Bức ảnh mẹ con dân tộc H'Mông đoạt giải thưởng gần 3 tỷ đồng bị 'bóc mẽ'

Bức ảnh chụp chân dung bai mẹ con người dân tộc H'Mong ở Yên Bái của nhiếp ảnh gia người Malaysia Edwin Ong Wee Kee đang gây ra tranh cãi dữ dội khi một bức ảnh hậu trường xuất hiện, tiết lộ cảnh quay rõ ràng được dàn dựng.

Bức ảnh được chụp tại Việt Nam đã giúp nhiếp ảnh gia người Malaysia Edwin Ong Wee giành giải thưởng cao nhất tại HIPA 2019

Giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế uy tín Hamdan (HIPA) đã công bố người chiến thắng trong năm 2019 là nhiếp ảnh gia người Malaysia - Edwin Ong Wee Kee với bức ảnh chân dung hai mẹ con người dân tộc H’Mong ở Yên Bái. Bức ảnh này đã mang về cho ông giải thưởng lớn trị giá 120.000 USD (hơn 2,8 tỷ đồng).

Bức ảnh được chụp tại Việt Nam đã giúp nhiếp ảnh gia người Malaysia Edwin Ong Wee giành giải thưởng cao nhất tại HIPA 2019

Theo ban tổ chức của cuộc thi HIPA, bức ảnh của Edwin Ong Wee Kee đã xuất sắc ghi lại cảm xúc của một người mẹ bị mắc chứng rối loạn ngôn ngữ, nhưng vẫn thể hiện được tình yêu thương và sự mạnh mẽ trong gương mặt của mình. Đây cũng chính là lý do mà ban tổ chức của HIPA đã quyết định chọn hình ảnh này làm hình ảnh chiến thắng của cuộc thi vì chủ đề năm nay là "hope - hi vọng".

Nhiếp ảnh gia Edwin Ong Wee Kee cũng chia sẻ trên PDNPulse rằng, bức ảnh ông chụp được từ chuyến đi đến Việt Nam gần đây. Ảnh chụp bên đường và không có lên kế hoạch trước. Nó xuất hiện tại một điểm dừng ngẫu nhiên.

Tuy nhiên, một bức ảnh mới lộ diện, đã "bóc mẽ" sự thật, đó không phải là khoảng khắc ngẫu nhiên mà có thể là sự dàn dựng. Bức ảnh hậu trường này được chia sẻ bởi Ab Rashid, một nhiếp ảnh gia và nhà sáng lập tạp chí BD Stress.

Bức ảnh hậu trường này cho người xem thấy rõ vẫn là hai mẹ con người dân tộc H'Mông trong trang phục và vị trí chụp như bức ảnh chiến thắng của nhiếp ảnh gia người Malaysia. Thậm chí trong bức ảnh còn có sự xuất hiện của Edwin Ong Wee Kee (áo màu trắng). Vì vậy, việc ông này cho biết đó là khoảng khắc ngẫu nhiên là hoàn toàn không có cơ sở.

Bức ảnh hậu trường. (Nguồn: Daily Mail)

Theo Petapixel, HIPA thực ra là một giải thưởng nhiếp ảnh nói chung và không phải là một cuộc thi chụp ảnh, vì vậy không có bất kỳ quy tắc nào bị phá vỡ trong trường hợp này. Tức bức ảnh dù có dàn dựng đi chăng nữa vẫn hợp lệ, không vi phạm bất kỳ quy định nào.

Tuy nhiên trang này nói rằng, bức ảnh này hay những bức ảnh tương tự khác giành giải thưởng tiền mặt trị giá 120.000 USD dường như để lại sự chua xót trong lòng nhiều nhiếp ảnh gia.

Nhìn thoáng hơn, nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt thì cho rằng, bỏ qua việc tranh cãi ảnh dàn dựng, thì bức ảnh đoạt giải lần này của nhiếp ảnh gia người Malaysia chụp được thần thái, khoảnh khắc của các nhân vật trong ảnh này không phải do tác động mà có và xứng đáng để được vinh danh.

(theo Dân trí)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/buc-anh-me-con-dan-toc-hmong-doat-giai-thuong-gan-3-ty-dong-bi-boc-me-90019.html