Brexit và chủ nghĩa bảo hộ bao trùm APEC

Hai sự kiện Brexit và bầu cử Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng tiêu cực tới bối cảnh đầu tư vào các nền kinh tế trong APEC.

Nhiều lãnh đạo APEC lo ngại việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đe dọa tự do thương mại

Hôm qua (20/11), Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) với sự tham gia của lãnh đạo đến từ 21 nền kinh tế tại Thủ đô Lima, Peru khép lại. Phủ bóng trước thềm và trong hội nghị thượng đỉnh lần này là nỗi lo lắng chủ nghĩa bảo hộ kinh tế đang lên tại Anh, Mỹ sẽ gây ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.

Chủ nghĩa bảo hộ đe dọa kinh tế

Hội nghị thượng đỉnh APEC 2016 tại Peru diễn ra trong bối cảnh Anh đang rục rịch khởi động tiến trình rời Liên minh châu Âu (Brexit) có thể dẫn tới các chính sách bảo hộ kinh tế và ông Donald Trump, người kịch liệt phản đối thương mại tự do, trở thành Tổng thống mới đắc cử của Mỹ.

Kể từ khi tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump luôn mạnh mẽ tuyên bố xóa bỏ Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), áp thuế cao đối với Trung Quốc và Mexico… để bảo vệ nguồn việc làm và các lợi ích kinh tế cho Mỹ. Ngay trước thềm hội nghị, rất nhiều cuộc họp cấp cao trong khuôn khổ APEC như Hội nghị thượng đỉnh các giám đốc điều hành APEC (APEC CEO), cuộc họp của Hội đồng Cố vấn doanh nghiệp APEC, các quan chức, doanh nghiệp đều bày tỏ nỗi lo ngại về tình hình chủ nghĩa bảo hộ kinh tế đang lên tại Anh, Mỹ.

Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh APEC CEO Alfonso Bustamante cho rằng, hai sự kiện Brexit và bầu cử Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng tiêu cực tới bối cảnh đầu tư vào các nền kinh tế trong APEC. “Thế giới ngày hôm nay sau trưng cầu dân ý Brexit và bầu cử Mỹ đang có xu hướng khép biên giới lại… Chúng ta cần phải lên tiếng bởi cách duy nhất để phát triển là thông qua sự cởi mở giữa các biên giới”, ông Bustamante nhấn mạnh.

Tại hội nghị, phần lớn lãnh đạo các nước vẫn cam kết ở mức cao, đảm bảo tự do hóa kinh tế. Tổng thống Peru Pablo Kuczynski kêu gọi: “Về căn bản, thương mại thế giới đang tăng trưởng trở lại. Vì vậy, chúng ta cần đánh bại chủ nghĩa bảo hộ kinh tế”. Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long cũng khẳng định: “Phản ứng đóng cửa, bảo hộ kinh tế, đổ lỗi cho toàn cầu hóa tại các nước phát triển chỉ càng làm cho tình hình kinh tế thêm tồi tệ”.

Tờ The Guardian nhận định, kết quả cuộc bầu cử Mỹ tạo cơ hội cho Trung Quốc vươn lên trong phong trào mở cửa thương mại. “Không nghi ngờ gì, nếu TPP thất bại, đó sẽ là chiến thắng cho Trung Quốc cả về chính trị và kinh tế”, ông Brian Jackson, nhà kinh tế học Trung Quốc đến từ tổ chức cố vấn IHS Global Insight cho biết.

Tránh chỉ trích trực tiếp ông Trump

Mặc dù phần lớn các quan chức châu Á - Thái Bình Dương đều tỏ ra lo ngại, cảnh báo nguy hiểm nếu xa rời toàn cầu hóa và thương mại tự do nhưng các lãnh đạo đều dè dặt, tránh chỉ trích trực tiếp ông Donald Trump, theo Reuters. “Bất cứ ai muốn đề xuất chế độ bảo hộ, tôi khuyên họ nên đọc lại sách lịch sử về kinh tế những năm 1930”, Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski nói và không đề cập cụ thể tên người ông muốn gửi thông điệp. Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh Peru, ngày 19/11, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull kêu gọi các lãnh đạo đồng cấp trong khu vực cam kết mở cửa kinh tế và thương mại tự do vì chủ nghĩa bảo hộ là “con đường dẫn đến nghèo đói”.

Song ông Turnbull lựa chọn từ ngữ rất cẩn thận, tránh chỉ trích trực tiếp tới Tổng thống đắc cử của Mỹ. “Tôi nói vậy không phải bắt nước khác làm theo ý của mình. Tôi để chuyện đó cho ông Trump, người chuẩn bị chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, để đấu tranh cho quyền lợi của nước Mỹ, công việc của tôi là Thủ tướng chăm lo cho lợi ích của Australia”, ông Turnbull khéo léo chia sẻ. Thủ tướng Australia tiết lộ, ông dự định gặp mặt Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại New York để bàn về vấn đề này trước khi tới Lima nhưng không thành vì lịch trình đối nghịch nhau. “Chúng tôi đã dự định tổ chức gặp mặt trước đó nhưng không thể lên lịch”, ông Turnbull cho biết.

Trong một nỗ lực trấn an các đối tác tại APEC lần này, hôm qua, đương kim Tổng thống Mỹ Obama kêu gọi các nước không nên vội vàng phán xét chính sách kinh tế của người kế nhiệm Donald Trump và lưu ý: Các nước không nên đặt ra những giả thuyết xấu nhất mà hãy đợi đến khi Chính phủ mới của ông Donald Trump chính thức vận hành. Ông Obama cũng tin tưởng, khi thực sự hiểu TPP, chính quyền mới sẽ xác định được điều gì thực sự tốt cho nước Mỹ và tốt cho đối tác.

Xuân Minh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/brexit-va-chu-nghia-bao-ho-bao-trum-apec-d177214.html