BRICS và những rạn nứt chất chồng

Mới đây, khối BRICS với các nước thành viên là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã cùng thảo luận về tình hình và triển vọng hợp tác nội khối, về ổn định và an ninh toàn cầu cũng như quan điểm về những nỗ lực chung nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19.

Theo những gì được nhắc đến trong cuộc họp, BRICS đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới; tăng cường hợp tác đối phó với hàng loạt vấn đề quốc tế và khu vực như môi trường và an ninh khu vực, chủ nghĩa khủng bố quốc tế, buôn lậu, an ninh mạng…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được và nhiều mục tiêu đề ra đầy tham vọng, không thể phủ nhận rằng trong BRICS luôn tồn tại những bất đồng về lợi ích kinh tế, chính trị và an ninh. Một bài bình luận trên tạp chí The Diplomat đặt câu hỏi rằng, liệu BRICS có thể không đơn thuần chỉ là một “diễn đàn đối thoại thiếu hiệu quả” hay không?

Tại cuộc họp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc đến “an ninh trong lĩnh vực nghiên cứu dịch bệnh toàn cầu” và cho rằng “các nước BRICS tin tưởng vào sự ưu việt của luật pháp quốc tế”, khẳng định Tổ chức Y tế thế giới là thể chế hàng đầu trong trận tuyến chống dịch. Ông cũng nhấn mạnh khi đã kiểm soát được dịch bệnh, mối quan tâm nên được chuyển hướng sang vấn đề phục hồi kinh tế, và “Trung Quốc có thể một lần nữa đóng vai trò lãnh đạo”.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhắc đến việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã “bật dậy mạnh mẽ sau cú lao dốc hồi đầu năm”, khẳng định “mô hình phát triển tuần hoàn mới, nơi các vấn đề quốc tế và nội địa cùng tác động qua lại và thúc đẩy nhau sẽ góp phần cải thiện nền kinh tế toàn cầu” cũng như “sửa chữa những thiệt hại bắt nguồn từ các chính sách bảo hộ của một số quốc gia”.

Theo ông, sẽ có “những trục trặc trong quá trình” song “mối quan hệ dựa trên lòng tin giữa các nước BRICS có thể đóng vai trò như một nhân tố cực kỳ ổn định trong quá trình chuyển giao chính trị và kinh tế toàn cầu chưa từng có tiền lệ, ở thời điểm thế giới bắt đầu tiến đến những mô hình mới”.

Nhiều rạn nứt đang diễn ra trong nội bộ BRICS. Ảnh tư liệu

Nhiều rạn nứt đang diễn ra trong nội bộ BRICS. Ảnh tư liệu

Những tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình về sự ưu việt của luật pháp quốc tế và những mối quan hệ dựa trên lòng tin trong nội bộ BRICS chắc chắn không tránh khỏi hoài nghi bởi những hành vi kinh tế thiếu thiện chí mà Trung Quốc nhằm vào nhiều nước láng giềng và thậm chí là cả các đối tác.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng nhắc đến tác động của đại dịch Covid-19 và quá trình cải cách mà Chính phủ Ấn Độ đã thúc đẩy nhằm đưa nền kinh tế trở lại lộ trình. Ông Modi nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc cải tổ các thể chế đa phương như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), song trọng tâm các phát biểu của ông là về chủ nghĩa khủng bố, vấn đề mà nhà lãnh đạo Ấn Độ cho là “thách thức lớn nhất hiện nay”.

Không chắc các thành viên khác trong BRICS chia sẻ quan điểm này của Ấn Độ về thách thức liên quan đến chủ nghĩa khủng bố, song đó không phải là vấn đề duy nhất. Hội nghị cấp cao BRICS diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ và Trung Quốc vẫn đang xung đột gay gắt tại khu vực biên giới.

BRICS, một nền tảng đa phương, không thể giải quyết các vấn đề song phương và bởi vậy cũng dễ hiểu khi người ta khó có thể kỳ vọng sẽ có những giải tỏa nào đó liên quan tới các khúc mắc này sau hội nghị. Hơn thế nữa, trong bối cảnh cuộc họp lần này được tiến hành theo hình thức trực tuyến, khả năng có các cuộc đối thoại song phương không chính thức bên lề hội nghị gần như là điều bất khả thi.

Những bất đồng về lợi ích kinh tế, chính trị và an ninh của BRICS đã không ngừng tăng trong suốt 2 thập kỷ qua. Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong khi Brazil, Nga và Nam Phi vẫn còn cách xa các mục tiêu từng được đề ra khi BRICS thành lập.

Về mặt chính trị, khối cũng tồn tại không ít chia rẽ. Trung Quốc và Nga có mục đích chính trị bài Mỹ khi đến với BRICS, một tiêu chí không đồng điệu với các lợi ích của Ấn Độ, nhất là bởi New Delhi đã có những đầu tư mạnh mẽ trong việc xây dựng và nuôi dưỡng mối quan hệ với Mỹ và tham gia nhóm Bộ tứ cũng như nhiều cơ chế ba bên tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Việc Ấn Độ làm việc với Trung Quốc theo định dạng BRICS, trong khi mục tiêu của Bộ tứ và nhiều tập hợp tương tự khác lại là kiềm chế và ngăn chặn những hành vi hung hăng đầy quyết liệt của Trung Quốc, càng khiến bất đồng trở nên trầm trọng hơn.

Rõ ràng, BRICS không thể là một tổ chức quân sự và an ninh với những khác biệt nghiêm trọng giữa các thành viên, nhất là giữa Ấn Độ, Nga và Trung Quốc. Thành công của những tổ chức như BRICS có được hay không phụ thuộc vào tình trạng các mối quan hệ song phương giữa những nước thành viên trong nhóm.

Mục tiêu của Ấn Độ trong BRICS có thể là nỗ lực thể hiện rằng họ có quyền tự chủ chiến lược và có thể giao thiệp với mọi cường quốc cho dù bất đồng là gì. Mục tiêu này có thể thỏa mãn một chương trình nghị sự đối nội giới hạn nào đó, song khi xung đột ngày càng lớn, những câu hỏi về tương lai của BRICS và hiệu quả của tập hợp này sẽ ngày một nhiều hơn.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/brics-va-nhung-ran-nut-chat-chong-218332.html