Bữa ăn học đường hết nỗi lo ngộ độc tới lo thiếu vi chất

Trong thời gian gần đây, liên tiếp các vụ ngộ độc xảy ra tại các trường học trên cả nước đặc biệt là ở các trường tiểu học khiến nỗi lo về bếp ăn trường học của người dân ngày càng tăng.

PGS Lê Bạch Mai chia sẻ về bữa ăn học đường và dinh dưỡng.

PGS Lê Bạch Mai chia sẻ về bữa ăn học đường và dinh dưỡng.

Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm

Mới đây nhất, khoảng 30 học sinh trường Tiểu học Thanh Xuân Nam, phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và sốt cao trong nhiều ngày.

Theo phản ánh của một số phụ huynh có con đang theo học tại trường Tiểu học Thanh Xuân Nam, khoảng 30 học sinh của trường này có biểu hiện lạ như đau bụng, buồn nôn, đi ngoài và sốt cao từ chiều 23 đến ngày 25/10. Các học sinh có biểu hiện lạ nói trên đều thuộc các lớp 5A2, 5A3, 5A4…

“Từ tối 23/10, sau khi ăn cơm con kêu đau bụng, sau đó đêm nôn, sốt. Gia đình đưa con vào Bệnh viện Xây dựng xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm ổ bụng, chụp chiếu và sau đó phải nhập viện...”, phụ huynh thông tin.

Số phụ huynh khác cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại, ngoài một số học sinh được gia đình đưa đi viện, số học sinh còn lại về nhà nhưng vẫn còn triệu chứng nôn, đau đầu và đi ngoài.

Sau sự việc, vào chiều muộn ngày 25/10 nhiều phụ huynh có con theo học tại trường Tiểu học Thanh Xuân Nam đã trực tiếp gặp ban giám hiệu nhà trường để làm rõ nguyên nhân.

Theo đó, nhà trường thừa nhận có sự việc trên xảy ra. Về nguyên nhân, hiện nhà trường đang tổ chức lấy mẫu thức ăn đi xét nghiệm và 10 ngày sau mới có kết quả.

Nhiều phụ huynh cho rằng, vấn đề có thể liên quan đến thực phẩm nhà trường sử dụng cho các cháu trong bữa ăn. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh tỏ ra bức xúc khi cho rằng nhà trường định giấu nhẹm sự việc mà không thông tin kịp thời cho phụ huynh để có phương án xử lý.

Trước đó tại TP.HCM ngày 7/10, 22 học sinh tiểu học Trưng Trắc TP HCM nghi ngộ độc đã được đưa vào Bệnh viện cấp cứu, các cháu bé đều có biểu hiện rối loạn tiêu hóa.

Ông Phan Văn Trí, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trưng Trắc cho biết, có tổng cộng 22 học sinh phải nhập viện, 12 em được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 và bệnh viện Quận 11 cấp cứu.

PGS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội cho rằng nguyên nhân ngộ độc thực phẩm là do thức ăn của con người bị nhiễm khuẩn, nhiễm chất hóa học và những yếu tố có hại khác.

Vi khuẩn: là nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm. Các vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm thường gặp như Campylobacter jejuni, Clostridium perfringens, Salmonella, Escherichia coli, Shigella, Listeria monocytogenes, Ngoại độc tố, Độc tố vi nấm: Aflatoxin, Citrinin, Citreoviridin, axit cyclopiazonic, Cytochalasin...

Ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể rất khó tránh khỏi hiện nay. Cách tốt nhất để phòng ngộ độc thực phẩm giám sát cả thực phẩm đầu vào và đầu ra.

Không chỉ ngộ độc còn thiếu chất

Không chỉ nỗi lo ngộ độc thực phẩm mà bữa ăn học đường còn rất nhiều điều đáng bàn.

TS Trương Hồng Sơn – Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho rằng song song với đó chất lượng của bữa ăn học đường hiện nay cũng còn nhiều điều đáng bàn đặc biệt là vấn đề dinh dưỡng, thiếu vi chất. Bữa ăn học đường là bữa ăn quan trọng với trẻ. Nếu so sánh với bữa ăn học đường tiêu biểu ở một số nước phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc thì cần bữa ăn đảm bảo chế độ ăn của trẻ tiểu học và trung học cơ sở phong phú, đa dạng, cân đối, giàu dinh dưỡng, đáp ứng từ 45-55% nhu cầu khuyến nghị dinh dưỡng và các vi chất thiết yếu đối với học sinh tiểu học và 30-40% nhu cầu đối với học sinh THCS.

Chính vì thế, bữa ăn học đường đảm bảo cần khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều đường, muối, hình thành các thói quen ăn uống tốt và tăng cường tập luyện thể dục thể thao ngay trong giai đoạn này”

PGS. TS Lê Bạch Mai – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, khẩu phần ăn của học sinh tiểu học hiện nay đáp ứng cao hơn nhu cầu khuyến nghị về năng lượng và protein, trong khi đó khẩu phần ăn của học sinh trung học cơ sở lại chưa đạt so với nhu cầu khuyến nghị về năng lượng, mức khẩu phần canxi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin nhóm B và vitamin C.

Vì vậy, chế độ ăn cần quan tâm đến bữa ăn học đường, tăng cường rau quả, chất xơ, các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng hoặc thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng để nâng cao chất lượng bữa ăn.

Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông giáo dục và phòng chống suy dinh dưỡng ở vùng nông thôn và thừa cân béo phì tại thành thị cần được đẩy mạnh nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và tầm vóc cho học sinh. Các can thiệp cần ưu tiên cho giải quyết gánh nặng kép về dinh dưỡng và đặc thù cho từng vùng.

K.Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/bua-an-hoc-duong-het-noi-lo-ngo-doc-toi-lo-thieu-vi-chat-post318189.info