BSC: VN-Index hướng đến vùng 1.300 điểm vào cuối tháng 5

BSC khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc nắm giữ lâu dài các nhóm cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận tốt như Ngân hàng, Bán lẻ, Bất động sản và nhóm cổ phiếu có tiềm năng tiếp tục hồi phục như Hàng không.

VN-Index hướng đến 1.300 vào cuối tháng 5

Chứng khoán BSC cho rằng VN-Index duy trì đà tăng trung hạn và đủ khả năng vượt mức cản tâm lý 1.200, hướng tiếp về khu vực quanh 1.300 vào khoảng cuối tháng 5 và kết thúc tháng 6 ở trên ngưỡng 1.250.

Tuy vậy, vận động tăng sẽ chia thành các nhịp sóng nhỏ với những đợt điều chỉnh ngắn hạn trước khi tiếp tục xu hướng đi lên. Các thị trường thế giới dự báo giữ được trạng thái tăng kéo dài từ năm ngoái nhưng sẽ là nhịp tăng từ từ và ổn định trong bối cảnh kinh tế tiếp tục được hỗ trợ bởi chính sách của các NHTW lớn.

Quá trình thử nghiệm vaccine mới cũng như phân phối những vaccine đã kiểm duyệt được đẩy mạnh hơn, hỗ trợ tâm lý thị trường. Cùng với đó, việc các quốc gia triển khai hộ chiếu vaccine cũng sẽ khiến ngành du lịch và lưu trú có sự hồi phục tốt hơn.

 Kịch bản thị trường chứng khoán quý 2.

Kịch bản thị trường chứng khoán quý 2.

P/E VN-Index dự báo tiếp tục tăng lên mức 19,3 trong Quý 2

VNIndex tăng 7,93% còn HNXIndex tăng 41,2% trong Quý 1. P/E cuối Quý 1 ở mức 18,5, tăng nhẹ so với mức 18,4 ở cuối năm 2020, cao hơn 13,7% so với P/E bình quân 5 năm (16,27 lần) dù vậy vẫn khá thấp so với khu vực châu Á.

P/E VN-Index dự báo tiếp tục tăng lên mức 19,3 trong Quý 2.

Vốn hóa tăng 11,2% so với thời điểm cuối năm 2020. Diễn biến thị trường giữ vững xu hướng tăng dù có giai đoạn điều chỉnh vào cuối tháng 1.

Thanh khoản giữ ở mức cao và chưa phản ánh được hoàn toàn nhu cầu giao dịch thực tế, khi mà hệ thống giao dịch hiện tại đang bị quá tải. Với kịch bản VN-Index đạt 1.250 điểm vào cuối Quý 2, dự báo vốn hóa tăng 5%.

Khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái bán ròng phần nào cho thấy sự thận trọng nhất định của những nhà đầu tư quốc tế trong thời điểm hiện tại và điều đó có thể khiến tâm lý hưng phấn của các nhà giao dịch trong nước được kiềm chế lại và khiến đà tăng của VN-Index diễn ra chậm rãi và từ từ.

Tính chung Quý 1, Khối ngoại bán ròng 14.145 tỷ, trong đó VNM là mã bị bán ròng nhiều nhất với giá trị 4.139 tỷ đồng. Các Quỹ ETF có sự phân hóa về trạng thái luân chuyển vốn, trong đó ETF Diamond và Finlead vẫn đang thu hút được vốn ngoại trong khi ETF KIM và E1 đang bị rút ròng.

Thị trường tiếp tục có cơ hội đón dòng tiền mới khi các Quỹ tracking theo MSCI và FTSE mở mới cũng như nối tiếp quá trình tăng tỷ trọng Việt Nam trong danh mục đầu tư

NĐT cá nhân trong nước tiếp tục duy trì hoạt động giao dịch tích cực như thời điểm cuối năm 2020. NĐT cá nhân trong nước giao dịch chiếm 82,1% thị trường so với mức bình quân 79,6% trong 1 năm.

Động lực mua xuất hiện tại khu vực quanh 1,150 điểm cho thấy các bộ phận nhà giao dịch vẫn đang khá chủ động với diễn biến thị trường hiện tại.

Số vị thế mở HĐTL suy giảm qua từng tháng trong Quý 1 cho thấy các nhà giao dịch hiện đang khá thận trọng trong giao dịch phái sinh khi mà thị trường dần trở nên khó đoán hơn trước.

Chiến lược đầu tư

- NĐT có thể cân nhắc tăng tỷ trọng các cổ phiếu thuộc nhóm Ngành Dầu khí khi giá dầu ở trong trạng thái tích lũy ngắn hạn.

- Cân nhắc nắm giữ lâu dài các nhóm cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận tốt như Ngân hàng, Bán lẻ, Bất động sản và nhóm cổ phiếu có tiềm năng tiếp tục hồi phục như Hàng không.

- Cân nhắc kỹ trong quyết định giao dịch và chỉ mua khi các cổ phiếu dời về những ngưỡng hỗ trợ mạnh hoặc tích lũy ngắn hạn.

- Thận trọng khi giao dịch phái sinh, nên giữ số vị thế mở ở mức vừa phải và ưu tiên giữ vị thế Long.

Anh Nhi

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tai-chinh-ngan-hang/bsc-vn-index-huong-den-vung-1300-diem-vao-cuoi-thang-5-112354.html