Brexit 'xé tan' quyền lực của Thủ tướng Theresa May

Thủ tướng Anh Theresa May đặt cược tất cả mọi thứ để có được thỏa thuận Brexit mà bà đã ký với Brussels. Tuy nhiên, việc Hạ viện Anh bác bỏ dự thảo thỏa thuận Brexit sửa đổi lần thứ hai trong cuộc bỏ phiếu hôm 12-3 vừa qua đã khiến cho quyền lực của bà bị hủy hoại nghiêm trọng.

Một lần nữa, thỏa thuận Brexit của nữ Thủ tướng Anh lại vấp phải sự phản đối của giới nghị sĩ, thậm chí cả chính nghị sĩ trong đảng Bảo thủ cầm quyền của bà.

Thất bại về năng lực lãnh đạo

Kết quả với 242 phiếu thuận và 391 phiếu chống cho thấy nhiều thành viên Bảo thủ đã cùng những đồng sự cánh hữu và cánh tả thuộc Công đảng, đảng Dân tộc Scotland, nhóm Nghị sỹ độc lập và Dân chủ tự do, bỏ phiếu phản đối thỏa thuận Brexit mà nhà lãnh đạo Anh đề xuất. Trong số này phần lớn là thành viên Nhóm Nghiên cứu châu Âu (ERG) có ảnh hưởng trong Đảng Bảo thủ.

Hạ viện Anh sau đó tiếp tục phản đối kịch bản Brexit “không thỏa thuận” và giờ họ chuẩn bị bước vào một cuộc bỏ phiếu mới về việc có yêu cầu EU gia hạn thời gian thực thi Điều 50 Hiệp ước Lisbon hay không, một lộ trình hoàn toàn có thể mở ra “chiếc hộp Pandora” khiến bà May phải từ nhiệm, dẫn tới một cuộc tổng tuyển cử hoặc một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai. Đây là kịch bản mà chính những người ủng hộ Brexit mạnh mẽ nhất trong ERG đã gián tiếp tạo ra.

Sau thất bại nói trên tại Hạ viện, Thủ tướng May vẫn tiếp tục khẳng định rằng thỏa thuận của mình là sự lựa chọn tốt nhất, song như đã cam kết, bà cũng cho phép các nghị sĩ bỏ phiếu về việc liệu có nên để Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận hay không. Do đối mặt với nguy cơ bị phản đối một lần nữa, Thủ tướng Anh cũng nói rằng các nghị sĩ đảng Bảo thủ có thể bỏ phiếu như họ lựa chọn - một động thái mà giới phân tích nhận định rằng bà May không còn quyền kiểm soát nào đối với chính đảng của bà.

Alice Lilly, một chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính phủ Anh nhận định, "đối với một chính phủ không có khả năng điều khiển chính các nghị sĩ của đảng mình về một trong những chính sách quan trọng nhất thì điều này chắc chắn là... không bình thường." Trong khi đó, nghị sĩ Công đảng đối lập Lou Haigh bình luận: "Thủ tướng đã mất hết quyền kiểm soát. Nếu bà ấy còn sót lại sự lịch sự nào thì bà ấy đã từ chức rồi".

Thủ tướng May được biết đến là một nhà lãnh đạo cứng rắn và bà cũng không hề mủi lòng khi được miêu tả là một "phụ nữ cực rắn." Tuy nhiên, nỗ lực của bà nhằm tìm kiếm những thay đổi cho thỏa thuận "ly hôn" với EU chỉ vài tuần trước thời hạn chót 29-3 và bất chấp việc EU cảnh báo những yêu cầu thay đổi của bà là không thể thực hiện được, đã thử thách lòng kiên nhẫn của các nghị sĩ. Các Bộ trưởng ủng hộ châu Âu đã bất bình, yêu cầu bà May thực hiện cuộc bỏ phiếu trì hoãn quá trình Brexit hơn là để Anh rời khỏi khối này mà không có thỏa thuận nào.

Trong khi đó, nhiều nghị sĩ hoài nghi châu Âu lại "xây xẩm mặt mày" trước thất bại của bà khi không thể thực hiện tiến trình "ly hôn" mang tính quyết định như đã cam kết trước đó. Bình luận sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện hôm 12-3, ông Nigel Farage, người đứng đầu trong cuộc vận động đưa nước Anh rời EU nhấn mạnh rằng "đây là một sự thất bại hoàn toàn về năng lực lãnh đạo".

Thủ tướng Theresa May .

Thủ tướng Theresa May .

Thiếu ý tưởng hoặc kỹ năng dẫn dắt

Bà May lên nắm quyền lãnh đạo Chính phủ Anh sau cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2016 và ấp ủ việc đưa "xứ sở sương mù" rời khỏi EU với khẩu hiệu "Brexit tức là Brexit". Cam kết của bà đưa Anh rời khỏi các thể chế của EU và chấm dứt tình trạng dịch chuyển tự do của người lao động đã làm hài lòng những nghị sĩ hoài nghi châu Âu, song lại khiến nhiều nghị sĩ ủng hộ châu Âu thất vọng. Sự chia rẽ trong nội bộ đảng Bảo thủ của bà May đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng sau cuộc bầu cử sớm hồi tháng 6-2017.

Cuộc bầu cử này cũng lấy đi của bà May và đảng Bảo thủ thế đa số ghế ở quốc hội Anh. Bà May đã buộc phải ký một thỏa thuận với Đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland và kể từ đó bà đã vật lộn để duy trì sự gắn kết của đảng Bảo thủ với các đảng phái liên minh khác. Tạp chí Spectator theo đường lối đảng Bảo thủ nhận định rằng, "ban đầu, bà dường như là người đóng vai trò hợp nhất, nhưng sau đó lại tỏ ra quá ít can đảm, thiếu ý tưởng hoặc kỹ năng để dẫn dắt quá trình đàm phán Brexit".

Theo hãng tin AFP (Pháp), vốn là người kín tiếng và phụ thuộc vào chồng - ông Philip - cùng một số phụ tá thân cận, Thủ tướng May thường nói rằng bà chỉ thầm lặng "xúc tiến công việc". Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử cuối cùng, bà đã phải rất khó khăn để có thể tập hợp được sự ủng hộ của cử tri và đã bị chỉ trích khi lặp lại nhiều lần những câu trả lời và bài phát biểu của mình. Trong khi đó, giới chỉ trích lại phàn nàn về những khó khăn tương tự khi trao đổi liên lạc trong các cuộc đàm phán Brexit. Ông Matthew Parris - một cựu nghị sĩ đảng Bảo thủ phản đối Brexit đã miêu tả Thủ tướng May là "một hiện thân sống động của cánh cửa đóng kín".

Bà May đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong chính nội bộ đảng Bảo thủ về vấn đề Brexit hồi tháng 12, giúp bà không phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần 2 trong vòng 1 năm. Dù vậy, bà đã buộc phải cam kết từ chức trước khi cuộc bầu cử tiếp theo dự kiến diễn ra vào năm 2022. Văn phòng Thủ tướng May thông báo bà không có ý định từ chức sau cuộc bỏ phiếu ngày 12-3.

Ông James Cleverly, Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ, nói rằng bà không muốn từ chức vì muốn thực hiện Brexit như cam kết, song chính trị gia này bình luận rằng "nữ Thủ tướng Anh đang phải vượt qua chặng đường hết sức khó khăn với hàng loạt tình huống bất thường đặt ra trước mặt".

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/brexit-xe-tan-quyen-luc-cua-thu-tuong-theresa-may-140336.html