BRICS xem xét mở rộng: Mục tiêu lớn về củng cố vị thế toàn cầu

Ngoại trưởng của nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi BRICS đã nhóm họp tại Nam Phi vào ngày 1-2/6 để thảo luận về các vấn đề địa chính trị cấp bách, bao gồm cả lần mở rộng đầu tiên của khối trong hơn một thập kỷ, theo Japan Times.

Tại cuộc họp này, Ngoại trưởng Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE đã cùng tham dự với người đồng cấp Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – các thành viên chính thức của BRICS.

Theo trang Al-monitor, Iran đã nộp đơn vào năm ngoái để tham gia BRICS với tư cách là một quốc gia quan sát viên. Còn Saudi Arabia cũng đang trong tiến trình thảo luận để tham gia ngân hàng cho vay của BRICS, Ngân hàng Phát triển Mới NDB, trang Financial Times đưa tin tuần trước.

Được Trung Quốc đề xuất lần đầu tiên khi nước này làm chủ tịch nhóm vào năm ngoái, việc mở rộng của khối BRICS theo kế hoạch sẽ tăng cường đại diện từ các quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Á. Danh sách các quốc gia quan tâm bao gồm Ai Cập, Nigeria, Mexico, Iran, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác.

Ngoại trưởng các quốc gia BRICS chụp ảnh cùng một số đại diện châu Phi và Nam bán cầu ngày 2/6 tại Cape Town. Ảnh: Al- Monitor/BNG Ấn Độ

Ngoại trưởng các quốc gia BRICS chụp ảnh cùng một số đại diện châu Phi và Nam bán cầu ngày 2/6 tại Cape Town. Ảnh: Al- Monitor/BNG Ấn Độ

Thế giới đang phát triển đa dạng hóa nền tảng hợp tác

Đại sứ Nam Phi tại BRICS Anil Sooklal cho biết: "Đây là một tin tích cực đối với khối, vì nó thể hiện niềm tin của Global South (Nam bán cầu) đối với sự lãnh đạo của nhóm chúng tôi.

Theo từ điển Cambridge, Nam bán cầu (Global South) là thuật ngữ dùng để gọi nhóm các nước ở châu Phi, Mỹ Latin và các khu vực đang phát triển thuộc châu Á.

Theo Japan Times, có khoảng 100 nước thuộc diện này và tiếng nói của họ vẫn chưa thực sự được lắng nghe. Và do đó, ông Sooklal cho rằng BRICS đang cố gắng tạo ra một trật tự quốc tế "bao trùm hơn" nhằm "giải quyết các đường đứt gãy hiện có trên toàn cầu, về cả địa chính trị, kiến trúc địa kinh tế và tài chính."

Ông Sooklal nhận định: "Các quốc gia này muốn có tiếng nói lớn hơn trong cấu trúc toàn cầu đang phát triển. Họ muốn nhìn thấy một thế giới đa cực, đa văn hóa và đa văn minh và là nơi họ có nhiều sự độc lập và lựa chọn hơn để xác định điều gì có lợi nhất cho họ."

Ryan Berg, giám đốc Chương trình châu Mỹ tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS có trụ sở tại Washington, cho biết: "Thật vậy, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến vị thế của BRICS trở nên phù hợp hơn. Đối với nhiều quốc gia Nam bán cầu, các tổ chức đa phương là tập hợp của họ có thể giúp duy trì quyền tự chủ về chính sách trong một phạm vi nào đó".

Sebastian Maslow, giảng viên tại Đại học Sendai Shirayuri, cho biết sự tham gia ngày càng tăng với các khuôn khổ đa phương khác nhau cho thấy rằng quyền lực và lợi ích quốc gia đang nhanh chóng được đa dạng hóa trong thế giới ngày nay.

Ông Maslow đánh giá: Nếu được mở rộng, nhóm BRICS dự kiến sẽ cung cấp cho các nền kinh tế mới nổi khác một nền tảng để ủng hộ lợi ích của họ và phối hợp hành động.

Điều quan trọng cần lưu ý là hầu hết các quốc gia đang tìm cách gia nhập BRICS không coi nhóm G7 là đối thủ và cũng không nhất thiết phản đối trật tự quốc tế tự do. Mà họ chỉ muốn phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế ngày càng khó đoán, tờ Japan Times đánh giá.

Nguồn tài chính đáng kể

Các nước BRICS có truyền thống tập trung nhiều hơn vào các vấn đề phát triển so với G7. Các chuyên gia cho biết nhóm này cũng có xu hướng linh hoạt hơn trong các cơ chế quản trị, vốn thường áp dụng các chuẩn mực, quy tắc và thông lệ rất nghiêm ngặt khi nói đến kinh tế và tài chính.

Joe Sullivan, cựu quan chức Nhà Trắng, hiện làm việc tại công ty tư vấn kinh tế The Lindsey Group, cho biết lý do chính đằng sau trọng tâm phát triển này là các quốc gia Nam bán cầu cho rằng Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới không thể đại diện cho tiếng nói của họ.

Ông Sullivan nói: "Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia này thiếu một sự thay thế đáng tin cậy cho các thể chế kinh tế phương Tây. Nhưng điều đó đã thay đổi với sáng kiến BRICS". Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng lộ trình mở rộng thành viên sẽ mang lại cho BRICS nhiều đòn bẩy và uy tín hơn, và đồng thời cả vị thế thương lượng.

Một số chuyên gia khác thì cho rằng các quốc gia mới có thể tiếp cận nguồn tài chính rộng mở hơn thông qua các cơ chế của BRICS, bao gồm NDB, so với trước đây chỉ có thể tìm đến IMF hoặc WB.

Stefanie Kam, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam có trụ sở tại Singapore, cho biết nhóm BRICS muốn tập trung thúc đẩy quan hệ với các quốc gia mới về vấn đề kinh tế và phát triển chung, thay vì các vấn đề chính trị và an ninh.

Các thành viên BRICS hiện tạo thành khối kinh tế lớn nhất thế giới theo sức mua tương đương (PPP). GDP cả nhóm này, chiếm 31,5% GDP thế giới, gần đây đã vượt qua G7 với 30,7%, theo dữ liệu được công ty nghiên cứu kinh tế Acorn Macro Consulting có trụ sở tại Vương quốc Anh công bố.

Và khoảng cách đó, cùng với ảnh hưởng kinh tế của BRICS, dự kiến sẽ tăng lên trong năm nay, đặc biệt nếu có nhiều quốc gia đang muốn tham gia. Kể từ khi được thành lập vào năm 2006, BRICS mới chỉ mở rộng một lần, với việc để Nam Phi gia nhập vào năm 2011.

Tuy nhiên, cũng có những thách thức lớn phía trước. Mặc dù việc mở rộng theo kế hoạch sẽ chứng tỏ sức hấp dẫn của BRICS, nhưng động thái này cũng có nguy cơ làm giảm lợi ích của tư cách thành viên. Thêm vào đó, số lượng thành viên ngày càng tăng cũng có nghĩa là sự đồng thuận về các vấn đề chính có thể khó đạt được hơn nhiều so với nhóm G7 với số thành viên cố định. Cả hai vấn đề này có thể sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh năm nay vào tháng 8 tới.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/brics-xem-xet-mo-rong-muc-tieu-lon-ve-cung-co-vi-the-toan-cau-20230605110411569.htm