Bữa ăn đoàn tụ với gia đình nhưng không cùng phòng của người khỏi Covid-19

Bữa ăn gia đình làm để đón Tiểu Nhã trở về sau 19 ngày điều trị tại bệnh viện là món mỳ đặc sản của Cam Túc và bát canh nóng hổi nhưng cô gái 22 tuổi không thể ngồi cùng phòng ăn với bố mẹ và anh trai.

Ở Định Tây, Cam túc, mỳ Tương Thủy nặn bằng tay ăn kèm với dưa muối, ớt cay là bữa ăn thường ngày của các gia đình nhà nông. Nhưng với gia đình Tiểu Nhã, đó là bữa ăn đoàn tụ sau 19 ngày cô nằm viện.

Trong căn nhà nhỏ, Tiểu Nhà và anh trai cùng bố mẹ ngồi ở 2 phòng cách biệt.

"Bố mẹ và anh trai ngồi tại căn phòng đối diện cách 5,6 m. Đây là lần đầu tiên gia đình ngồi tách biệt khi ăn cơm", Tiểu Nhã nói.

Trong bữa ăn ngày trở về, cô ăn hết 2 bát mì và 1 bát canh nhưng vẫn nói không đủ. Với Tiểu Nhã, việc có thể được ăn lại món ăn truyền thống của địa phương cùng gia đình là niềm vui khôn xiết sau những ngày nằm viện dài đằng đẵng.

Bữa cơm ngày trở về của Tiểu Nhã. (Ảnh: China News)

Bữa cơm ngày trở về của Tiểu Nhã. (Ảnh: China News)

Tiểu Nhã xuất viện hôm 10/2. 19 ngày trước đó, 23/1 cũng là ngày thứ 2 trở về từ Vũ Hán, cô định tới bệnh viện xét nghiệm để trấn an mọi người trong gia đình rồi về nhà nghỉ ngơi.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ nhiễm bệnh", Tiểu Nhã nhớ lại.

Cô gái 22 tuổi hoảng loạn khi nhận được thông báo từ các bác sỹ. Cô được đưa vào Khoa truyền nhiễm và phải nhập viện.

"Trong 2 ngày đầu tiên, tâm lý của tôi rất bất ổn nhưng vẫn hợp tác với các bác sỹ để điều trị. Tác dụng phụ của thuốc khiến tôi nôn rất nhiều. Nôn rồi, tôi lại ăn. Không ăn được tôi cũng ép mình phải ăn. Các nhân viên y tế cũng thay nhau chăm sóc, tư vấn tâm lý cho tôi. Họ khuyên tôi nghe nhạc, xem phim và tập yoga", Tiểu Nhã nhớ lại.

Lật lại những dòng ghi chép trong những ngày nằm viện, Tiểu Nhã nhớ tới ngày thứ 4 cô được cách ly trong phòng bệnh.

"Một số người tới nhưng đều là gương mặt tôi không mấy quen thuộc. Sau đó, tôi mới biết họ là thành viên của nhóm kiểm soát dịch bệnh. Khi nói về hành trình trở lại từ Vũ Hán, tôi đột nhiên nhận ra rằng mình là một người bị lây nhiễm, đồng thời cũng là một người nhiễm bệnh", Tiểu Nhã viết.

Kể từ đó, cô bắt đầu chiến đấu với căn bệnh quái ác.

Tiểu Nhã trong thời gian điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: China News)

Tiểu Nhã nói trong thời gian nằm ở phòng cách ly, mỗi ngày cô đều nhận được một loạt tin nhắn từ Wechat. Hầu hết trong số đó là của các y bác sỹ, họ hỏi cô tiêm có đau không, tình trạng dị ứng với thuốc khử trùng đã được cải thiện chưa.

"Ban đầu quả thật tôi không thể tin mình nhiễm bệnh, nhưng rồi dần điều chỉnh lại tâm lý. Ngay cả khi nhận được kết quả dương tính với virus vào ngày thứ 7 bị cách ly, tôi cũng không có quá nhiều cảm xúc tiêu cực. Tôi không sợ vì luôn có các nhân viên y tế ở cạnh mình, những người làm việc suốt ngày đêm", cô chia sẻ.

8h sáng ngày cách ly thứ 18, kết quả xét nghiệm axit nucleic của Tiểu Nhã chuyển sang âm tính, kết quả chụp CT cũng bình thường. Kết quả xét nghiệm thêm sau đó cũng cho thấy cô đã khỏi bệnh.

Theo ông Wang Nianxiang, bác sỹ điều trị cho Tiểu Nhã tại Bệnh viện Nhân dân huyện Thông Vị, sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia tuyến trên, ông và các đồng nghiệp áp dụng phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh nhân 22 tuổi.

Ở thời điểm hiện tại, Tiểu Nhã đang tiếp tục được giám sát tình trạng bệnh tại nhà.

Giới chức huyện Thông Vị cũng xác nhận địa phương đã đưa 41 người từng tiếp xúc với Tiểu Nhã vào diện theo dõi. Tuy nhiên, không có bất cứ trường hợp nào xuất hiện các triệu chứng bệnh.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thoi-su-quoc-te/bua-an-doan-tu-voi-gia-dinh-nhung-khong-cung-phong-cua-nguoi-khoi-covid-19-ar527277.html