Bữa ăn học đường: Việt Nam cần học gì từ Nhật Bản?

Tại Hội thảo quốc tế về Dinh dưỡng người Việt, GS. Nakamura Teiji, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản, Hiệu trưởng Trường Đại học Dịch vụ Nhân sinh Kanagawa, cho biết, Nhật Bản đã ban hành Luật Bữa ăn học đường. Các chuyên gia dự hội thảo cho rằng, trong tương lai, Việt Nam cũng cần phải có điều luật tương tự.

Ông Nakamura Teiji chia sẻ về bí quyết giúp người dân Nhật Bản tăng chiều cao vượt trội. Theo đó, dinh dưỡng hợp lý, đủ là cái gốc để phát triển tầm vóc. Ngày nay con người ăn nhiều chất hơn nhưng chiều cao không thay đổi là do không biết cân đối dinh dưỡng. Cụ thể, bữa ăn nhiều chất hơn, trong đó nhiều chất béo, đạm, bột đường, ít rau xanh, nhiều muối.

GS. Nakamura Teiji, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản

Trong lịch sử người Nhật cũng từng có thời kỳ con người thấp, lùn, suy dinh dưỡng do chế độ ăn không hợp lý. Tuy nhiên, sau chiến tranh thứ hai trở đi chiều cao của người Nhật đã có thay đổi. Chiều cao trung bình của người Nhật hiện nay là 171,2m thuộc vào Top cao ở Châu Á, chỉ đứng sau Hàn Quốc.

Luật Bữa ăn học đường tại Nhật Bản được ban hành từ năm 1954. Theo đó, tất cả các trường phải đăng ký về cách thức thực hiện chương trình bữa ăn học đường và số lần thực hiện mỗi tuần, trong đó các loại bữa ăn học đường đó là:

Bữa ăn hoàn thiện: Cơm hoặc bánh mì, sữa tươi và các đồ ăn nhẹ khác.

Bữa ăn phụ: Sữa tươi và các đồ ăn nhẹ.

Sữa học đường: Chỉ cung cấp sữa tươi.

Tiêu chuẩn hấp thụ dinh dưỡng của bữa ăn học đường như sau:

Luật quy định phải có một Ủy ban xúc tiến về giáo dục dinh dưỡng. Về phía nhà nước gồm có Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Thủy sản chủ trì, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Thủy sản là chủ tịch, Bộ trưởng các Bộ liên quan cùng các chuyên gia sẽ là thành viên (trên 25 người) và các cơ quan địa phương... Vai trò của chương trình dinh dưỡng học đường là giúp cho trẻ em hiểu được truyền thống ẩm thực của đất nước, đồng thời dựa trên đó cải thiện dinh dưỡng trên cơ sở dinh dưỡng học.

Các chuyên gia đều nhấn mạnh, dinh dưỡng có 3 vai trò chính: Tạo điều kiện thuận lợi để có thể có sức khỏe tốt; Phòng ngừa các bệnh liên quan đến ăn uống; Khôi phục sức khỏe sau thời kỳ bệnh tật, thương tích.

Bữa ăn học đường của trẻ em Nhật Bản

Tại nhiều trường tiểu học tại Việt Nam, công tác bán trú thường phát sinh để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh. Cán bộ bán trú, những người trực tiếp chăm sóc bữa ăn cho trẻ không được đào tạo chuyên môn dinh dưỡng và thiếu kinh nghiệm xây dựng thực đơn. Vì vậy, bữa ăn bán trú chỉ dừng lại ở mức no và ngon miệng, chưa đáp ứng được các yêu cầu về dinh dưỡng và vệ sinh.

Hiện nay, chương trình Sữa học đường đang được triển khai ở một số tỉnh thành trong cả nước. Tại Hà Nội, dự kiến, từ ngày 1/1/2019, học sinh đăng ký sẽ uống sữa học đường. Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn quy trình thực hiện tại nhà trường, trong đó quy định rõ về kho chứa, phương án tiếp nhận, bảo quản và tổ chức cho học sinh uống sữa... Việc xử lý vỏ hộp, sự cố nếu có, sẽ được hướng dẫn cho cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc, Việt Nam cũng cần có những quy chuẩn nhất định cho Bữa ăn học đường nói chung, chứ không chỉ riêng chương trình Sữa học đường.

H.Y

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/an-toan-thuc-pham/bua-an-hoc-duong-viet-nam-can-hoc-gi-tu-nhat-ban-post53061.html