Bù đắp cho học trò

Lùi thời gian kết thúc năm học 2021 - 2022 của một hoặc một số cấp học được nhiều địa phương 'phê chuẩn'.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Đây là câu chuyện đã bàn từ lâu nên không có gì bất ngờ. Bởi, suy cho cùng, tất cả cũng vì học sinh, mà ở đó vấn đề chất lượng và công bằng trong học tập được đặt lên hàng đầu.

Theo kế hoạch, khung thời gian năm học 2021 - 2022 của Bộ GD&ĐT, các địa phương hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước 25/5 và kết thúc năm học vào cuối tháng. Tuy nhiên, nếu thực sự cần thiết có thể nới khung thời gian năm học rộng hơn so với quy định để học sinh có thêm thời gian bù đắp khoảng trống về kiến thức, kỹ năng do trước đó phải học trực tuyến kéo dài.

Theo đó, việc linh hoạt thực hiện khung thời gian năm học có thể áp dụng trên phạm vi nhỏ nhất là phường, xã đối với trẻ mầm non, học sinh tiểu học. Song vẫn phải ưu tiên về chất lượng cũng như để các trường có khoảng thời gian nhất định, chuẩn bị cho năm học kế tiếp.

Cũng như năm học trước, năm học 2021 – 2022, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến kế hoạch hoạch dạy học. Tuy nhiên, ở năm học này dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, với những diễn biến bất thường, khó lường nên hầu hết địa phương đã chủ động, linh hoạt chuyển sang hình thức dạy – học trực tuyến; trong đó có nơi phải dạy – học online gần một năm học. Đơn cử như TP Hồ Chí Minh, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đến trường học trực tiếp từ ngày 14/2. Tại Hà Nội, học sinh tiểu học trở lại với lớp học truyền thống từ 6/4.

Rõ ràng, do tác động của đại dịch Covid-19, cùng với việc dạy – học trực tuyến kéo dài đã ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh; bởi ít nhiều có những xáo trộn nhất định, thậm chí là đứt gãy ở một số hoạt động giáo dục. Tất nhiên, trong điều kiện bất khả kháng, có những lúc chúng ta phải chấp một số việc không được tròn trịa như mong muốn.

Vì thế, việc lùi thời gian kết thúc năm học cũng là một trong những giải pháp để bù đắp thiệt thòi và phần nào lấp đầy khoảng trống còn thiếu hụt cho thầy – trò khi phải dạy – học trực tuyến trong thời gian dài. Song, trên hết là bảo đảm quyền lợi học tập, giáo dục của học sinh và suy cho cùng, tất cả cũng vì mục tiêu chất lượng, lấy học sinh làm trung tâm.

Lẽ tất nhiên, các trường cũng phải xây dựng kế hoạch dạy - học cụ thể và các điều kiện tốt nhất có thể để tổ chức dạy – học; nếu không, việc lùi thời gian kết thúc năm học sẽ trở thành hình thức, nói không đi đôi với làm. Như một lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) từng chia sẻ, Bộ yêu cầu các địa phương phải kiên trì mục tiêu chất lượng năm học. Khi đáp ứng được mục tiêu chất lượng, mới kết thúc năm học. Và đương nhiên, sau đó, học sinh phải được nghỉ hè theo đúng nghĩa.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/bu-dap-cho-hoc-tro-LOBshHC7R.html