Bữa trưa của các shipper khắp Đông Nam Á

Vào lúc cao điểm của đại dịch, các shipper được coi là những người ở tuyến đầu, không chỉ mang đến bữa ăn mà còn là sự kết nối với thế giới bên ngoài.

Len lỏi qua các con phố nơi thành thị ở các nước Đông Nam Á, các shipper không quản ngại nắng, mưa và đại dịch Covid-19 để mang nguồn thực phẩm thiết yếu tới những người phải ở nhà vì lệnh giãn cách xã hội.

Đội quân xe máy, xe đạp đổ xuống đường mỗi ngày, tranh nhau thị trường giao hàng béo bở và ngày càng được đa dạng hóa.

Những người giao thức ăn ở các thành phố lớn của Đông Nam Á đã chia sẻ với Vice về bữa ăn trưa của họ, đồng thời nhìn lại công việc của mình trong một năm qua.

Philippines

Willy Lumapig (31 tuổi, Manila) cuối cùng cũng có thời gian ăn trưa sau khi giao 6 đơn hàng kể từ khi rời nhà lúc 8h. Anh dựng xe máy và ngồi nghỉ trưa gần quầy bán đồ ăn và thuốc lá cho tài xế.

 Bữa trưa bao gồm một miếng bánh bangus, cá chiên và hai chén cơm giá 50 peso (1,05 USD) của một tài xế giao hàng. Ảnh: Alec Ongcal.

Bữa trưa bao gồm một miếng bánh bangus, cá chiên và hai chén cơm giá 50 peso (1,05 USD) của một tài xế giao hàng. Ảnh: Alec Ongcal.

“Tôi không phải người kén ăn. Tôi ăn bất cứ thứ gì họ bán ở đây. Nếu muốn tự thưởng cho bản thân, tôi sẽ ăn gà rán của Jollibee hoặc McDonald’s”.

Manila là một trong những nơi có lệnh phong tỏa lâu nhất thế giới. Willy cho biết thời gian này, thu nhập của anh được cải thiện do nhu cầu từ khách hàng tăng cao, trong khi số lượng tài xế có hạn.

Anh rất vui nếu có thể mang về nhà 32 USD/ngày, tương đương gần 1.000 USD/tháng, mặc dù con số này sẽ không ổn định.

"Chúng tôi không giàu có gì cả nên không được phép kén chọn", Willy nói. Ảnh: Alec Ongcal.

Francis Bayani (28 tuổi) từng làm phụ bếp tại McDonald’s trước khi bắt đầu giao đồ ăn. Anh cho biết mức lương ở cửa hàng thức ăn nhanh chỉ đủ cho sinh viên đại học chứ không đủ cho một người đàn ông của gia đình.

Bữa trưa yêu thích của anh là tocino (thịt tẩm mật ong), được bán tại các điểm vui chơi, nơi người ta nghỉ ngơi và sạc lại điện thoại trong giờ thấp điểm. Hôm nay, món anh ăn là bò mami pares (một loại mì bò) có giá khoảng 0,5 USD.

Bữa trưa của Francis và những gì mà anh giao khác một trời một vực về giá cả.

“Đôi khi tôi tự hỏi món ăn mình giao có mùi vị như thế nào. Chúng tôi đến tất cả nhà hàng đắt tiền để lấy thức ăn, nhưng bản thân chưa bao giờ có cơ hội thử chúng".

Có một lần, đơn hàng bị hủy khi anh đang trên đường giao.

“Với sự cho phép từ trụ sở Grab, tôi đã ăn món đó và nó thực sự rất ngon", Francis cười nói.

Francis mua món mì bò trên một quán ven đường ở thành phố Quezon, Philippines. Ảnh: Alec Ongcal.

Thái Lan

Aui (36 tuổi) làm công việc giao thức ăn 13 tiếng/ngày trong hơn 5 năm qua mà không nghỉ một hôm nào.

Bữa trưa của anh thường là món gì đó nhanh chóng và tiện lợi, cơ bản là bất cứ hàng, quán nào anh tìm thấy trên đường trong lúc giao đồ.

“Tôi ăn trong thời gian đợi đơn hàng tiếp, vì vậy, tôi chỉ tìm gì đó nhanh chóng và dễ dàng để bỏ vào bụng”.

Ngồi trên vỉa hè, anh mở một chiếc hộp nhựa đựng 8 miếng xíu mại mua với giá 50 baht (1,66 USD).

Ông bố của 3 đứa trẻ này nói mỗi ngày anh phải kiếm về ít nhất 1.000 baht (33 USD) - tương đương 20-30 đơn hàng. Ảnh: Choltanutkun Tun-atiruj.

Vào lúc cao điểm của đại dịch ở Thái Lan, những shipper này được coi như lực lượng lao động thiết yếu.

“Thế nhưng khi lệnh đóng cửa được gỡ bỏ và khách hàng được phép dùng bữa tại chỗ, những người giao hàng như chúng tôi bị phân biệt đối xử như thể chúng tôi mang virus bên mình", Aui chia sẻ.

Anh cho biết thêm ở một số tòa nhà thậm chí sẽ có thang máy riêng cho tài xế giao hàng. Trung tâm mua sắm đôi khi sẽ không cho họ vào trừ khi cởi áo khoác đi làm ra.

Buổi trưa nhanh gọn trong lúc chờ đơn hàng mới của Aui. Ảnh: Choltanutkun Tun-atiruj.

Myanmar

Khine Zin Thant (30 tuổi) từng là nhân viên hành chính nhân sự trước khi bị cho thôi việc do đại dịch bùng phát ở Myanmar - một trong những quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe kém nhất thế giới.

Cô quyết định chọn giao hàng vì đây là công việc dễ tìm nhất.

Buổi trưa của Khine Zin Thant cùng các tài xế giao hàng khác. Ảnh: Aung Naing Soe.

Yangon là nơi khá khác thường ở một khu vực có nhiều xe máy như Đông Nam Á. Thành phố lớn nhất của Myanmar đã cấm loại phương tiện này từ nhiều năm trước. Vì vậy, các ứng dụng giao hàng đã chọn xe đạp để vận chuyển.

Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc người tiêu dùng phải chờ đợi lâu hơn và những người giao hàng vất vả hơn.

Khine Zin Thant nói rằng có những ngày rất mệt mỏi do phải đạp xe xa nhưng chỉ có thể kiếm được khoảng 7,5 USD trong một ca làm việc điển hình.

“Công việc cũ phù hợp với tôi hơn và còn có ngày nghỉ, bây giờ tôi phải đi giao hàng tất cả ngày trong tuần”, người phụ nữ 30 tuổi chia sẻ.

Còn Pyae Sone Kyaw (18 tuổi) mang bữa trưa đóng hộp do bà của mình nấu bao gồm món trứng rán và nước mắm ớt với cơm, gói gọn gàng trong hộp nhựa.

Anh cho biết mất khoảng một giờ để đạp xe từ nhà đến khu vực giao hàng ở trung tâm Yangon.

“Nếu tôi ăn ở nhà trước khi đi, tôi sẽ lại đói khi đến trung tâm thành phố. Đó là lý do tại sao tôi đóng gói bữa trưa của mình", Pyae nói. Ảnh: Aung Naing Soe.

Campuchia

Choulay (28 tuổi, Phnom Penh) mới bắt đầu công việc giao đồ ăn 4 tháng trước ở một công ty khởi nghiệp có tên Nham 24 - ứng dụng giao hàng tạp hóa, nông sản, hoa và thực phẩm.

Anh thu về 250-500 USD/tháng - mức lương khá, thậm chí so với ngành may mặc có số lượng việc làm lớn nhất Campuchia.

Bữa trưa có giá 1 USD của anh bao gồm cơm rang thịt lợn với trứng. Điều thú vị là anh thường mua bữa trưa của mình từ một dịch vụ giao hàng địa phương khác có tên là E-Gets - vốn bán đồ ăn đường phố giá rẻ.

Choulay lấy bữa trưa của mình từ một tài xế giao hàng của một công ty khác. Ảnh: Greg Mo.

Phúc Tâm (Theo Vice)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bua-trua-cua-cac-shipper-khap-dong-nam-a-post1168358.html