Bức cô gái khỏa thân của Mai Trung Thứ giống tranh thế kỷ 19?

Bức tranh của danh họa Mai Trung Thứ có bố cục, nội dung giống với tác phẩm của họa sĩ Jean-Auguste-Dominique Ingres.

Mới đây, nhà đấu giá nghệ thuật Christie’s đưa ra danh sách các tác phẩm sẽ bán trong phiên “Thế kỷ 20 và Nghệ thuật đương đại”. Bức tranh Nu (Khỏa thân) của họa sĩ Mai Trung Thứ là một trong 122 lô sẽ đấu giá, đồng thời là tranh đại diện cho phiên đấu giá trên website của Christie’s.

Tác phẩm tranh lụa có kích thước 47x 70 cm, giữ nguyên khung ban đầu của họa sĩ. Trên góc trên bên trái của tranh có chữ ký “MAI THU”, triện son của họa sĩ và dòng chữ Hán “thất thập niên”, chỉ thời gian sáng tác vào những năm 1970.

Tranh Nu của họa sĩ Mai Trung Thứ.

Tranh Nu của họa sĩ Mai Trung Thứ.

Bức tranh được giới thiệu đến từ bộ sưu tập của ông Tuấn H Phạm (Mỹ). Đây là nhà sưu tập đưa ra nhiều tranh Việt quý trong vài phiên đấu giá nghệ thuật gần đây.

Tác phẩm của Mai Trung Thứ có bố cục, các chi tiết giống với bức La Grande Odalisque của họa sĩ Jean-Auguste-Dominique Ingres. Bức tranh sơn dầu này được vẽ năm 1814, miêu tả một Odalisque (từ chỉ cung phi, phi tần trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ). La Grande Odalisque đã gặp nhiều chỉ trích trong lần đầu ra mắt năm 1819. Tác phẩm hiện đặt trong bảo tàng Louvre, Pháp.

Một nhà kinh doanh nghệ thuật trong nước đưa lên trang Facebook cá nhân của mình hai bức tranh này. Dưới đó, nhiều người dùng mạng xã hội bình luận sôi nổi. Một số người cho rằng họa sĩ Việt đã “bắt chước” họa sĩ Pháp, thậm chí dùng từ nặng hơn là “nhái”, và tỏ ra “thất vọng” về tranh Việt. Có người đặt nghi vấn đó có thể không phải là tranh thật.

Tuy vậy, một số họa sĩ, nhà phê bình nghệ thuật lại cho rằng đó là “tranh xịn”, tranh lấy cảm hứng; ở giai đoạn hậu hiện đại, nhiều nghệ sĩ thích làm như vậy.

Trên catalogue về phiên đấu giá, đại diện nhà Christie’s viết bức tranh này là một “bản dịch” tác phẩm của họa sĩ Jean-Auguste Dominique Ingres. Bức tranh đề tên họa sĩ Mai Thứ có thể xem là một bản “Việt hóa” của La Grande Odalisque. Mai Trung Thứ đã tạo ra phiên bản phương Đông cho tác phẩm.

Theo Christie’s, cách làm của Mai Trung Thứ chính là một biểu hiện của quá trình tiếp biến văn hóa - một chủ đề văn hóa phổ biến những năm đầu thế kỷ 20.

Trong tranh, từ chiếc quạt, trang sức, khăn quấn đầu, cho đến các vật dụng đều được Việt hóa như: đệm, giường, lư hương, bàn trà, rèm… Tất cả đồ vật này đều là vật dụng của giới quý tộc Việt trước đây.

Tác phẩm của Ingres gây tranh cãi về giải phẫu khi họa sĩ đưa ra phần lưng cô gái thon dài quá mức; trong khi đó mọi bộ phận khác trên cơ thể, các đồ vật xung quanh đều vẽ đúng tỷ lệ. Cô gái trong tranh Mai Thứ có thêm chiếc khăn lụa vắt ngang eo.

Tranh La Grande Odalisque.

Sự khác biệt chính của hai tác phẩm chính là kỹ thuật, phương tiện thể hiện. Mai Trung Thứ chọn chất liệu bột màu trên lụa. Còn Ingres dùng sơn dầu trên vải.

Phiên đấu giá “Thế kỷ 20 và nghệ thuật đương đại” sẽ diễn ra sáng 24/11 tại Hong Kong. Trong số 122 lô bán đấu giá có rất nhiều tác phẩm các họa sĩ Việt Nam như Lê Phổ, Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tư Nghiêm…

Phiên đấu giá này có tác phẩm đến từ hai bộ sưu tập tranh Việt quan trọng của ông Ngô Mạnh Đức (con trai họa sĩ Lê Thị Lựu) và bộ sưu tập của ông Tuấn H Phạm.

Họa sĩ Mai Trung Thứ (1906-1980) là danh họa của mỹ thuật hiện đại Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20. Ông học khóa đầu trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau khi tốt nghiệp, ông dạy vẽ tại trường Quốc học Huế. Tài năng tranh lụa của ông nở rộ trong giai đoạn này. Những năm 1930, ông cùng một số họa sĩ khác trưng bày tranh ở nhiều nước như Italy, Bỉ, Mỹ, Pháp. Sau năm 1936, Mai Trung Thứ định cư ở Pháp, năm 1974 ông về Việt Nam.

Y Nguyên

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/buc-co-gai-khoa-than-cua-mai-trung-thu-giong-tranh-the-ky-19-post1009480.html