Bức ảnh ngày ấy và trận công kiên đầu tiên của Quân đội ta

Sau lễ ra quân huấn luyện, phát động thi đua của Trung đoàn 102 (Sư đoàn 308, Quân đoàn 1), chỉ huy các phân đội tổ chức cho bộ đội tham quan nhà truyền thống đơn vị. Thấy các chiến sĩ Đại đội 1 (Tiểu đoàn 7) đứng khá lâu bên bức ảnh:

Tiểu đoàn 54 (nay là Tiểu đoàn 9) nghiên cứu sa bàn đánh địch ở Phố Lu (Lào Cai) tháng 1-1950, Thiếu tá Nguyễn Thế Mạnh, Phó chủ nhiệm Chính trị trung đoàn hỏi chuyện mới hay là bộ đội muốn tìm hiểu kỹ về trận đánh công kiên cấp trung đoàn đầu tiên của Quân đội ta. Đáp lại nguyện vọng của các chiến sĩ, đồng chí Mạnh đã giới thiệu khái quát về trận đánh oai hùng ngày ấy.

 Tiểu đoàn 54 (nay là Tiểu đoàn 9) nghiên cứu sa bàn đánh địch ở Phố Lu (Lào Cai) tháng 1-1950. Ảnh chụp lại.

Tiểu đoàn 54 (nay là Tiểu đoàn 9) nghiên cứu sa bàn đánh địch ở Phố Lu (Lào Cai) tháng 1-1950. Ảnh chụp lại.

Vào cuối năm 1949, để đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở Chiến dịch Lê Hồng Phong 1 nhằm mở rộng khu căn cứ Tây Bắc chọc thủng phòng tuyến Lai Châu-Lào Cai-Cao Bằng-Móng Cái của địch. Ngay sau đó, Trung đoàn 102 được lệnh hành quân lên Tây Bắc để tiến công Phố Lu-một thị trấn nằm bên tả ngạn sông Thao, cạnh đường xe lửa, trấn giữ cửa ngõ phía nam thị xã Lào Cai. Tại đây, địch đã xây dựng Phố Lu thành vị trí phòng ngự kiên cố có khoảng 200 quân chiếm giữ (trong đó có Đại đội 8, thuộc Tiểu đoàn Thái thứ hai) do tên quan hai Cô-chi-ê chỉ huy. Chúng đã biến hơn 20 căn nhà hai tầng và một tầng trong phố thành những lô cốt, ụ súng hầm ngầm kiên cố.

Đánh vào Phố Lu là đánh một cứ điểm lớn của quân địch lúc bấy giờ. Trung đoàn ủy (nay là Đảng ủy Trung đoàn), xác định: "Đây là trận công kiên đầu tiên của đơn vị và quân đội và cũng là lần đầu tiên trung đoàn tác chiến tập trung nên cần phải sử dụng binh lực tập trung, có trọng điểm, không dàn đều; kết hợp chặt chẽ giữa diệt viện và công đồn”. Đúng 17 giờ ngày 6-1-1950 (ngày kỷ niệm thành lập trung đoàn), cuộc tiến công Phố Lu bắt đầu. Pháo binh của ta tập trung bắn vào từng điểm. Các loại hỏa lực được điều động bám sát bộ binh. Trung đoàn tổ chức hai mũi xung kích chính: Mũi thứ nhất đánh dọc theo đường xe lửa, mũi thứ hai đánh men theo bờ sông Hồng tạo thành thế chia cắt địch ngay từ đầu.

Trung đoàn tiến công, quân địch chống cự rất quyết liệt. Nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ trung đoàn đã xuất hiện. Điển hình là đồng chí Nguyễn Văn Nội, bị đạn địch bắn vào ngực, trước lúc hy sinh còn dùng hết sức lực lao mình xuyên ngọn mác giết chết một tên địch. Đồng chí Nguyễn Hữu Bắc vừa chỉ huy tiểu đội chiến đấu vừa dùng lựu đạn diệt ba hỏa điểm địch và dùng lưỡi mác đâm địch, tạo cơ hội cho đồng đội xung phong. Với tinh thần chiến đấu dũng mãnh của bộ đội ta, 19 giờ 30 phút ngày 18-1-1950, Trung đoàn 102 đã hoàn toàn làm chủ Phố Lu; tạo điều kiện để các đơn vị bạn đã tiến công giải phóng vùng mỏ Cam Đường, đánh chiếm các vị trí của quân Pháp ở Nghĩa Lộ, Bản Lầu... Với chiến thắng Phố Lu, Trung đoàn 102 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen ngợi: "Gương anh dũng của đơn vị chiến đấu ở Phố Lu xứng đáng với truyền thống của quân đội quốc gia".

QUANG THẮNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/buc-anh-ngay-ay-va-tran-cong-kien-dau-tien-cua-quan-doi-ta-532615