'Bữa cơm có thịt' lên vùng cao, biên giới

Trong ngày nghỉ cuối tuần, vị Tổng giám đốc lập kế hoạch chuyến đi dã ngoại lên vùng cao cho riêng mình và vài người bạn. Nhưng rồi, với những gì được chứng kiến về cuộc sống bộn bề khó khăn của những học sinh nơi đây, kế hoạch 'vui thú sơn hà' được tạm dừng. Một chương trình xã hội - từ thiện đầy ý nghĩa với một khởi đầu rất sơ lược và khiêm tốn mang tên 'Bữa cơm có thịt' cho trẻ em đã ra đời…

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến bàn giao kinh phí cho đại diện Trường Tiểu học Suối Giàng để mua dụng cụ nấu ăn cho học sinh.
Vạn sự khởi đầu nan

Cuối tháng 9-2011, trên blog của mình, ông Trần Đăng Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) chia sẻ về chuyến đi của ông và một số người bạn lên xã vùng cao Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái để “ngắm mấy cây chè cổ thụ”. Trên đường đi, ghé thăm Trường Tiểu học dân nuôi Suối Giàng, cả đoàn được chứng kiến cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn của 80 học sinh tiểu học và 45 học sinh trung học cơ sở trong khu nội trú dân nuôi, đặc biệt là chuyện ăn uống. Nguồn thực phẩm của các em chỉ gồm 2 ki -lô-gam gạo và 5.000 đồng mỗi tuần do cha mẹ đóng góp.

Ông Tuấn mô tả về sự “quá đạm bạc” này trên blog: “Một nồi cơm (hy vọng là đủ) và một nồi canh rau cải (gồm xô nước vừa được xách lên, mấy bó rau, ít muối, mắm, dầu mỡ cho vào nữa - nhưng quả thật bọn mình không thấy chúng được cất chỗ nào, chắc không có trong bếp vì sợ chó mèo hay ăn trộm chăng?...”. Và ông “ra quyết định” ngay tại “hiện trường”: “Thôi, không nghĩ chuyện xa xôi, mình quyết định là về nhà để bàn về chương trình “Bữa cơm có thịt” cho 125 nhóc Suối Giàng này”…

Theo tính toán chi li của ông Tuấn thì mỗi ngày, mỗi học sinh trung học cơ sở ở Suối Giàng chỉ được 2.000 đồng, một học sinh tiểu học được 1.000 đồng để mua thực phẩm. Để các em được ăn một bữa có thịt kho lẫn đậu phụ, sẽ cần 3kg thịt, kèm đậu phụ với kinh phí 300.000 đồng/ngày, tức 9 triệu đồng/tháng. Mỗi năm sẽ cần 108 triệu đồng. Nếu cả hai bữa có thịt trong ngày thì cần gấp đôi: 18 triệu/tháng, hay 216 triệu/năm. Nếu bước đầu, việc giúp các em mỗi ngày có được một bữa cơm có thịt thành công thì chuyển càng nhanh càng tốt sang hai bữa có thịt/ngày, trong thời gian sớm nhất.

Với những dự tính ban đầu như vậy, về đến Hà Nội, qua “kênh” blog riêng của mình, ông Tuấn kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè và mọi người xung quanh để các học sinh dân tộc vùng cao có thêm nhiều bữa cơm có thịt. Ngay lập tức, đề xuất đầy ý nghĩa của ông Tuấn đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người. Thế là ông tự đứng ra nhận trách nhiệm là đầu mối nhận tiền, hàng ủng hộ và chuyển tới các em học sinh ở Suối Giàng: “Các bạn hãy đăng ký ủng hộ chương trình “Bữa cơm có thịt” bằng cách gửi thông tin cho tôi qua tin nhắn nhanh của blog hoặc qua comment ngay trên blog này… Tôi sẽ đề nghị ngân hàng nhắn tin cập nhật khi mỗi khoản tiền được gửi đến. Tôi chịu trách nhiệm cá nhân về việc tất cả tiền các bạn tự nguyện gửi tới để mua thịt cá cho các em học sinh sẽ được chuyển đến cho các thầy cô và những người chăm sóc các em trọn vẹn đến từng đồng…”.

Hưởng ứng lời kêu gọi đầy tính nhân văn trên, bạn đọc blog và những người biết thông tin về chương trình “Bữa cơm có thịt” đã nhiệt tình ủng hộ tùy theo khả năng của mình. Số tiền hơn 200 triệu đồng mọi người đã chuyển qua tài khoản của ông Tuấn trong một thời gian ngắn đủ để các em học sinh nội trú ở Suối Giàng ăn cơm có thịt trong hai năm (nếu một bữa có thịt) hoặc một năm (nếu hai bữa có thịt).

Lan tỏa hơi ấm tình người…

Đọc blog của ông Trần Đăng Tuấn, thông qua nội dung góp ý (comment), một độc giả “mách”: “Tôi từng sinh sống ở huyện Văn Chấn, Yên Bái và hay lên Suối Giàng, thấy Suối Giàng vẫn chưa phải là nơi khó khăn nhất của trẻ em vùng cao… Nếu đoàn đã có dịp lên tới đó, đã có tấm lòng lên với trẻ em vùng cao thì các bạn hãy cố gắng tới bản người Mông ở Làng Lao, Tăng Khờ, Khe Chất thuộc xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn”. Chỉ vài dòng thông tin chia sẻ của một người không biết mặt trên, ông Tuấn và nhóm bạn bè thực hiện chương trình “Bữa cơm có thịt” nhận ra rằng, trên vùng miền núi, biên giới, vẫn còn nhiều lắm những bữa cơm thiếu thịt như Suối Giàng. Thế là cả nhóm cùng ôm ấp dự định mở rộng hơn nữa những “Bữa cơm có thịt” cho học sinh.

Trên trang blog của mình, ông Tuấn trăn trở: “Không chỉ có một Suối Giàng mà còn rất nhiều, rất nhiều những trường học miền núi, vùng sâu, vùng xa khác, nơi mà bữa ăn của các em không bao giờ có thịt, chỉ ăn cơm trộn ngô…”. Ông tiếp tục kêu gọi mọi người cùng cung cấp những địa chỉ cần giúp đỡ và thật mừng, những cánh thư từ rất nhiều vùng gian khó gửi về. Nếu đọc bức thư của chị Bùi Thị Thùy Dương, chuyên viên Phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục - Đào tạo Lào Cai, hẳn nhiều người phải chạnh lòng vì những khó khăn mà các em học sinh vùng cao biên giới đang hàng ngày phải đối mặt: “Trên Lào Cai có nhiều trường vùng cao cũng nghèo khổ như vậy chú ạ. Nhất là bậc học mầm non, cũng tổ chức ăn bán trú tại trường nhưng các cháu mang cơm nắm, có cháu gia đình khá thì thêm vài con cá khô, còn lại thì vài cọng rau, hoặc muối trắng… mong chú quan tâm tới Lào Cai chú nhé”. Không chỉ vậy, bạn đọc khắp nơi, cả trong và ngoài nước cũng gửi những lời chia sẻ cảm động cùng với món tiền ủng hộ “tùy theo sức của mình”.

Một phụ nữ cao tuổi người gốc Huế, hiện đang sống ở Ca-na-đa viết: “…Lòng bác muốn về đi theo các con một chuyến để nhìn các em bé tuy thật xa nhưng rất gần với những gì thơ ấu của mình. Bác ở nước ngoài đã lâu và chưa lần nào về Việt Nam… Tệ rứa!”. Và ngay sau đó, người phụ nữ ấy đã chuyển về tài khoản của ông Tuấn 4,873 triệu đồng với lời nhắn gửi thật chân tình: “Các con thấy cái gì ưu tiên thì làm nhé”…

Cháu mặc có vừa không?. Ảnh: Đăng Tuấn

Còn nhiều, nhiều lắm, những lá thư ngắn ngủi nhưng thấm đẫm tình người, những lá thư làm ông Tuấn và nhóm bạn chung tay thực hiện dự án phải rơi nước mắt khi đọc nhưng trái tim lại rộn lên như trẻ nhỏ được quà. Người thì ngỏ ý đóng góp tiền mua đồ cho các em, người thì bàn bạc những việc tỉ mỉ như may bao gối như thế nào. Người thì động viên nhóm thực hiện chương trình “chớ có bao giờ nản lòng”…

Chính nhờ những tấm lòng nhân hậu này mà dự án “Bữa cơm có thịt” liên tục mở rộng “địa bàn phủ sóng” đến Y Tý, Dền Thàng, Pa Cheo, Lao Chải (Bát Xát, Lào Cai), toàn bộ các xã thuộc huyện Văn Chấn (Yên Bái), sắp tới sẽ là Mường Nhé, Điện Biên… Và việc giúp đỡ các em học sinh không chỉ dừng lại ở “Bữa cơm có thịt” mà còn ủng hộ thêm đồ dùng học tập, trang thiết bị nhà trường, chăn màn, quần áo…

Mừng hơn là thấy được sự “lớn mạnh” của dự án “Bữa cơm có thịt”, ngoài sự ủng hộ “kẻ ít, người nhiều” của các cá nhân trong giai đoạn đầu với số tiền gần 1,5 tỷ đồng, các tổ chức từ thiện, các doanh nghiệp bắt đầu chung tay góp sức. Mới đây nhất, ngày 12-12-2011, ông Trần Đăng Tuấn thông báo tin vui: Tài khoản chương trình “Bữa cơm có thịt” nhận được khoản tiền tiền lớn do Quỹ Thiện Tâm thuộc Công ty cổ phần Vincom chuyển đến nhằm giúp toàn bộ 1.411 học sinh nội trú dân nuôi tại 15 trường.

…Và những chuyện chưa kể

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, một trong những “sáng lập viên” của chương trình “Bữa cơm có thịt” kể một câu chuyện thật cảm động mà theo ông “lẽ ra chẳng nên kể” nhưng “thấy phải nói ra để nhẹ lòng”. Đó là chuyện một độc giả ủng hộ chương trình “Bữa cơm có thịt” 200 nghìn đồng nhưng lúc thao tác lại ấn nhầm thành 2 triệu đồng. Người đó đã đắn đo rất nhiều trước khi viết thư cho ông Trần Đăng Tuấn hỏi có thể rút lại số tiền nhầm kia không.

Một "Bữa cơm có thịt" ở trường Tiểu học Y Tý.

Biết con số 2 triệu đã làm cạn kiệt tài khoản của một người chẳng lấy gì làm khá giả này, ông Tuấn bàn với nhà văn Phạm Ngọc Tiến lặng lẽ gửi tiền riêng cá nhân ở ngoài chứ không nên lấy từ quỹ. Lúc đó, một anh bạn của cả hai người, do bận bịu công việc, chưa biết đến “Bữa cơm có thịt”, nghe chuyện đã nhất quyết giành phần chịu trách nhiệm về số tiền 1,8 triệu đồng nọ. “Tuy nhiên, dù tiền đã được gửi đến nơi cần đến nhưng tôi vẫn chưa hết vân vi bởi sự chân thật của người gửi nhầm…” - Nhà văn Phạm Ngọc Tiến tâm sự.

Còn ông Trần Đăng Tuấn thì nhớ mãi câu chuyện “khó xử” trong một lần đi tặng quần áo cho các em học sinh tại một điểm trường trên Y Tý. Khi phát quần áo, có một ông bố người Mông cứ đứng xem. Khoảng 9 giờ tối, xong việc, sửa soạn xuống núi thì các thầy cô mời xuống ăn cơm có thịt “lợn cắp nách”. “Nói thật, từ khi triển khai chương trình đến giờ, bọn mình đi chưa bao giờ chịu ăn cơm do “cơ sở” đãi. Lần này cũng vậy, chối luôn. Nhưng mọi người bảo lợn đã thịt rồi, đã bày lên bàn rồi…

Mà nhìn ra thì thấy đúng vậy. Hóa ra ông bố người Mông nọ ở cách đấy trên chục cây số đường rừng, xuống đón con ở nội trú tiểu học. Nhìn thấy mọi người phát quần áo cho trẻ con, liền ghé vào nhà người quen gần đó, “vay” một chú lợn cắp nách, thừa lúc bọn mình lên trường trung học thì dưới này xẻ thịt luôn mời tất cả thày cô và “những đứa tốt ở Hà Nội lên”…” - Ông Tuấn kể. Ông còn cho biết thêm, cả đời làm báo, ông “ăn cơm thiên hạ” cũng nhiều rồi. Nhưng lần này, vừa vui, vừa ái ngại, vừa cảm kích vì không biết cả nhà bác người Mông kia nuôi được mấy con lợn? Cả nhóm bàn nhau gửi tiền các thầy cô chuyển đến “người đãi thịt lợn cắp nách” để “hết băn khoăn”, nhưng một cộng tác viên chương trình người địa phương rỉ tai: “Đừng, không làm thế được đâu !”. Thế là đành chịu!...

…Những “câu chuyện chưa kể” về hành trình của “Bữa cơm có thịt” đang được viết tiếp bởi còn nhiều ngôi trường khác nơi vùng cao biên giới đang được nhóm thực hiện chương trình nhắm đến và có thêm rất nhiều người muốn “gắp thịt” cho các em. Dù vất vả, nhưng những người thực hiện chương trình tự nhận như người đứng trên đỉnh núi, có vinh dự đón những làn gió ấm áp trìu mến lướt qua mình. Thông qua bài báo nhỏ này, họ muốn gửi lời cảm ơn các em bé vùng cao, biên giới vì nhờ có các em, họ mới có cái duyên gặp được những con người mới hôm qua là hoàn toàn xa lạ, hôm nay đã như tri kỷ của mình. Nhờ các em, có lẽ không chỉ họ mà còn nhiều người khác nữa nhận ra mình có thể mang lại niềm vui, niềm hy vọng cho người khác bằng những việc tưởng chừng không thể đơn giản hơn…

Thái Bình

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bua-com-co-thit-len-vung-cao-bien-gioi/