'Bùa hộ mệnh hết linh', S-400 Thổ Nhĩ Kỳ 'tàn đời' vì ông Biden?

Một khi Joe Biden lên nắm quyền, dường như số phận của Ankara và S-400 sẽ được định đoạt.

Tranh cãi S-400 giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sắp kết thúc bằng lệnh trừng phạt.

Tranh cãi S-400 giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sắp kết thúc bằng lệnh trừng phạt.

Chỉ còn là thời gian

Chỉ vài tuần trước chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tổ chức cuộc gặp mặt trong đảng để đưa ra thông điệp thách thức đến Washington.

“Bạn không biết mình đang đối phó với ai”, ông Erdogan nói với đồng minh NATO. “Hãy cứ áp đặt các biện pháp trừng phạt của bạn, bất kể chúng có là gì”, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói thêm, đề cập đến những lời đe dọa của Mỹ đối với thương vụ S-400 gây tranh cãi.

Tuyên bố trên dường như cũng nhắm vào ông Biden. Như một quan chức cấp cao giấu tên của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói với Al Jazeera: “Người dân ở đây không bị choáng ngợp với viễn cảnh về nhiệm kỳ tổng thống Biden”.

Trong khi Tổng thống Donald Trump tỏ ra lạnh nhạt với một số đồng minh trên thế giới, quan hệ của ông với Thổ Nhĩ Kỳ nhìn chung vẫn tốt đẹp. Như chính ông từng nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào mùa hè vừa qua: "Tôi rất hợp với ông Erdogan". Ông Trump được ví là "bùa hộ mệnh" của Thổ Nhĩ Kỳ.

Mối quan hệ Erdogan-Trump vẫn chưa trật bánh bất chấp việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa S-400 do Nga sản xuất vào năm ngoái. Theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), cơ quan hành pháp nước này được yêu cầu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia mua thiết bị quốc phòng từ Nga.

Tuy nhiên, ông Trump đã nhiều lần từ chối làm như vậy, bất chấp nhiều lời kêu gọi từ Quốc hội và lời đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ từ các quan chức bộ Ngoại giao. Vào tháng 10, ông Erdogan xác nhận Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành thử nghiệm S-400.

Trong khi Trump không thừa nhận thất bại và tuyên bố thách thức kết quả bầu cử ở tòa án, hầu hết các chuyên gia dự đoán chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi ông Biden nắm quyền.

Hạ hồi phân giải

Nicholas Danforth, thành viên cấp cao Quỹ Marshall của Đức đánh giá, ông Trump “là đồng minh cuối cùng của Thổ Nhĩ Kỳ còn lại ở Washington”.

Và đối với chính quyền mới của Mỹ, “cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một cách rất rõ ràng để ông Biden đoạn tuyệt với sự thiện cảm vốn bị chỉ trích của ông Trump đối với ông Erdogan”.

Tổng thống Erdogan.

“Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đã thử nghiệm S-400 một lần nữa. Về cơ bản, ông Biden bị ràng buộc phải tiếp tục các lệnh trừng phạt của CAATSA. Câu hỏi ở đây là ông ấy chọn cách triển khai chúng một cách tích cực như thế nào và các thị trường tài chính phản ứng ra sao”, Danforth tiếp tục.

Giới phân tích cũng nhất trí rằng cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chương trình phát triển tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ đã kết thúc. Sinan Ulgen, cựu quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và là chủ tịch viên nghiên cứu EDAM có trụ sở tại Istanbul coi đây là trường hợp không thể cứu vãn. Mặc dù quốc gia này vẫn sản xuất một số bộ phận cho F35 nhưng quá trình sẽ kết thúc khi hết hợp đồng.

Mặc dù Ankara sẽ cố gắng "tìm kiếm đối thoại với Biden", mối quan hệ này vẫn chưa có một khởi đầu tốt. Vào tháng 8, một video từ năm ngoái của ông Biden nói về việc hỗ trợ “lãnh đạo phe đối lập” ở Thổ Nhĩ Kỳ “để có thể đối đầu và đánh bại ông Erdogan” đã thu hút phản ứng dữ dội từ Ankara.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn chưa quên việc chính quyền Barrack Obama – thời ông Biden là phó tổng thống – đã hỗ trợ cho người Kurd ở Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc có liên hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK).

“Dưới thời Obama, Biden là phó tổng thống”, quan chức cấp cao giấu tên của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục, “họ đã làm rất nhiều điều mà Thổ Nhĩ Kỳ không thích”.

Tuy nhiên, chuyên gia Ulgen lập luận rằng Ankara vẫn có nhiều cơ hội hợp tác hơn với ông Biden vì chính quyền mới có nhiều khả năng “cam kết củng cố NATO”.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể cần sự giúp đỡ của đồng minh ở những quốc gia mà nước này đã rơi vào vũng lầy chính trị. Chẳng hạn như ở Libya, nơi Thổ Nhĩ Kỳ đang thấy mình ở phía đối lập với Nga, nước này hy vọng sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ của Mỹ hơn.

Và bất chấp những khó khăn hiện tại trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ và sự quyết đoán ngày càng tăng của Ankara, chuyên gia Ulgen cho biết “nhu cầu tiếp tục có quan hệ đối tác chiến lược của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ” vẫn còn.

Theo quan điểm của chuyên gia Danforth, ông Biden sẽ phải đối mặt với những thách thức giống như khi ông là phó tổng thống dưới thời Obama: "Muốn cứng rắn hơn nhưng không gây ra nguy cơ rạn nứt vĩnh viễn trong mối quan hệ".

Trương Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bua-ho-menh-het-linh-s-400-tho-nhi-ky-tan-doi-vi-ong-biden-a496032.html