Bữa sáng mùa hè nhẹ nhàng với đĩa bánh cuốn chấm nước mắm

Bánh cuốn thêm chút hành phi vàng ruộm, ăn kèm với chả quế, rau sống, chấm nước mắm ớt chua ngọt… mang đến hương vị dân dã, mộc mạc, thơm ngon khó cưỡng, đặc biệt là trong dịp hè.

Những ngày hè nóng bức ăn một đĩa bánh cuốn chấm ngập trong nước mắm chua, ngọt cùng miếng đu đủ giòn tan là hợp lý nhất.

Mấy ngày nay thời tiết ngột ngạt, mới sáng ra đã oi bức, lúc thì mưa cứ xầm xì, u ám. Trong người cảm thấy khó chịu, tôi chẳng thiết ăn gì vì nghĩ đến món nào cũng thấy ngây ngất nên vác chiếc bụng khó chiều chạy lòng vòng, rồi dừng trước một quán bánh cuốn nhỏ, bên hông chung cư Đông Phát, TP Thanh Hóa. Một ngày thời tiết đỏng đảnh như thế này ăn một đĩa bánh cuốn chấm ngập trong nước mắm chua, ngọt cùng miếng đu đủ giòn tan là hợp lý nhất.

Quán bánh cuốn nằm ngay bên hông chung cư Đông Phát khá sạch sẽ, thoáng mát.

Quán vỉa hè nhưng khá sạch sẽ và thoáng mát. Đôi vợ chồng lớn tuổi người tráng bánh, người bưng bê gần gũi, thân thiện. Khách nhỏ tuổi đến quán, ông đều gọi bằng con, xưng bác rất tình cảm. Trong lúc người phụ nữ thoăn thoắt tráng bánh cho tôi, 3 - 4 vị khách khác đã tới chờ đợi. Nghe cách trò chuyện, tôi biết, họ là khách quen ở đây.

Bột bánh được trộn từ 3 loại gạo ngon, rồi mang đi vo sạch, ngâm 5 - 7 giờ trước khi đem đi xay thành bột nước, sau đó ủ qua đêm. Lúc bột lắng lại, chắt bỏ nước cũ, pha thêm nước sạch, một chút bột năng và muối ăn theo tỷ lệ nhất định sao cho bột không quá loãng cũng không quá đặc để bánh có độ dẻo, dai.

Ở đây, khách đến cứ lẳng lặng ngồi vào chỗ, không gọi đồ, không giục giã. Người vợ sẽ làm lần lượt từng đĩa, người chồng bê ra cho khách tới trước rồi nhẹ nhàng hỏi khách tới sau ăn gì, dùng bao nhiêu. Mọi thứ diễn ra chậm rãi, bình tĩnh.

Bà tráng tỉ mẩn từng chiếc bánh nhỏ. Cũng bởi vậy, thời gian tráng bánh rất lâu.

Có khách đợi, bà vẫn từ tốn từng công đoạn: khéo léo xoa lớp bột trắng để nó lan đi hết miệng nồi, đậy vung lại chừng hơn chục giây rồi mở ra, dùng chiếc đũa tre dài, lớn kéo lên. Miếng bánh trắng nõn nà, mỏng dính được nhấc lên khéo léo, đặt vào phần đít chiếc rổ tre. Thành thục gỡ bánh khỏi chiếc đũa tre, bà thêm thịt băm, mục nhĩ rồi cuộn bánh lại thành từng chiếc vừa ăn; rắc lớp hành khô tự phi lên trên. Từng miếng bánh được tráng mỏng, mềm mượt, cuộn thịt băm, rắc thêm hành phi vàng ươm, giòn tan.

Bà thành thục gỡ bánh khỏi chiếc đũa tre, bà thêm thịt băm, mục nhĩ rồi cuộn bánh lại thành từng chiếc vừa ăn; rắc lớp hành khô tự phi lên trên.

Bà không tráng những chiếc bánh to rồi cắt thành miếng vừa ăn như nhiều nơi. Bà tráng tỉ mẩn từng chiếc bánh nhỏ. Cũng bởi vậy, thời gian tráng bánh rất lâu. Ở đây, bà còn làm cả bánh cuốn trứng, ăn khá lạ miệng. Nước chấm được đặt sẵn ở các bàn, khách ăn bao nhiêu, muốn thêm bao nhiêu ớt, vắt bao nhiêu quất, cho tiêu hay không đều tùy ý pha chế. Nước chấm vừa ăn, thơm thơm dễ chịu.

Nước chấm được đặt sẵn ở các bàn, khách ăn bao nhiêu, muốn thêm bao nhiêu ớt, vắt bao nhiêu quất, cho tiêu hay không đều tùy ý pha chế.

Theo thói quen, tôi gọi thêm miếng chả thịt nướng dằm vào bát nước mắm cho ngậy và miếng chả quế. Chấm miếng bánh vào bát nước chấm rồi đưa vào miệng, sự hòa quyện của lớp bánh tráng mỏng dai, nhân thịt băm, mộc nhĩ đậm đà và nước chấm chua ngọt lạ miệng khiến thực khách hài lòng đến lạ.

Bà khéo léo xoa lớp bột trắng để nó lan đi hết miệng nồi, đậy vung lại chừng hơn chục giây rồi mở ra, dùng chiếc đũa tre dài, lớn kéo lên.

Theo chia sẻ của người phụ nữ, bột bánh được trộn từ 3 loại gạo ngon, rồi mang đi vo sạch, ngâm 5 - 7 giờ trước khi đem đi xay thành bột nước, sau đó ủ qua đêm. Lúc bột lắng lại, chắt bỏ nước cũ, pha thêm nước sạch, một chút bột năng và muối ăn theo tỷ lệ nhất định sao cho bột không quá loãng cũng không quá đặc để bánh có độ dẻo, dai. Phần nhân bánh gồm có thịt băm, mộc nhĩ, hành củ băm nhỏ được xào thơm phức, nêm nếm vừa ăn. Hành khô thái nhỏ đều tay, phi hành ngập dầu đến khi vàng ruộm, giòn tan. Khi có khách tới ăn, bà mới bắc bếp lên làm nên khi bánh ra bàn, bánh vẫn nóng hổi..

Chấm miếng bánh vào bát nước chấm rồi đưa vào miệng, sự hòa quyện của lớp bánh tráng mỏng dai, nhân thịt băm, mộc nhĩ đậm đà và nước chấm chua ngọt lạ miệng khiến thực khách hài lòng đến lạ.

Ở đây, bà không tính tiền theo suất. Bởi, có người thích ăn nhiều bánh, có người ăn thêm chả, thêm trứng, có người lại gọi cả đĩa hành phi… Bà chủ dựa vào đó mà tính tiền cho hợp lý. Chủ yếu bán khách quen nên không bán đắt bao giờ.

Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/mon-ngon/bua-sang-mua-he-nhe-nhang-voi-dia-banh-cuon-cham-nuoc-mam/23885.htm