Bức ảnh gây sửng sốt lọt vào camera ở khu DMZ liên Triều

Bị cắt đứt khỏi sự tiếp cận của con người, khu vực phi quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trở thành môi trường sống lý tưởng cho nhiều sinh vật hoang dã như gấu đen, sếu đầu đỏ.

Tháng 10/2018, một camera tự động thu được dấu hiệu chuyển động bên trong khu vực phi quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên (DMZ), đó không phải là chuyển động của binh lính. Những bức ảnh mới được công bố cho thấy dấu hiệu chuyển động xuất phát từ một con gấu đen châu Á, sinh vật thuộc danh sách bị đe dọa cần được bảo vệ.

Gấu đen quý tại khu DMZ

Năm 2014, Viện Sinh thái quốc gia Hàn Quốc đã lắp đặt 90 camera dọc khu DMZ, dài 250 km và rộng 4 km, nơi chủ yếu chỉ có cây cối và cỏ dại. Các thiết bị này sẽ tự động chụp lại khi phát hiện dấu hiệu nhiệt đáng kể cho thấy có sự di chuyển của động vật.

Một trong những lần các camera này được kích hoạt là vào tháng 10/2018, với kết quả là những bức ảnh về con gấu đen châu Á, mà sau đó đã nhanh chóng được nghiên cứu bởi Bộ Môi trường Hàn Quốc.

Yonhap dẫn thông tin từ nhà chức trách Hàn Quốc ước tính con gấu ở độ tuổi 8-9 tháng, nặng từ 25-35 kg. Các quan chức Hàn Quốc tin rằng con gấu được ghi hình là "một hậu duệ của những cá thể gấu đen định cư tại khu vực DMZ trong thời gian khá dài". Khu vực DMZ được nhận định hiện là nhà của ít nhất 3 cá thể gấu đen.

Hình ảnh con gấu đen châu Á tại khu vực DMZ tháng 10/2018. Ảnh: Yonhap.

Hình ảnh con gấu đen châu Á tại khu vực DMZ tháng 10/2018. Ảnh: Yonhap.

Các chuyên gia cho rằng phát hiện mới đây về loài gấu đen tại DMZ càng củng cố tầm quan trọng sinh thái của khu vực từ lâu đã thiếu vắng đi các hoạt động của con người, do những bãi mìn dày đặc, cùng căng thẳng thường trực giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên.

Tại Hàn Quốc, loài gấu đen châu Á gần như đã biến mất trước khi chính phủ khởi động chương trình phục hồi và bảo tồn năm 2004. Từ chỉ 5 cá thể vào năm 2001, hiện nay, có khoảng 61 cá thể đang sinh sống tại phía Nam vĩ tuyến 38.

Tuy nhiên, dữ liệu về các loài sinh vật hoang dã cần bảo tồn, hiện sống tại khu vực DMZ, rất khó để có thể thu thập.

"Giá trị sinh thái của khu vực DMZ đã được ghi nhận trong vài thập niên qua, khi các nhà khoa học Hàn Quốc và quốc tế nghiên cứu khu vực này", Lee Seung Ho, chủ tịch Diễn đàn DMZ về bảo vệ hệ sinh thái khu vực", cho biết.

Tuy nhiên, các nhà khoa học chủ yếu vẫn phải dựa vào phỏng đoán, dựa trên các nghiên cứu thu thập được tại khu vực kiểm soát dân sự bên ngoài DMZ, do khu vực này có khoảng 2 triệu quả mìn chưa được gỡ bỏ.

Không gian sinh thái quý giá cho tự nhiên

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Guardian của Anh, ông Lee miêu tả những bức ảnh mới chụp được về con gấu đen là "cực kỳ quan trọng" bởi đây là "bằng chứng cho giá trị sinh thái độc nhất của DMZ", vùng đã bị tách khỏi hoạt động của con người trong gần 66 năm kể từ sau hiệp định đình chiến 1953.

Việc thiếu vắng hoạt động và sự phát triển của con người tại khu vực DMZ đã tạo ra môi trường độc nhất cho các loài sinh vật hoang dã. Bộ Môi trường Hàn Quốc cho biết hiện có khoảng 5.097 loài sinh vật, trong đó có 106 loài được bảo vệ, đang sống tại khu vực DMZ.

Trong số các loài thuộc sách đỏ cần bảo vệ có sếu đầu đỏ Nhật Bản và cò thìa mặt đen. Ngoài ra, ông Lee cho biết DMZ cũng là nhà của mèo rừng, báo đốm, sơn dương đuôi dài Amur, và 18 loài cá đặc hữu của khu vực. Bên cạnh đó, một số báo cáo cho biết hổ cũng sinh sống tại khu vực này.

Xung đột quân sự nếu xảy ra sẽ phá hủy môi trường sống của các sinh vật tại khu DMZ. Ảnh: AFP.

Tổ chức Diễn đàn DMZ từ lâu kêu gọi UNESCO đưa khu vực phía Đông của vùng DMZ, đoạn giữa núi Kim Cương ở Triều Tiên và Seorak ở Hàn Quốc, vào danh sách Di sản Thế giới cần bảo tồn. Ông Lee cho rằng việc đưa khu vực này vào danh sách của UNESCO sẽ tạo thuận lợi cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái bền vững.

Tuy nhiên, việc vận động UNESCO còn đang dang dở thì tình hình trên bán đảo Triều Tiên lại căng thẳng trở lại khi Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành thử các loại vũ khí, trong đó có phóng hàng loạt đầu đạn mà Seoul xác định là tên lửa tầm ngắn.

Khi được hỏi về mối đe dọa đối với các sinh vật sống tại khu vực DMZ, ông Lee nhấn mạnh căng thẳng quân sự gia tăng hay hợp tác kinh tế giữa hai miền đều sẽ mang lại những thách thức riêng cho công tác bảo tồn.

Đe dọa chủ yếu hiện tại là một cuộc chiến tranh nữa sẽ xảy ra giữa hai miền Nam - Bắc. Chuyên gia này cho biết sức hủy diệt của bom đạn, cùng các loại nhiên liệu, hóa chất khác, sẽ xóa sổ môi trường sống tự nhiên của hàng nghìn loài sinh vật.

Tuy nhiên, trớ trêu là một đe dọa tiềm tàng khác cũng xuất hiện nếu hòa bình đạt được. Ông Lee lo ngại hai miền có thể sẵn sàng hy sinh thiên nhiên cho phát triển kinh tế, với việc kết nối các hệ thống đường sắt và đường bộ xuyên qua khu vực DMZ.

"Chúng ta cần lên kế hoạch hết sức thận trọng để không phá vỡ không gian sinh thái quý giá này", ông Lee cho biết.

Duy Anh
Theo: Guardian.

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/buc-anh-gay-sung-sot-lot-vao-camera-o-khu-dmz-lien-trieu-post945066.html