Bữa ăn trưa giúp tránh một thảm họa

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào năm 1962 suýt dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô. May mắn là hai bên cuối cùng đã giải quyết bất đồng một cách hòa bình.

Theo trang mạng Russia Beyond, không nhiều người biết rằng chính một phóng viên truyền hình Mỹ cùng một điệp viên Liên Xô đã đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn nguy cơ nổ ra cuộc chiến tranh hạt nhân ấy.

“Mặc dù có vẻ khó tin nhưng hai người đàn ông ở thủ đô Washington chẳng có liên quan chính thức gì tới Cuba hay các tên lửa Liên Xô lại đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Họ là John A.Scali, phóng viên của Đài truyền hình Mỹ ABC và Alexander Feklisov, sĩ quan tình báo với vỏ bọc là nhân viên tại Đại sứ quán Liên Xô”, trang mạng Russia Beyond nhấn mạnh.

 Phóng viên truyền hình Mỹ John A.Scali (trái) và sĩ quan tình báo Liên Xô Alexander Feklisov. Ảnh: AP

Phóng viên truyền hình Mỹ John A.Scali (trái) và sĩ quan tình báo Liên Xô Alexander Feklisov. Ảnh: AP

Trong hồi ký của mình, Đại tướng Fyodor Ladygin, từng là điệp viên chuyên nghiệp thời Liên Xô và là lãnh đạo Cơ quan Tình báo quân đội Nga (GRU) thập niên 1990, đã viết: “Chính em trai của Tổng thống Mỹ John Kennedy là Robert Kennedy đã quyết định cần phải tìm một đầu mối liên hệ mới để thiết lập kênh liên lạc bí mật giữa Mỹ và Liên Xô. Robert Kennedy đã đề nghị một người quen biết của mình là phóng viên truyền hình Scali sắp xếp một cuộc gặp với Alexander Feklisov”.

Trong khi đó, theo lời kể của Scali, chính Feklisov (làm việc tại Đại sứ quán Liên Xô dưới cái tên Aleksandr Fomin) đã gọi điện và mời ông đi ăn trưa. “Khi ông ấy gọi thì tôi đã ăn trưa rồi nhưng vì giọng ông ấy quá gấp gáp và kiên quyết nên tôi quyết định đến ngay lập tức”, ông Scali nhớ lại.

Thế là Scali và Feklisov gặp nhau tại nhà hàng Occidental, cách Nhà Trắng không xa. Sau khi gọi món, hai người đi thẳng vào vấn đề: Chiến tranh dường như sắp nổ ra. “Scali trông có vẻ tức giận. Không mào đầu, ông ấy bắt đầu cáo buộc nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev thực hiện chính sách gây hấn. Tôi đã nhắc nhở Scali rằng chính đất nước của ông ấy đang tìm cách bao vây Liên Xô với một mạng lưới các căn cứ quân sự và đang xây dựng các khối quân sự chống Liên Xô ”, ông Feklisov kể lại.

Ông Scali cho biết, Feklisov đã đề xuất một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Đó là Mỹ và Liên Xô cùng cam kết “dỡ bỏ các hệ thống tên lửa dưới sự giám sát của Liên hợp quốc”. “Ông ấy hỏi tôi nghĩ thế nào về đề xuất này. Tôi trả lời rằng không biết nhưng sẵn lòng cố gắng tìm hiểu xem sao”, ông Scali kể.

Sau bữa ăn trưa đó, Scali và Feklisov còn gặp nhau vài lần. Cả hai đều thông báo trực tiếp cho chính phủ nước mình về các cuộc gặp. “Kênh liên lạc bí mật không chính thức cho phép lãnh đạo Mỹ và Liên Xô tránh được việc bị cáo buộc là nhượng bộ đối phương quá nhiều”, trang mạng Russia Beyond nhấn mạnh.

Thời khắc quan trọng là khi Feklisov khẳng định với phóng viên Scali rằng, một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Cuba sẽ dẫn đến hành động tương tự của Liên Xô nhằm vào Tây Berlin. “John, ông biết đấy, khi hàng nghìn xe tăng Liên Xô ra trận và các máy bay cường kích tấn công từ trên không, chúng sẽ quét sạch mọi thứ. Tôi nghĩ chỉ cần không quá 24 giờ để bẻ gãy sự chống cự của các đơn vị đồn trú và chiếm Tây Berlin”, Feklisov viết trong cuốn sách “Beyond the Ocean and on the Island. Notes of an Intelligence Officer” (Tạm dịch: Bên kia đại dương và trên đảo quốc. Ghi chép của một sĩ quan tình báo).

Theo Russia Beyond, tuyên bố trên được xem là một hành động táo bạo bởi nhà lãnh đạo Khrushchev không cho phép Feklisov nhắc đến khả năng Liên Xô chiếm Tây Berlin khi gặp John A.Scali. May mắn là hành động táo bạo ấy rốt cuộc lại có hiệu quả. Russia Beyond cho biết, đối với Tổng thống Mỹ Kennedy, bóng ma về một cuộc tấn công nhằm vào Tây Berlin đóng vai trò quyết định trong các cuộc đàm phán với Liên Xô. Tổng thống Kennedy đã đề nghị Mỹ dỡ bỏ các hệ thống tên lửa triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ và “để yên cho Cuba”, để đổi lại việc Liên Xô phải dỡ bỏ các hệ thống tên lửa hạt nhân ở Cuba.

Tiếp theo sau đó, nhà lãnh đạo Khrushchev đã gửi thư cho Tổng thống Kennedy. Trong thư, nhà lãnh đạo Liên Xô nhấn mạnh “chính vì sự tôn trọng và tin tưởng” mà ông hiểu được cam kết của Tổng thống Kennedy rằng, Mỹ và đồng minh sẽ không xâm lược Cuba. Vì vậy, Liên Xô chấp nhận dỡ bỏ và rút toàn bộ số tên lửa của mình khỏi Cuba. “Chúng tôi vừa ra lệnh dỡ bỏ và rút các vũ khí này”, nhà lãnh đạo Khrushchev viết trong thư.

Theo Russia Beyond, trên thực tế, mọi thỏa thuận giữa Tổng thống John Kennedy và nhà lãnh đạo Khrushchev để giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đều là “bằng miệng” nhưng “hai bên đã tin tưởng nhau và mọi cam kết đều được thực hiện”.

Scali qua đời năm 1995 tại Washington trong khi Feklisov qua đời năm 2007 tại Moscow. “Không ai trong số họ trở nên nổi tiếng, nhưng cả hai đều biết rằng mình đã góp phần giúp thế giới tránh được thảm họa”, Russia Beyond khẳng định.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/bua-an-trua-giup-tranh-mot-tham-hoa-646983