BRT Hà Nội cào đường nhựa, đổ bê tông: Trình non, hay...?

Những sai phạm tại buýt nhanh BRT đều đã được cảnh báo trước, nhưng vì sao không được lắng nghe?

Nhìn đã thấy lãng phí

TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, những sai phạm tại dự án buýt nhanh BRT Hà Nội cho thấy cảnh báo trước đây đã thành hiện thực.

Buýt nhanh cũng khó nhanh được. Ảnh: LĐO

Theo TS Thủy, ngay từ khi nắm được chủ trương sẽ thực hiện dự án BRT, ông đã nói thẳng là phải đánh giá kỹ lưỡng giữa hiệu quả và chi phí thực hiện dự án này. Nhất là trong bối cảnh hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, nhiều điểm nghẽn giao thông chưa được giải quyết, tình trạng ùn tắc còn xảy ra nghiêm trọng thì việc thiết kế đường riêng, xây dựng hệ thống nhà chờ mới, hệ thống cầu đi bộ riêng... nhìn đã thấy lãng phí, không khả thi.

Chỉ rõ từng điểm, ông phân tích:

Thứ nhất, vận dụng thí điểm mô hình thế giới nhưng lại không cân nhắc, tính toán trong bối cảnh của Việt Nam vì thế, buýt nhanh nhưng không nhanh, không thể phát huy được tối đa hiệu quả vận chuyển.

Thứ hai, trong điều kiện hiện tại Hà Nội hoàn toàn có thể tận dụng hệ thống hạ tầng có sẵn, không cần xây dựng quá nhiều nhà ga hoành tráng, to lớn, tốn kém như vậy.

Thứ ba, việc lựa chọn, đặt vị trí các nhà chờ cũng không phù hợp, không thuận lợi cho phương tiện vận chuyển cũng như người tham gia giao thông. Đặc biệt, việc thiết kế vị trí các nhà chờ ở giữa tuyến đường thay vì tận dụng các nhà chờ ven đường sẽ gây tốn kém, phát sinh các khoản chi mới, đặc biệt là các khoản chi xây dựng cầu đường bộ vừa tốn kém, vừa mất mỹ quan.

Thứ tư, hệ thống đường bộ được thiết kế chắc chắn, đủ tiêu chuẩn đáp ứng các phương tiện vận tải lớn, ví dụ như xe tải... không có lý gì lại không đáp ứng được yêu cầu đi lại của BRT.

Về bản chất, buýt nhanh BRT không khác buýt thường, tốc độ vận chuyển chỉ tương đương, khối lượng vận chuyển cũng chỉ tương đương, vậy lý gì phải cào đường nhựa để trải bê tông? Nếu không trả lời rõ, dư luận rất dễ hiểu rằng có sự khuất tất.

Thứ năm, giá mua xe buýt nhanh quá đắt, với mức giá trên thay vì mua buýt nhanh Hà Nội hoàn toàn có thể sử dụng để nâng cấp, cải tạo, phát triển tốt hơn hệ thống buýt công cộng đang vận hành.

"Đó là tất cả những vấn đề tôi từng đề cập, song những góp ý của tôi đã không được chủ đầu tư cũng như các cơ quan quản lý của Hà Nội lắng nghe, tiếp thu một cách đầy đủ, khách quan.

Bây giờ kết quả thanh tra đã có, những sai phạm đã chỉ ra rất rõ, sai từ công tác khảo sát, đấu thầu, thi công cho tới sai trong đấu thầu, mua bán xe buýt... tất cả đều nằm trong cảnh báo từ trước đó.

Một dự án gây thất thoát quá nhiều, đội vốn lớn nhưng hiệu quả thì quá thấp là khó chấp nhận được", TS Nguyễn Xuân Thủy thẳng thắn.

Từ những bất cập nói trên, vị TS cho rằng cần phải làm rõ mục đích, động cơ liên quan tới quyết tâm thực hiện dự án trên. Theo ông Thủy, chỉ khi làm rõ được như vậy thì mới có cơ sở để trả lời một cách minh bạch, rõ ràng trước dư luận rằng: Sai phạm của dự án là do vô tình hay cố ý? Là do trình độ non kém hay còn có chuyện cố ý vẽ vời dự án của nhóm lợi ích?

BRT Hà Nội: Vẽ vời cào đường nhựa, đổ bê tông

Có phụ thuộc bên ngoài?

Một vấn đề nữa cũng được vị TS đề cập, đó là dư luận liên quan tới nguồn vốn vay ODA để thực hiện dự án trên. Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, việc sử dụng nguồn vốn ODA để phát triển hạ tầng là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách còn eo hẹp, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển hạ tầng còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo nếu vay nhiều nhưng chi tiêu không hiệu quả sẽ có nguy cơ phụ thuộc vào nguồn vốn vay. Đặc biệt là nguy cơ gây lãng phí, làm gia tăng nợ công. Do đó, hiệu quả sử dụng dòng vốn ODA phải luôn được tính toán, giám sát chặt chẽ. Về phía Việt Nam cũng cần có phương án chủ động trong điều tiết, sử dụng dòng vốn vay ODA cho đúng mục đích, tránh tình trạng thực hiện dự án theo gợi ý của đơn vị tài trợ vốn nhưng lại chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cũng cần phải tăng cường công tác quản lý, giám sát quá trình sử dụng nguồn vốn vay thật chặt chẽ, hiệu quả hơn, tránh những nghi ngại về lợi ích nhóm, tham nhũng, tư lợi tại các dự án sử dụng dòng vốn trên.

Trở lại dự án buýt nhanh BRT của Hà Nội, vị TS nhấn mạnh, TTCP đã chỉ ra sai phạm rõ ràng như vậy thì vấn đề trách nhiệm cũng phải được thực hiện nghiêm túc.

"Sử dụng một đồng của người dân đều phải cân nhắc, không thể tùy tiện", TS Nguyễn Xuân Thủy nói rõ.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/brt-ha-noi-cao-duong-nhua-do-be-tong-trinh-non-hay-3366071/