Bữa ăn học đường không an toàn: Thờ ơ là tiếp tay cho tội ác

Liên tiếp những vụ việc thực phẩm không an toàn, thực phẩm ôi thiu, thực phẩm nhiễm sán ngang nhiên hiện hữu trong bữa cơm của các trường học. Và những bữa ăn không an toàn đó đang hàng ngày, hàng giờ âm thầm hủy hoại cả một thế hệ, hủy hoại tương lai của một đất nước, một dân tộc. Vậy ai là người tiếp tay cho hàng loạt những vụ việc như vậy?

Như LĐO đưa tin, theo phản ánh của phụ huynh có con học tại Trường Mầm non Thanh Khương, vào ngày 14-2 và 20-2, những miếng thịt lợn nổi đầy hạch trắng, dấu hiệu giống như bị bệnh sán hạt gạo lẽ ra phải đem đi tiêu hủy, nhưng đã xuất hiện trong bếp ăn của trường. Một số phần thịt đã được nấu cho học sinh ăn.

Clip miếng thịt xuất hiện nhiều hạch nhỏ, màu trắng, có thể dùng tay để tách ra do một giáo viên của trường ghi lại, sau đó được phát tán trên mạng xã hội.

Phụ huynh học sinh đứng trước cổng trường mầm non Thanh Khương để chờ câu trả lời của cơ quan chức năng

Phụ huynh học sinh đứng trước cổng trường mầm non Thanh Khương để chờ câu trả lời của cơ quan chức năng

Nhiều ngày nay một số phụ huynh đã không cho con đi học và tập trung ở cổng trường để chờ đợi một lời giải thích từ Ban giám hiệu nhà trường.

Nhưng họ chờ trong vô vọng, thậm chí công ty cung cấp những miếng thịt lợn nổi đầy hạch trắng này vẫn được nhà trường tin tưởng hợp tác. Còn phụ huynh, những người lên tiếng mạnh mẽ nhất, chia sẻ clip thịt lợn "bẩn" trên mạng xã hội thì bị các đối tượng lạ đe dọa, yêu cầu gỡ bỏ.

Bất an và lo lắng, ngày 5-3, phụ huynh đã ập vào bếp ăn của trường. Họ tiếp tục phát hiện bếp ăn có thịt gà được cho là để đông lạnh, bở nát. Có phụ huynh cho biết trong một chiếc nồi có nhiều loại chân gà dùng để nấu cháo cho các cháu có hiện tượng đã bốc mùi, lẫn cả nilon và củ hành còn nguyên rễ.

Trách nhiệm thuộc về ai khi thực phẩm bẩn len lỏi vào trường học

Theo Pháp luật, có một điều đáng lưu ý là, cứ mỗi khi xảy ra ngộ độc thực phẩm trong nhà trường, các cơ quan của ngành giáo dục đều khẳng định “sẽ siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra trực tiếp tại các trường”, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tuân thủ quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm của nhân viên, kiên quyết xử lý đối với những người không chấp hành quy định”.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu khẳng định này sẽ được duy trì trong bao lâu, hay khi sự việc lắng xuống, việc “siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra trực tiếp” cũng sẽ lại bị lãng quên, nhất là khi thực tế, hoạt động kiểm tra tổ chức bán trú cho học sinh vẫn được tiến hành và luôn được kết luận là “đúng quy trình, đảm bảo chất lượng”.

Gạo mốc, cơm đầu cá được nấu cho học sinh ăn tại trường

Theo LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Hà Nội) khẳng định việc để xảy ra mất ATTP tại các trường học là sự việc hết sức nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của các học sinh không chỉ thời điểm sử dụng thực phẩm mà còn có nguy cơ gây hại đến sức khỏe về sau.

Dưới góc độ pháp luật, luật sư Cường cho rằng các biện pháp xử lý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm tại các trường học chủ yếu chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, phạt tiền. Hay đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống; song song khắc phục hậu quả bằng cách buộc tiêu hủy nguyên liệu thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ; hết hạn sử dụng, hỏng, ôi, thiu, thối,..

"Với biện pháp và mức xử phạt hành chính như vậy sẽ rất khó ngăn chặn hành vi sử dụng thực phẩm "bẩn", thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vào trường học. Chính vì thế, cần phải có chế tài có đủ sức răn đe, cùng với cơ chế giám sát chặt chẽ, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành liên quan… thì mới tạo được chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học".

Hiệu trưởng không thể phó mặc tính mạng của học sinh

Trước hàng loạt các vụ thực phẩm bẩn được phanh phui các chuyên gia và phụ huynh cho rằng trường học nào để xảy ra ngộ độc thực phẩm, thì hiệu trưởng trường đó phải chịu trách nhiệm, bị xử lý nghiêm.

Trước đề xuất này, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội cho rằng, chỉ trừ trường tự nấu và tự sản xuất được nguồn thực phẩm thì mới dám đảm bảo thực phẩm đó là an toàn. Còn nếu đi mua, hoặc đặt một bên thứ ba thì chỉ biết “tin tưởng” đối tác. Cá nhân hiệu trưởng hay nhà trường rất khó kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm, nên không thể quy trách nhiệm cho hiệu trưởng.

Về điều này, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, các trường cần có cơ chế giám sát được nguồn thực phẩm, bữa ăn trong trường học, không thể lấy lý do nào đó để phó mặc tính mạng của học sinh.

Bà cũng cho rằng, những đơn vị cung cấp thức ăn cho các trường học cần được lựa chọn kỹ. Những đơn vị nào bị phát hiện đưa thực phẩm bẩn vào trường học phải bị xử lý hình sự và vĩnh viễn không cho hoạt động trong lĩnh vực này.

"Bao nhiêu cơ quan chẳng lẽ không bảo vệ được bữa ăn của trẻ? Bữa ăn học đường liên quan đến sức khỏe, tính mạng trẻ em, nên không thể đùa và lơ là được" - PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Liên quan đến vụ việc trương mầm non Thanh Khương, công an tỉnh phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan

Ban quản lý an toàn thực phẩm tỉnh phối hợp đơn vị liên quan làm rõ nguồn gốc thực phẩm cung cấp tại trường Mầm non Thanh Khương và một số đơn vị khác mà Công ty Hương Thành cung ứng.

Theo ông Nguyễn Công Mười - Phó Chủ tịch xã Thanh Khương - hứa hẹn: Trước tình trạng lộn xộn tại Trường mầm non Thanh Khương, lãnh đạo xã đã tổ chức một cuộc đối thoại trực tiếp giữa nhà trường, đơn vị cung cấp thực phẩm và người dân.

Tại đây, Công ty cung cấp thực phẩm đã hứa sẽ có trách nhiệm trực tiếp với học sinh, thời gian tới đưa các cháu ra Hà Nội để thăm khám. Nếu phát hiện bệnh là do thực phẩm của Cty gây ra, Cty sẽ có trách nhiệm bồi thường và chữa trị.

Về phía trách nhiệm của nhà trường và cơ quan liên quan khi để thực phẩm chưa đảm bảo vệ sinh tuồn vào trường học, đến nay phụ huynh vẫn đang chờ lời giải thích rõ ràng, cũng như một lời xin lỗi.

Nguyễn Thủy (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/bua-an-hoc-duong-khong-an-toan-tho-o-la-tiep-tay-cho-toi-ac/801864.antd