Bữa ăn học đường: Chưa hết lo

Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thì việc đảm bảo bữa ăn học đường hợp vệ sinh, an toàn và đầy đủ chất dinh dưỡng là điều mà nhà trường và gia đình luôn quan tâm.

Bữa ăn phụ Ảnh minh họa

Bữa ăn phụ Ảnh minh họa

Bởi vậy, bên cạnh việc tuyên truyền tập huấn cho cán bộ quản lý và nhân viên, các địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm trong bữa ăn.

Cán bộ quản lý phải được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm

Năm học 2017 - 2018, trên địa bàn quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội có 63 trường mầm non, tiểu học, THCS và 353 nhóm lớp mầm non tư thục. Trong đó có 43 trường có tổ chức ăn bán trú gồm 21 trường mầm non, 17 trường tiểu học và 5 trường THCS với tổng số 34.626 học sinh ăn bán trú, trung bình trên 800 suất ăn/ngày mỗi trường. Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó phòng Y tế quận Hoàng Mai cho biết: Hiện số trường tự tổ chức nấu ăn là 39 trường. Số trường nhờ trường học khác trên địa bàn nấu ăn vận chuyển suất ăn đến trường: 4, là Trường Tiểu học Thúy Lĩnh, THCS Đền Lừ, THCS Hoàng Văn Thụ và THCS Tân Mai.

Ngày 19/10, Đoàn kiểm tra số 1 do đồng chí Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai làm Trưởng đoàn đã kiểm tra đột xuất 8 bếp ăn của các trường học trên địa bàn. Qua kiểm tra và test nhanh các mẫu thực phẩm (do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội thực hiện), cơ bản các bếp ăn nhà trường bảo đảm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngày 11/10, tại Trường Tiểu học Đền Lừ quận Hoàng Mai, trong quá trình kiểm tra gồm đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho thấy các điều kiện chế biến thức ăn bán trú cho học sinh được đảm bảo vệ sinh sạch sẽ: Bếp ăn được bố trí theo nguyên tắc một chiều, vệ sinh sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng.

Việc lưu nghiệm thức ăn đảm bảo 24/24 giờ, có sổ lưu nghiệm ghi chép rõ ràng; nhân viên phục vụ có trang phục riêng.

Việc sơ chế được tiến hành trên các bàn inox, cơ bản sạch sẽ, khô ráo. Thời gian, thành phần và quy trình giao nhận thực phẩm cơ bản đúng quy định. Trường đã lựa chọn được các nhân viên làm bếp có đủ sức khỏe để lao động. Các nhân viên nấu bếp ban đầu được xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm và khám sức khỏe theo quy định.

Bà Chu Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đền Lừ quận Hoàng Mai chia sẻ: Ngày hôm nay thực đơn bữa trưa của các cháu là thịt gà om nấm, canh đậu thịt, bầu xào thịt bò và cơm. Thực đơn được đổi theo từng tuần.

Để định lượng thức ăn và số tiền từng bữa ăn cho học sinh, ban giám hiệu nhà trường đã xin ý kiến của phụ huynh, thông qua họp liên tịch và họp hội đồng sư phạm cũng như làm tờ trình sang Phòng GD&ĐT của quận. Tất cả đều có sự thống nhất của ban đại diện phụ huynh và có biên bản cụ thể, đầy đủ.

Tuy nhiên, theo nguyện vọng của bà Thoa: UBND quận cần tổ chức các hội nghị tập huấn về công tác vệ sinh ATTP cho các cán bộ quản lý trong các nhà trường, đặc biệt là vấn đề lưu nghiệm thức ăn như thế nào cho hợp với quy chuẩn chung.

Trao đổi về công tác tổ chức bán trú tại Trường Tiểu học Đền Lừ, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã nhấn mạnh: “Trong quá trình kiểm tra bếp ăn bán trú trong Trường Tiểu học Đền Lừ, đoàn kiểm tra đã đánh giá rất cao về công tác tổ chức bán trú đặc biệt là vấn đề nấu ăn trưa cho các con. Mặc dù điều này không nằm trong chức năng, nhiệm vụ của nhà trường tiểu học, nhưng vì có tổ chức học 2 buổi/ngày, nên có việc đáp ứng nhu cầu của cha mẹ học sinh gửi con học bán trú, ăn trưa, nghỉ trưa tại trường”.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra ATVSTP tại trường TH Đên Lừ- Quận Hoàng mai- Hà Nội

Phải tích cực kiểm tra để đảm bảo an toàn thực phẩm

Tuy nhiên ngày 19/10/2017, trên kênh truyền hình VTC1 có đăng tải nội dung: UBND TP Hà Nội tổ chức kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường học trên địa bàn và đã phát hiện tại Trường Mầm non Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) có mẫu rau mùng tơi tồn dư thuốc trừ sâu…

Về nội dung này, UBND quận Hoàng Mai đã có văn bản giải trình: Thực hiện chỉ đạo của thành phố, ngày 29/3/2017, UBND quận đã ban hành quyết định thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành bảo đảm an toàn thực phẩm do 2 đồng chí Phó Chủ tịch UBND quận trực tiếp làm Trưởng đoàn.

Hai đoàn kiểm tra định kỳ các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh, dịch vụ ăn uống bảo đảm công tác an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn quận. Để việc kiểm tra được chính xác, ngày 17/10/2017, UBND quận đã có Văn bản số 3008/UBND-YT gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội xin hỗ trợ xe xét nghiệm phục vụ công tác kiểm tra vào ngày 19/10/2017.

Ngày 19/10, Đoàn kiểm tra số 1 do đồng chí Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai làm Trưởng đoàn đã kiểm tra đột xuất 8 bếp ăn của các trường học trên địa bàn. Qua kiểm tra và test nhanh các mẫu thực phẩm (do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội thực hiện), cơ bản các bếp ăn nhà trường bảo đảm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, khi kiểm tra tại Trường Mầm non Hoàng Liệt, đoàn đã phát hiện một mẫu mùng tơi tại tủ lưu mẫu thực phẩm chưa qua chế biến dương tính với hóa chất bảo vệ thực vật (không phải là thuốc trừ sâu) và đã lập biên bản.

Trong công văn nêu rõ, Trường Mầm non Hoàng Liệt ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam. Đây là đơn vị có đủ tư cách pháp nhân đã được UBND quận thẩm định trước khi ký hợp đồng cung cấp thực phẩm cho nhà trường. UBND quận đã chỉ đạo các đơn vị chức năng làm rõ nội dung vụ việc.

Được biết quan điểm của UBND quận là sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ việc này. Theo ông Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, việc đảm bảo bếp ăn của các cháu học sinh luôn được an toàn vệ sinh thực phẩm là điều quan trọng nhất cần phải làm.

Ông Phạm Xuân Tiến nêu rõ: Thực tế, tại các trường tiểu học không có biên chế cho vấn đề tổ chức quản lý buổi trưa và nấu ăn trưa cho các con. Ban Giám hiệu ở trường tiểu học cũng không được đào tạo quản lý tổ chức bán trú tại trường như ở bậc học mầm non. Song nhà trường đã thực hiện rất tốt công tác này. Để đảm bảo việc tổ chức duy trì công tác bán trú ngày càng tốt hơn, nhà trường cần rút kinh nghiệm thêm về các vấn đề như: Lưu nghiệm rõ hơn về ngày, giờ trên tất cả các sản phẩm. Hay vấn đề để đảm bảo vệ sinh an toàn trong bếp nấu thì tất cả đèn trong bếp nấu phải có chụp đèn để bảo vệ phòng cháy nổ thủy tinh sẽ rơi vào thức ăn.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bua-an-hoc-duong-chua-het-lo-3903817-v.html