Bứa Ngọc Vừng

Không chỉ ăn trực tiếp, có vị ngọt và thơm dễ chịu như măng cụt, bứa mọc tự nhiên trên rừng ở đảo Ngọc Vừng (Vân Đồn) còn là loại gia vị chế biến các món canh chua, lẩu ngon khó quên.

Bứa tươi chín và bứa khô Ngọc Vừng.

Bứa tươi chín và bứa khô Ngọc Vừng.

Bứa (tên khoa học là Garcinia obiongifolia Champ) là loài cây thân gỗ lớn, chiều cao trung bình từ 6-7m, có nhiều cây lâu năm cao 10-15m, tán xòe rộng, thường mọc hoang ở trên rừng đồi núi, phân bố nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Lá bứa hình thuôn dài, đuôi lá nhọn, mép nguyên và nhẵn bóng có nhiều điểm mờ, ăn có vị chua nhôn nhốt.

Quả bứa là loại quả cùng họ với măng cụt, tuy nhiên quả bứa nhỏ hơn, vỏ dày, có khía múi, thoạt nhìn qua giống quả ổi găng. Điểm khác biệt so với măng cụt là quả bứa nhỏ hơn có mùi hương dễ chịu, có vị chua, vỏ màu xanh, khi chín vỏ chuyển màu vàng bắt mắt. Mọi người vẫn thường sử dụng quả bứa làm gia vị cho các món canh chua hoặc món cá kho.

Ở Quảng Ninh, loại cây chủ yếu mọc trên rừng đặc biệt có nhiều ở các tuyến đảo của huyện Vân Đồn như ở Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng... Riêng ở Ngọc Vừng, bứa có rất nhiều tại Cảng Đào, Bà Vi hoặc ở các đảo đá ngoài biển như: Đồng Miếu, Đất Nứt, Phượng Hoàng... Vào mùa, người dân ở đây đi bộ lên rừng hoặc dùng thuyền đi sang những đảo nhỏ để “săn” bứa.

Người dân Ngọc Vừng bổ bứa mang phơi.

Theo cư dân đảo Ngọc Vừng thì bứa chỉ cho quả một lần trong năm, thường chín rộ vào tháng 7 - 8 dương lịch. Cứ đến độ này dân đảo đi hái bứa dọc các cánh rừng trên đảo. Bứa cũng có hai loại chính, đó là những quả bứa chín rất to, mọng, vỏ vàng ngon mắt, có thể tách vỏ dễ dàng, ruột ngọt như quả măng cụt gọi là bứa tháp. Loại khác quả nhỏ hơn, khá chua gọi là bứa găng dùng để nấu canh chua, hoặc ngâm rượu.

Bứa ngon nhất là chế biến khi quả đã già, chín tỏa mùi thơm nức kích thích. Bứa có vị chua thanh nhẹ, không đậm nhưng càng đun kỹ lại càng chua. Đặc biệt có lẽ được hưởng khí hậu, nắng gió biển đảo mà bứa đảo rất hợp để nấu các loại canh chua hải sản. Mỗi nồi canh cá chua chỉ cần 1 hoặc đôi quả bứa thì sức hấp dẫn sẽ tăng gấp bội. Ngoài bứa tươi, người dân còn chế biến theo những cách thức đơn giản nhằm mục đích bảo quản bứa để có loài quả đặc sắc này dùng quanh năm.

"Sau khi được thu hái ở rừng về người dân tách vỏ, bỏ ruột, thái làm đôi làm ba theo chiều ngang rồi đem phơi dưới nắng hè tháng 7 chừng 1 - 2 nắng đến khi khô, bứa chuyển màu nâu đen là có thể cất đi để dùng cả năm. Bứa khô có màu nâu đen, trông không bắt mắt, nhưng lại có vị chua thanh tuyệt ngon, rất phù hợp nấu chua hoặc nấu lẩu các loại hải sản.

Mỗi nồi canh hoặc lẩu cá chỉ cần vài lát bứa khô là đủ chua, càng đun kỹ càng ngon vị chua thanh, không gắt khiến cho thực khách càng thưởng thức càng nhớ. Đi rừng hái bứa trở thành nghề cho thu nhập khá ở Ngọc Vừng" - ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Bình Minh, xã Ngọc Vừng chia sẻ.

Bứa phơi vàng ruộm trên các phên ở Ngọc Vừng.

Ngày nay, người dân Ngọc Vừng còn chia sẻ cách bảo quản bứa tươi bằng cách rửa sạch rồi cất vào ngăn đá, đến khi cần sử dụng chỉ cần giã đông. Rượu bứa cũng là thứ đồ uống khá có tiếng trên xã đảo này.
Đây là loại quả chứa nhiều vitamin C, tốt cho sức khỏe. Từ xưa, bứa đã được coi là một cây thuốc quý trong điều trị các bệnh mẩn ngứa, dị ứng, viêm loét dạ dày, tá tràng, tiêu hóa kém...

Đến Ngọc Vừng tháng 7- 8, du khách sẽ bắt gặp cảnh người dân đi rừng đưa về hàng túi bứa to, các chị các mẹ ngồi tách vỏ bứa, phơi đầy trên phên ven đường, đừng quên chọn cho mình vài quá bứa chín vàng thưởng thức hoặc vài kí khô bứa tươi hoặc khô để chế biến các món canh hải sản tuyệt ngon.

Tạ Quân

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/du-lich/202009/bua-ngoc-vung-2501048/