Bữa cơm gia đình - suối nguồn yêu thương

Bữa cơm là hoạt động không thể thiếu trong mỗi gia đình, là không gian ấm áp, lan tỏa, kết nối tình yêu thương, là nơi mỗi người tìm về để được sống giữa tình thân biết bao thiêng liêng và trân quý...

Trong cuộc đời mỗi con người, ai ai cũng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình chan chứa yêu thương. Ở nơi ấy, sự che chở, nuôi dưỡng của cha mẹ, sự đùm bọc của tình thân đã chắp cánh cho mỗi người lớn lên và vững bước trên những nẻo đường của cuộc đời. Gia đình, điểm tựa thiêng liêng trong cuộc đời mỗi người, nơi mà tuổi thơ ta lớn lên, được sống trong sự sum vầy ấm áp của những người thân yêu, ruột thịt. Trong không gian ấy, mỗi bữa cơm chúng ta ăn hằng ngày không chỉ là chuyện ăn uống mà còn để lại dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tâm hồn mỗi người. Dù hoàn cảnh gia đình giàu hay nghèo, ở nông thôn hay thành thị, dù thiếu thốn những giá trị vật chất nhưng mỗi bữa cơm trong mỗi ngôi nhà là lúc mà tất cả các thành viên trong gia đình được quây quần bên nhau, vừa ăn cơm, vừa trò chuyện vui vẻ sau những giờ làm việc vất vả.

Ảnh minh họa: giadinhvietnam.com.

Mỗi khi bếp lửa bập bùng, làn khói lan tỏa trên mái bếp cũng là lúc những bà mẹ quê bình dị tảo tần lại bắt đầu công việc thường ngày là nấu cho cả nhà một bữa cơm. Tình yêu thương của mẹ dành cho những người thân trong gia đình được mẹ truyền vào nồi cơm dẻo thơm, vào những món ăn đậm đà dư vị. Những ngày hè oi ả, mâm cơm quê với canh rau muống, canh mùng tơi nấu cua đồng, quả cà pháo muối sổi, bát tương quê sóng sánh, đĩa cá rô đồng kho quả chay, quả dọc đậm đà dư vị thôn quê. Những chiều đông giá rét, bát canh cá nóng hổi mẹ nấu với dọc mùng, chuối xanh và rau thơm trong vườn nhà mà ai cũng phải xuýt xoa.... Chỉ vậy thôi, bữa cơm đạm bạc mà ấm áp nghĩa tình. Bởi lẽ, trong không gian ấy, cả gia đình được ngồi bên nhau, hỏi thăm, trò chuyện, chia sẻ với nhau những câu chuyện, những tâm tư tình cảm mà chỉ những người thân trong gia đình mới có được. Mỗi bữa cơm là sự kết nối, nhân lên tình cảm gia đình, là lúc mà cha mẹ dành trọn cho những đứa con tình yêu thương, sự chăm sóc và cả những lời răn dạy về cách nói, cách ăn và những điều ứng xử trong bữa ăn. Từ đó mà mỗi con người khi lớn lên, cứ đinh ninh lời dặn dò của cha mẹ mỗi khi cầm bát cơm lên ăn.

Chẳng thế mà, những đứa con xa nhà, tuần nào, tháng nào cũng vội vã trở về ngôi nhà bình yên dưới những lũy tre làng để ăn với cha mẹ một bữa cơm quê rồi lại vội vã đi. Có những người ra ở riêng nhưng cứ chiều thứ bảy, cả gia đình lại rủ nhau về ngôi nhà xưa để ăn cơm mẹ nấu. Cơm mẹ nấu đâu có sang trọng, cầu kỳ, chỉ là những món ăn dân dã từ bao đời nay mẹ vẫn chế biến cho cả nhà từ ngày chúng ta còn thơ bé. Một bát tép riu rang khế, một vài miếng cá thính nướng thơm nức, bát mắm tép chưng, bát canh chua, bát canh rau sắn nấu cá, mấy con bống kho nhạt...chỉ chừng ấy thôi mà sao nó đã trở thành dư vị không thể thiếu trong mỗi người, dù có đi đến chân trời góc bể cũng không sao quên được, chỉ mong sao được về thật nhanh, ngồi bên bếp lửa bập bùng, bên dáng mẹ hao gầy đang gửi trọn tình yêu thương, sự thơm thảo trong mỗi món ăn. Bữa cơm bên gia đình đã làm cho mỗi người như quên đi bao mệt nhọc, bao ưu phiền giữa bộn bề công việc, là lúc con người được trở về với chính mình, tìm được điểm tựa vững chắc nhất trong cuộc đời. Và nơi ấy, bữa cơm quê luôn sống mãi trong kí ức mỗi người như một phần tươi đẹp và như một lời nhắc canh cánh bên lòng mỗi người, rằng, dù có đi khắp bốn phương trời, hãy luôn nhớ về quê hương, về gia đình và những người mà mình thân yêu nhất.

Giữa dòng đời đang trôi đi hối hả, đôi khi nó cuốn theo những giá trị quý giá của cuộc sống. Đặc biệt, giữa thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay thì dường như bữa cơm gia đình đối với nhiều gia đình, nhiều người đang bị ảnh hưởng rõ rệt. Do nhiều yếu tố từ công việc chi phối cho nên nhiều gia đình khó có thể tổ chức bữa cơm trong một ngày mà có đủ tất cả các thành viên trong gia đình. Buổi trưa, trẻ thì học và ở bán trú tại trường, người lớn thì thời gian nghỉ rất ngắn, đành dùng tạm bữa bằng cơm hộp hay căng tin cho nhanh để tiếp tục công việc. Đôi khi yếu tố gia đình đã ít nhiều chi phối đến bữa cơm thường ngày. Đặc biệt là những gia đình có cha mẹ đi làm ăn xa, hoặc vì điều kiện mà không có điều kiện gặp gỡ, quay quần...

Tôi rất trăn trở khi nghe các em học sinh có cha mẹ đi làm xa chia sẻ những điều về hoàn cảnh gia đình, trong đó, các em không quên nói về bữa cơm gia đình rằng do hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ em phải đi làm nơi xa, cả năm mới về nhà một lần. Vì thế, bữa cơm sum vầy gia đình đối với các em là rất hiếm hoi. Buổi sáng trước khi đi học, em chỉ kịp cắm nồi cơm để trưa về có cơm ăn và chỉ ăn một mình với món ăn đơn giản. Có em học sinh vì bận công việc nên cha mẹ đã đặt cơm trưa tại quán cơm gần nhà, đến giờ cứ ra đó ăn, đến tối mới ăn cơm ở nhà... Bởi vậy, theo thời gian, tính chất của bữa cơm gia đình ở đâu đó dường như đã không còn được như trước. Mỗi thành viên trong gia đình bị cuốn hút bởi công việc mà dường như không nhớ đến giờ ăn cơm của cả nhà. Những mâm cơm úp lồng bàn nguội lạnh có khi chờ đến quá trưa, đến tận khuya. Sự chia sẻ, tâm tình, trò chuyện của các thành viên trong mỗi gia đình liệu có ít đi khi mà bữa cơm gia đình không đầy đủ mọi người?.

Dẫu biết rằng, giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống, con người phải chạy đua với thời gian, với công việc nhưng mỗi gia đình, mỗi người cần biết sắp xếp công việc một cách khoa học, hợp lý để có thời gian dành riêng cho gia đình, có thời gian để quây quần bên mâm cơm gia đình sau mỗi buổi làm việc. Trong bữa ăn, cần trò chuyện, chia sẻ để tạo một không khí gia đình vui vẻ, hòa thuận, ấm áp. Tránh việc sử dụng không gian bữa cơm gia đình để trách mắng con cái, để phân trần những điều không hay, để bàn bạc những công việc trong gia đình vì những điều đó vô tình sẽ làm cho không khí bữa cơm chùng xuống, mất đi sự vui vẻ giữa các thành viên. Trong bữa ăn cần hài hòa giữa tâm lý người cao tuổi và trẻ nhỏ để tránh những điều không mong muốn xảy ra.

Bữa cơm gia đình, không gian sinh thành nên suối nguồn yêu thương, nơi kết nối tình cảm gia đình, là kí ức không phai nhạt trong tâm hồn mỗi con người. Mỗi gia đình, mỗi người hãy luôn biết chăm lo cho cuộc sống gia đình, cho mỗi bữa cơm hằng ngày để thổi bùng lên ngọn lửa yêu thương, hạnh phúc trong mỗi gia đình./.

Nguyễn Thế Lượng

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/bua-com-gia-dinh-suoi-nguon-yeu-thuong-557958.html