bao đỉnh núi, bao biển cả, bao con sông để tìm đường giải phóng dân tộc khỏi nô lệ lầm than, gây dựng cơ đồ cho đất nước. Ngày trở về, mắt chấm lệ rơi, Người tâm sự: Quê hương nghĩa nặng tình sâu/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình!

Đền Chung Sơn - bức họa mới

Trên ngọn núi ghi dấu tuổi thơ của Bác là ngôi đền Chung Sơn đường bệ nằm nghiêm trang và tĩnh lặng đón bước chân của hàng vạn người con đất Việt đến viếng thăm. Có thể ví đền Chung Sơn là một bức họa mới trong “non xanh nước biếc" của Nam Đàn cùng với bức tranh quê nội, quê ngoại Bác Hồ.

Đền Chung Sơn nằm trên đỉnh núi Chung, là một phần của dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Kim Liên gắn với phát triển Khu du lịch lịch sử, sinh thái văn hóa Núi Chung được Ban Bí thư Trung ương chấp thuận tại Thông báo số 311-TB/ TW ngày 8/3/2012. Công trình tọa lạc phía nam núi Chung, được khởi công vào năm 2012, khánh thành ngày 16/5/2020 với tổng diện tích hơn 83 ha, bao gồm 18 hạng mục.

Đây là nơi khơi gợi những năm tháng ấu thơ, cội nguồn tâm hồn, trí tuệ, đạo đức, nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh. Đền Chung Sơn trở thành nơi thờ tự đầu tiên tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quê hương, đất nước.

Đền Chung Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu

Đền được thiết kế theo ba cấp. Từ ngoài đi vào, sau tam quan là lầu chuông, gác trống ở hai bên; lên cấp thứ hai là giếng lớn hình chữ nhật với hệ thống phun nước, nhà tả vu, hữu vu ở hai bên; Đền thờ chính nằm ở cấp thứ ba được thiết kế theo phong cách Việt với đầu đao cong vút hai bên.

Qua các lối cửa vào đền là một không gian Việt với hồ sen, chum nước, vừa dân dã gần gụi, vừa thanh tịnh, cao sang. Ban thờ Bác Hồ đặt ở phía trước, phía sau là ban thờ bên nội, bên ngoại Bác Hồ với tên tuổi từng người trong gia đình: Ông Nguyễn Sinh Sắc, bà Hoàng Thị Loan, bà Nguyễn Thị Thanh, ông Nguyễn Sinh Khiêm (Tất Đạt) Nguyễn Sinh Xin…

Thắp nén hương thơm, bái lạy anh linh gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi lặng người nhớ về hình ảnh những người thầy giáo mẫu mực, uyên thâm, những người đã ươm mầm trí tuệ, học vấn đầu đời cho Bác thuở ấu thơ: ông Hoàng Đường, Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Nhớ về hình ảnh người bà, người mẹ của Bác như bao bà mẹ Việt Nam những năm nhọc nhằn đã tần tảo sớm hôm cấy cày, dệt vải để nuôi con nuôi cháu khôn lớn.

Dòng sữa và lời ru của mẹ, của bà đã gieo mầm yêu thương và khát vọng lớn lao trong tâm hồn Bác để từ yêu thương và khát vọng, cùng với trí tuệ và quyết tâm giúp ích cho nước, cho đời đã đưa Người trở thành anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Ngoài Bác, bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm cũng là những nhà yêu nước và hoạt động cách mạng, không lập gia đình, có những đóng góp vào lịch sử nước nhà.

Đền Chung Sơn đã trở thành địa chỉ tâm linh thiêng liêng cho du khách gần xa.

Trong dòng người về đây dâng hương lên gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi gặp cụ Bùi Văn Quỳnh ở phường Bến Thủy, thành phố Vinh. Bước đi khó khăn ở tuổi 82, cụ được các con các cháu dìu qua bậc tam cấp. Cụ phấn khởi chia sẻ: “Được về đây vào dịp chuẩn bị kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, tôi rất vui. Thêm một lần nữa chúng tôi được bày tỏ tấm lòng tri ân với Bác và những người đã sản sinh, nuôi dưỡng, giáo dục người con yêu quý của Tổ quốc Việt Nam. Công trình rất đẹp, rất có ý nghĩa”.

Trước lúc ra về, tôi ngước nhìn lên núi Chung và tự hỏi: Trong những ngày tháng hướng về sinh nhật Bác Hồ, không biết anh linh của những ai trong đại gia đình Bác đang cùng Bác về lại quê hương yêu dấu ngàn đời, để nghe tiếng thoi đưa dệt vài, tiếng hát ví đêm trăng, giọng đò đưa sông Lam, để nghe tiếng Chung Sơn đang rì rào cùng ngọn gió và những cánh đồng vào mùa gặt ngát hương thơm?".

Quê hương, đất nước mãi tự hào vì có những dòng họ như thế, mãi tự hào vì đã sản sinh ra Người - anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Linh hồn Bác và những người thân yêu mãi hòa quyện cùng cỏ cây hoa lá Chung Sơn, mãi mãi hòa quyện cùng cỏ cây hoa lá và núi sông Việt Nam.

Bùi Minh Huệ

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/van-hoa-ha-tinh/buc-hoa-moi-tren-que-huong-bac-ho/212069.htm