BS. Mai Xuân Phương: Không có chuyện kết hôn muộn sau 30 tuổi sẽ bị phạt

Trước nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh Quyết định phê duyệt 'Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030' của Thủ tướng Chính phủ, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với BS. Mai Xuân Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế).

BS. Mai Xuân Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế). Ảnh: Minh Thúy

BS. Mai Xuân Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế). Ảnh: Minh Thúy

PV: Hiện, dư luận đang xôn xao trước thông tin cho rằng việc kết hôn muộn sau 30 tuổi sẽ bị phạt. Vậy thông tin này có chính xác không thưa ông?

BS. Mai Xuân Phương:Tôi khẳng định không có chuyện kết hôn muộn sau 30 tuổi sẽ bị phạt.

Trong Quyết định phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030” của Thủ tướng chỉ khuyên thanh niên không nên kết hôn muộn chứ không cấm kết hôn muộn. Quyết định này của Thủ tướng đã chỉ rõ các nhiệm vụ, hoạt động ưu tiên mà chính quyền địa phương cần triển khai và thực hiện ngay là nghiên cứu, ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con.

Theo đó, một số nội dung hỗ trợ, khuyến khích cần thí điểm gồm: hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình; phát triển các câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn; tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi,...

BS. Mai Xuân Phương khẳng định không có chuyện kết hôn muộn sau 30 tuổi sẽ bị phạt. Ảnh: Minh Thúy

PV: Xin ông cho biết Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030” sẽ được triển khai trên toàn quốc?

BS. Mai Xuân Phương: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tất nhiên là sẽ triển khai trên toàn quốc. Với những địa phương có mức sinh cao sẽ tiếp tục vận động người dân không kết hôn và sinh con quá sớm, không sinh quá dày, nhiều con. Khẩu hiệu vẫn là "dừng lại ở 2 con để nuôi, dạy cho tốt". Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn chi tiết và cụ thể để các tỉnh, thành triển khai thực hiện hiệu quả chương trình này.

Thực tế, sau khi phân tích số liệu thống kê kết quả điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình hàng năm về nhân khẩu học, chúng tôi nhận thấy các địa phương có mức sinh cao thì độ tuổi kết hôn và sinh con sớm (từ 20-24 tuổi). Nơi có mức sinh thấp hoặc rất thấp thì thanh niên có xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn (từ 25-29 tuổi).

Những người mẹ hiếm muộn hạnh phúc bên cạnh đứa con ra đời từ hỗ trợ sinh sản. Ảnh minh họa

Về sinh học, phụ nữ sinh con trước 30 tuổi sẽ rất tốt cho cả mẹ và trẻ. Sinh con muộn phụ nữ sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ như: huyết áp cao, con bị dị tật bẩm sinh, mang đa thai,.... Vì vậy, nếu phụ nữ 30 tuổi mới sinh con thứ nhất thì thường 5 năm sau mới sinh con thứ 2; còn sau 30 tuổi mới sinh con thứ nhất thì cũng sau 5 năm mới sinh con thứ 2. Sinh con muộn không tốt cho cả mẹ và con.

Chính vì vậy, chúng tôi khuyến khích thanh niên kết hôn trước 30 tuổi; phụ nữ sinh con thứ 2 trước tuổi 35 để vừa đảm bảo sức khỏe, vừa góp phần tăng tỷ suất sinh ở những nơi có mức sinh thấp.

Trong xã hội hiện đại, nhiều người độc thân vẫn có con, nhưng số lượng không phổ biến nên chúng tôi không đưa vào chương trình.

PV: Người dân có được khuyến khích sinh con thứ 3 không thưa ông?

BS. Mai Xuân Phương: Việc bãi bỏ quy định của tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên không có nghĩa người dân hoặc cán bộ, đảng viên được khuyến khích sinh con thứ 3. Hiện nay, thông điệp: “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ hai con để nuôi dạy con tốt” vẫn giữ nguyên giá trị

Trước đây, nhiều địa phương thường đặt tiêu chí về dân số kế hoạch hóa gia đình là các thôn, xã, làng bản, huyện,... không có người sinh con thứ 3 trở lên. Từ nay, những tiêu chí này cần được bãi bỏ để không tạo tâm lý cho người dân rằng nhà chức trách đang thực hiện chính sách giảm sinh.

Mục đích chính của “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030” nhằm điều chỉnh mức sinh, hay nói cách khác là có các chính sách thích hợp từ khuyến khích giảm sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao sang duy trì mức sinh thay thế - mỗi phụ nữ có trung bình 2,1 con.

Cặp vợ chồng hạnh phúc khi có được đứa con mơ ước. Ảnh minh họa

Các địa phương có chính sách thí điểm sẽ khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con thông qua việc hỗ trợ mua nhà ở xã hội, thuê nhà, ưu tiên vào trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em, xây dựng kinh tế gia đình. Những người không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn sẽ tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng.

Trong Chương trình này, Chính phủ sẽ giao các địa phương phân tích tình hình thực tế để áp dụng thí điểm các biện pháp trên cho phù hợp. Sau khi kết thúc thí điểm, sẽ tổng kết, đánh giá để đưa ra những quyết sách chính thức phhù hợp, thuyết phục và hiệu quả.

PV: Quyết định của Thủ tướng có ý nghĩa như thế nào trong thời điểm hiện tại thưa ông?

BS. Mai Xuân Phương: Quyết định phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030” ra đời vào thời điểm trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 13, kết thúc Chương trình Dân số giai đoạn 5 năm (2015-2020) và chuẩn bị cho Chương trình Dân số và Phát triển 5 năm tiếp theo giai đoạn 2021-2025.

Đây là một chủ trương rất kịp thời, sáng suốt của Thủ tướng Chính phủ không chỉ đánh giá được những thành tựu đáng ghi nhận của chương trình dân số trong 5 năm qua (2015-2020) cũng như hoạch định Chương trình công tác dân số 5 năm tới (2021-2025) và cũng rất phù hợp với tình hình thực tế của nước ta hiện nay, nhất là chúng ta đang trong thời điểm phòng, chống Đại dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp.

PV: Cảm ơn ông!

Minh Thúy

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/bs-mai-xuan-phuong-khong-co-chuyen-ket-hon-muon-sau-30-tuoi-se-bi-phat-389125.html