Bữa ăn học đường: Giáo viên gặp khó khi không thể 'nhồi, ép' trẻ

Giáo viên cho biết, nhiều em đến trường từ chối ăn rau xanh, củ quả. Khảo sát thực tế cho thấy, bữa ăn mất cân đối dinh dưỡng dẫn đến có trẻ béo phì, thừa chất nhưng cũng có em bị suy dinh dưỡng.

Ăn uống không đúng cách, trẻ dễ béo phì, suy dinh dưỡng.

Ăn uống không đúng cách, trẻ dễ béo phì, suy dinh dưỡng.

Phụ huynh phàn nàn trẻ không chịu ăn rau

Cô Nguyễn Thị Thanh Hương, giáo viên Trường tiểu học Kim Liên cho biết, phụ huynh cũng thường phàn nàn về việc ở nhà trẻ không chịu ăn rau xanh, chỉ ăn món mình thích, dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng. Do đó, nhiều người thường nhờ cô giáo cho trẻ ăn rau củ, vì có thể trẻ sẽ sợ cô. “Thực tế, trên lớp học sinh cũng lười ăn rau xanh hoặc từ chối những món mình không thích nhưng em nào không muốn ăn rau, cô giáo lấy thêm cho 1 ít nữa yêu cầu ăn hết. Sau một thời gian, gần như tất cả học sinh trong lớp đều ăn hết phần rau củ của mình”, cô Hương nói. Vì thế, cô Hương cho rằng, trẻ ăn gì do thói quen. Nếu từ nhỏ, con từ chối một vài món rau nhưng phụ huynh không tập cho trẻ ăn sẽ hình thành thói quen không ăn rau củ.

Cô Trương Thị Hồng Thắm, giáo viên Trường Mẫu giáo Mầm non 1, TP Hải Phòng cũng cho rằng, nhiều trẻ từ chối ăn rau củ. Ở lớp, các cô giáo phải có biện pháp động viên, khích lệ trẻ, như chấm, thưởng mặt cười với bạn biết ăn phong phú các loại thức ăn. Hay cô kể chuyện, đọc thơ về những “người bạn” rau, quả, các “bạn” cung cấp sức khỏe cho các bé như thế nào để trẻ cảm thấy thân quen, hứng thú. Ngoài ra, cách thức tổ chức bữa ăn như thế nào cũng rất quan trọng đối với trẻ. Ví dụ, trước đây trẻ ăn cơm với thức ăn chung một bát sau đó chan canh. Không có bát riêng, các cô trộn cơm vào canh cho các trẻ, nếu trẻ ăn chậm thì cơm sẽ không còn ngon nữa. Mới đây, trường đã thay đổi hình thức bữa ăn cho trẻ khiến trẻ hứng thú hơn. Cụ thể, tới giờ ăn mỗi bé có ba bát gồm: một bát cơm, một bát thức ăn, một bát canh. Các cô giáo có cân đong, định lượng rõ ràng cho từng trẻ.

Vẫn còn trẻ suy dinh dưỡng, béo phì

Ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hải Phòng cho biết, địa phương đang triển khai mô hình bữa ăn dinh dưỡng học đường kết hợp với vận động thể lực do Bộ GD&ĐT tổ chức. Trước khi thực hiện đề án, Hải Phòng đã khảo sát trẻ trong trường mầm non cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng khoảng 3,4-3,5%. Tỷ lệ béo phì cao hơn tỉ lệ này một chút. Tuy con số này, Hải Phòng có thể thấp hơn toàn quốc, nhưng vẫn còn một bộ phận các cháu ở thể suy dinh dưỡng, thấp còi, nhẹ cân, gầy còm, đặc biệt tỷ lệ trẻ béo phì hiện nay đang có xu hướng gia tăng.

Ông Trà cho rằng, trẻ bị béo phì hay suy dinh dưỡng chứng tỏ bữa ăn học đường và gia đình chưa đúng về tỉ lệ dinh dưỡng. Trong quá trình triển khai bữa ăn học đường, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng cho rằng, điều quan trọng là nhận thức về dinh dưỡng của phụ huynh học sinh, và có thể của một số cô nuôi, có thể chưa thật đầy đủ. Nhiều phụ huynh có thể mua cho con một con cua để ăn thường xuyên, dẫn đến tình trạng quá nhiều đạm. Rồi tâm lý các ông bà, bậc cha mẹ cứ thích các cháu phải béo mũm mĩm. Đấy là tiền đề dẫn đến chuyện béo phì.

Đánh giá về bữa ăn học đường hiện nay, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, trừ cấp học mầm non, hầu hết các trường từ tiểu học trở lên được xây dựng với mục đích ban đầu chỉ phục vụ cho việc dạy và học. Do nhu cầu cấp thiết của phụ huynh và gia đình, sau đó nhiều trường đảm đương thêm việc phục vụ bữa ăn bán trú cho học sinh. Cán bộ bán trú, những người trực tiếp chăm sóc bữa ăn cho trẻ không được đào tạo chuyên môn dinh dưỡng và thiếu kinh nghiệm xây dựng thực đơn. Vì vậy, việc xây dựng thực đơn bữa ăn học đường đảm bảo đầy đủ các tiêu chí đủ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, tươi ngon, đa dạng, phù hợp lứa tuổi và hợp lý chi phí vẫn còn hạn chế. Có bữa ăn quá nhiều đồ chiên rán, đồ đông lạnh, học sinh ăn chỉ no và ngon miệng, chưa đáp ứng được các tiêu chí về cân bằng dinh dưỡng cho từng lứa tuổi.

Đó là chưa kể, việc thiếu các quy chuẩn và luật định cho dinh dưỡng học đường khi kết hợp với lòng tham và sự thiếu lương tâm của một vài bộ phận trong chuỗi mắt xích cung cấp bữa ăn, đã dẫn đến những sự việc đau lòng.

Năm 2019, tại Hà Nội, phụ huynh Trường tiểu học Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm; tố nhà trường bớt xén thức ăn khi bữa ăn chỉ có vài miếng đậu phụ, chả cá lèo tèo; Hay suất ăn lèo tèo vài miếng cá và rau muống của học sinh Trường tiểu học Điện Biên 2 (Thanh Hóa)…Nhiều vụ ngộ độc cũng xảy ra năm 2020 như: sau bữa ăn bán trú hàng chục học sinh Trường Tiên Dương, huyện Đông Anh (Hà Nội) nhập viện; 98 học sinh Trường tiểu học Bình Trưng Đông (TP HCM) nhập viện sau bữa ăn bán trú; năm 2019 phụ huynh phát hiện Trường tiểu học Chu Văn An, Hoàng Mai (Hà Nội) nhập thịt gà bốc mùi cho học sinh...

Từ thực tế này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, đơn vị đang thực hiện các chiến lược dinh dưỡng tạo nhằm cải thiện bền vững cả về tầm vóc và thể trạng của người Việt Nam theo Đề án 641; Quyết định 1340/QĐ-TTg, Quyết định 41/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt xây dựng mô hình điểm "Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh và sinh viên Việt Nam" ở nhiều địa phương.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/suc-khoe/bua-an-hoc-duong-giao-vien-gap-kho-khi-khong-the-nhoi-ep-tre-1754401.tpo