Bữa cơm bán trú níu chân học sinh Mường Tè ở lại trường

Nhiều năm qua, các thầy cô giáo đã phát huy phẩm chất cao đẹp của người làm thầy góp phần làm thay đổi bộ mặt giáo dục vùng khó.

Dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng ở Mường Tè (Lai Châu), các em học sinh vùng khó khăn vẫn được các cô, thầy chăm sóc bán trú đầy đủ. Ở trường có cơm no, áo ấm giúp các em học con chữ bớt nhọc nhằn hơn.

Đường đến lớp bớt gập ghềnh

Chiều cuối năm, trời vùng biên như đổ sập vào màn đêm khi sương chiều quấn theo gió núi hun hút… cả xã biên giới Pa Vệ Sử (huyện Mường Tè, Lai Châu) như chìm vào trong đêm đen đặc.

Một trong những nơi hiếm hoi có ánh sáng và tiếng cười đùa của lũ trẻ chính là điểm trường Thò Ma của trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Pa Vệ Sử.

Không chỉ là tiếng cười, tiếng nói của học sinh, xen lẫn đó là tiếng chỉ bảo của các thầy, các cô chăm sóc bán trú.

Giờ ăn, tất cả đã được chuẩn bị sẵn, các em xếp hàng, xếp mâm và ngồi vào chỗ. Nghe hiệu lệnh rồi tất cả đồng thanh: “Em mời thầy cô xơi cơm, tôi mời các bạn…”. Ngăn nắp và sạch sẽ từ giờ xem ti vi, lên lớp tự học cho đến giờ đi ngủ, một nếp sinh hoạt mới của các em đã được hình thành.

 Giờ cơm bán trú ở điểm Thò Ma. Ảnh: L.C

Giờ cơm bán trú ở điểm Thò Ma. Ảnh: L.C

Giờ thể dục tại điểm trường Thò Ma (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Vệ Sử). Ảnh: L.C

Được công nhận là trường phổ thông dân tộc bán trú không chỉ là niềm vui của học trò, mà như thầy Vũ Văn Viện - Hiệu trưởng trường Pa Vệ Sử chia sẻ, đó còn là động lực để các thầy, các cô phấn đấu tốt hơn cho các em.

Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Vệ Sử có 365 em học sinh, học sinh lớp 1 – 2 phân bố tại 13 điểm trường khác nhau, học sinh lớp 3 trở lên được đưa xuống trung tâm xã để học bán trú.

Từ nhiều năm trước, các thầy ở Pa Vệ Sử đã phải đi đến những bản xa xôi như Sín Chải A, Sín Chải B, Sín Chải C, Chà Gá… dọc trên những triền núi, nơi bản làng chìm trong sương của người La Hủ để “nhặt” học sinh về lớp.

Làm công tác bán trú ở Pa Vệ Sử chưa bao giờ dễ dàng bởi bên cạnh đường khó đi, việc làm công tác tư tưởng cho phụ huynh, để họ chấp nhận cho con mình xuống xã học cái chữ cũng rất khó khăn.

Việc vận động học sinh từ điểm bản xuống trung tâm học bán trú đòi hỏi sự khéo léo tâm huyết của các thầy cô giáo, kết hợp cùng chính quyền địa phương giúp các em yên tâm không bỏ về.

Thầy Nguyễn Văn Tình, Hiệu phó nhà trường cũng đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng, việc các con đi học bán trú đồng nghĩa với việc các phụ huynh không còn nhận được vài trăm ngàn đồng hỗ trợ mỗi tháng nữa. Khoản này, nhiều phụ huynh dùng để mua rượu uống… và vì thế họ chẳng dễ dàng để con mình xuống trung tâm xã học.

Nhờ kiên trì vận động, làm tốt công tác bán trú nên tỉ lệ chuyên cần, học sinh ra lớp của Pa Vệ Sử đã được đảm bảo.

Trên những điểm bản xa xôi, không còn hình ảnh học sinh rủ nhau bỏ học để ra những triền núi chơi trượt dốc với những bộ quần áo rách tơi tả, bàn chân, ngón tay cáu đất và những gương mặt lấm lem. Các em giờ đây ê a trong lớp học, đến độ tuổi lớp 3, các em sẽ được đưa xuống trung tâm xã, được ở bán trú, tạm xa gia đình, sống trong vòng tay thầy cô, bè bạn.

Những năm trước đây, học sinh ở Pa Vệ Sử nghỉ học có rất nhiều lý do khác nhau, nhưng lý do lớn nhất vẫn là do cha mẹ không quan tâm việc ăn, việc học của các con. Trẻ em ở Pa Vệ Sử lớn lên trên những triền núi như những cây cỏ…tự do và hoang dại. Thế nhưng tất cả đã đổi thay nhờ bữa cơm bán trú ở trường.

Thầy giáo Vũ Văn Viện, Hiệu trưởng nhà trường cho biết từ khi có lớp học bán trú, tỉ lệ ra lớp của nhà trường đạt đến 92%.

Chỉ một thời gian nữa, học sinh tại Pa Vệ Sử sẽ được chuyển về điểm trường mới đang xây dựng, to đẹp và đàng hoàng hơn. Những ngày gian khó sẽ qua mau…

Trung tâm xã Pa Vệ Sử, nơi điểm trường mới của thầy trò trường Phổ thông dân tộc bán trú Pa Vệ Sử sẽ được hoàn thành. Ảnh: L.C

Sức sống mới ở Cao Chải

Những năm trước, Cao Chải chỉ có đồi cỏ và những lán nương của người Mông tại các bản Tà Tổng, Nậm Dính. Thời điểm đó, Cao Chải là vùng đất xa xôi, cách biệt, chỉ có những triền đồi khô khốc với tiếng gió rít liên hồi những ngày cuối năm.

Cùng với sự đầu tư từ các chương trình, dự án của Nhà nước, huyện Mường Tè đầu tư xây dựng tuyến đường Nậm Khao - Mường Nhé, trong đó có đoạn đi qua xã Tà Tổng và chạy dọc vùng cao nguyên Cao Chải.

Nhờ vậy, Cao Chải có bước chuyển mới, không còn là một vùng đất chỉ toàn những lán nương của người Mông, mà đang trở thành cầu nối huyện Mường Tè (Lai Châu) và Mường Nhé (Điện Biên).

Cùng với đó, dựa trên lợi thế của vùng cao nguyên, nhiều hộ dân đã di chuyển lên Cao Chải để dựng nhà, làm trang trại trồng ngô, trồng lúa, phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Trường Nậm Ngà ở bản Cao Chải hôm nay. Ảnh: L.C

Cũng trên một mỏm đồi của Cao Chải, cụm trường mới đã được xây dựng lên, đó là Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – Trung học cơ sở Nậm Ngà và điểm bản Cao Chải của trường Mầm non Tà Tổng, nơi học tập bán trú của 705 em học sinh tại các bản cao của Tà Tổng.

Những năm trước, học sinh của Nậm Ngà vẫn phải học trong những nhà học tạm nằm ven suối sâu trong bản Nậm Ngà, cách điểm bản hiện tại 17 km đường núi. Hình ảnh thầy trò trường Nậm Ngà khai giảng bên bờ suối năm học 2018 từng khiến không ít người ngậm ngùi.

Bằng nhiều nỗ lực, điểm trường Nậm Ngà mới đã được xây dựng và tiếp tục hoàn thiện các hạng mục khác nhau.

Tháng 4/2020, công trình nhà bán trú đã được bàn giao và hoàn thiện các em học sinh từ trong điểm bản bên suối Nậm Ngà được đưa ra điểm bản Cao Chải để học tập.

Nhìn công trình khang trang, đồ sộ và đảm bảo cơ bản công tác bán trú, nhiều thầy cô giáo ở Nậm Ngà nhiều lúc ngỡ như trong mơ bởi những năm trước quá gian khó.

Màn đêm buông xuống, trời đêm ở cao nguyên Cao Chải buốt lạnh nhưng không khí ở trong khu nhà bán trú lại đầy rộn ràng.

Toàn cảnh điểm trường ở Cao Chải của trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Ngà. Ảnh: L.C

Sau bữa cơm tối, các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Ngà, ở Cao Chải giờ đây không phải lại tập trung dưới gầm nhà sàn ôn tập bài nữa mà ở trong những phòng học khang trang giữa cao nguyên. Tiếng thầy cô hướng dẫn, trò đọc bài vang vang một góc núi đồi.

Thầy Hoàng Văn Đức, Hiệu phó trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Ngà cho biết tại điểm trường Nậm Ngà trong bản Nậm Ngà vẫn còn 234 học sinh và 11 giáo viên đang ngày ngày học tập, giảng dạy trong điều kiện hết sức khó khăn.

Tương lai, chủ trương của các cấp các ngành sẽ chuyển các em ra lớp. Hi vọng ngày đó không còn xa.

Giờ học ở Cao Chải. Ảnh: L.C

Nói về các thầy cô giáo ở Nậm Ngà, ông Tống Thanh Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết, cá nhân ông cũng như ngành giáo dục huyện nhà rất trân trọng và ghi nhận những cố gắng của các thầy cô giáo trong vùng khó.

Nhiều năm qua, các thầy cô giáo đã phát huy phẩm chất cao đẹp của người làm thầy góp phần làm thay đổi bộ mặt giáo dục vùng khó.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè, từ khi có chính sách bán trú, đến nay tỷ lệ chuyên cần của toàn ngành Giáo dục huyện luôn đạt trên 98%.

Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp cũng đạt 99% và nhờ đó huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi từ năm 2015. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 97%.

Những bữa cơm có thịt, những phòng ở ấm áp và nhất là tình thương của “những người đưa đò” dành cho các lứa học trò chính là bí quyết để huyện Mường Tè có được những kết quả này.

Trần Phương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bua-com-ban-tru-niu-chan-hoc-sinh-muong-te-o-lai-truong-post215333.gd