Brexit trước thách thức lịch sử: Những kịch bản được dự báo

Để thỏa thuận Brexit trở thành hiện thực, chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May còn trải qua thách thức mang tính lịch sử, đó là phải nhận được phê chuẩn của Nghị viện Anh. Dù có được phê chuẩn hay không, vẫn còn nhiều kịch bản khác nhau có thể xảy ra.

Cuối cùng, Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra quyết định quan trọng mang tính lịch sử. Tất cả 27 quốc gia thành viên chỉ mất khoảng một giờ đồng hồ để thông qua đề xuất thỏa thuận Brexit. Trước đó, dự thảo thỏa thuận gần 600 trang và bản tuyên bố 26 trang đã được EU và Anh thống nhất. Tại Hội nghị này, ông Jean-Claude Juncker - Chủ tịch Ủy ban châu Âu - đã bày tỏ: “Thật là một ngày buồn. Nhìn thấy một đất nước như Anh rời khỏi EU không phải là một thời khắc vui vẻ, không thể chúc mừng, đó là một thời khắc buồn và là một bi kịch”. Các quan chức EU cũng chia sẻ cảm giác không vui về sự kiện Brexit nhưng nhấn mạnh rằng, EU và Anh vẫn là bạn bè và đối tác.

Các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên EU và Thủ tướng Anh Theresa May tham dự Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt ngày 25/11 tại Brussels

Trường hợp thỏa thuận Brexit được Quốc hội Anh phê chuẩn

Có ý kiến cho rằng, đến 80% cơ hội bỏ phiếu thông qua thỏa thuận hiện tại, có thể ở đợt bỏ phiếu đầu tiên hoặc thứ hai hoặc sau khi cuộc khủng hoảng chính trị lên cao đỉnh điểm. Cuối cùng, vì không có giải pháp nào khác thay thế, Quốc hội Anh phải bỏ phiếu chấp nhận thỏa thuận này.

Nếu Chính phủ Anh vượt qua được sự phản đối hiện tại đối với thỏa thuận Brexit, Anh và EU tiếp tục thực hiện tiến trình đã cam kết trong thỏa thuận. Điều này có nghĩa, Anh sẽ không còn là thành viên của EU từ ngày 29/3/2019 và kể từ thời điểm đó trở đi, giai đoạn chuyển tiếp sẽ bắt đầu, mà trong giai đoạn này, Anh và EU sẽ đàm phán mối quan hệ tương lai giữa hai bên kể cả các thỏa thuận thương mại mới. Giai đoạn chuyển tiếp được thiết lập là 21 tháng, cho đến cuối năm 2020. Tuy nhiên, Anh và EU đã quyết định đánh giá tình trạng đàm phán vào tháng 7/2020 để xem xét có cần thêm thời gian kết thúc đàm phán hay không. Giai đoạn chuyển tiếp có thể kéo dài tối đa thêm hai năm nữa.

Trường hợp thỏa thuận Brexit không được Quốc hội Anh phê chuẩn

Câu chuyện về Brexit sẽ bước sang ngã rẽ khác nếu Quốc hội Anh từ chối thỏa thuận này trong bối cảnh Đảng Lao động Anh, Đảng Dân chủ Bắc Ailen và một số người ủng hộ Brexit cứng rắn trong Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh đã tuyên bố sẽ chống lại thỏa thuận. Kevin Featherstone - người đứng đầu Viện Nghiên cứu châu Âu tại Trường Kinh tế Luân Đôn - ngày 25/11 đã nhận định rằng, “về mặt chính trị, Anh đang ở trong một cuộc khủng hoảng sâu sắc như đã từng xảy ra năm 1945”. Nếu thỏa thuận không được Quốc hội bỏ phiếu, chính phủ có thể phải cố gắng gia hạn thời hạn ngày 29/3/2019 (khi Anh chính thức rời EU) hoặc sẽ phải rời liên minh mà không có thỏa thuận nào.

Kịch bản đầu tiên có thể cho phép chính phủ đàm phán thêm với Quốc hội Anh cho đến khi Hạ viện phê chuẩn thỏa thuận. Để gia hạn thời hạn đó, Anh sẽ phải yêu cầu EU cho phép và được 27 quốc gia thành viên EU chấp nhận yêu cầu. Có thể thấy, đây là kết quả sẽ mang lại rất nhiều bất ổn cả về kinh tế và chính trị.

Kịch bản thứ hai gây lo ngại nhất ở châu Âu và các nhóm doanh nghiệp Anh, đó là một Brexit không có thỏa thuận. Việc rời EU vào tháng 3 năm sau mà không có thỏa thuận có nghĩa là, các quy tắc của WTO sẽ được áp dụng. Điều này chắc chắn sẽ làm tăng thuế quan, chi phí cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Hiện tại, Anh là một thành viên của thị trường chung EU về hàng hóa, nghĩa là giao dịch không bị hạn chế và thuế quan bằng 0. Do đó, sẽ có sự gián đoạn rất lớn và bất ổn định, kể cả trong thị trường năng lượng, cung cấp thuốc biệt dược và thiết bị y tế, cũng như trong ngành công nghiệp ôtô. Trên thực tế, các nhà sản xuất ôtô lớn nhất ở Anh đã cảnh báo nhiều lần, kịch bản Brexit không thỏa thuận sẽ làm tổn hại đến việc nhập khẩu phụ tùng ôtô từ EU để lắp ráp ôtô tại các nhà máy của Anh. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất và buôn bán ôtô (SMMT), việc không có thỏa thuận sẽ duy trì thuế suất bằng 0, các công ty Anh bán phụ tùng sang EU sẽ đối mặt với thuế xuất khẩu bình quân là 4,5%, trong khi các nhà sản xuất ôtô sẽ đối mặt với thuế xuất khẩu 10%.

Hơn nữa, nếu Quốc hội bỏ phiếu từ chối thỏa thuận Brexit, thời hạn 21 ngày sẽ bắt đầu, đó là thời hạn mà Thủ tướng Anh sẽ có 21 ngày để đưa ra tuyên bố về cách thức mà chính phủ sẽ tiến hành tiếp theo. Khi đó, có thể Thủ tướng Theresa May cố gắng được đàm phán lại nhưng các nhà lãnh đạo EU đã tuyên bố rõ ràng vào ngày 25/11 rằng, Anh không có khả năng giành được bất kỳ nhượng bộ đáng kể nào trong vòng thứ hai (tức vòng đàm phán lại). Vì vậy, khả năng này không thể phá vỡ bế tắc đối với Brexit.

Sau Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu đặc biệt ngày 25/11, điểm chung giữa Thủ tướng Anh và 27 người đồng cấp EU đó là, tất cả đều muốn thỏa thuận Brexit được Quốc hội Anh phê chuẩn. Nếu xảy ra việc thất bại trong phê chuẩn thỏa thuận thì trong cách nhìn của Thủ tướng Anh và 27 nhà lãnh đạo EU khác sẽ mang lại sự bất ổn và khó khăn cho tất cả doanh nghiệp, người tiêu dùng và công dân, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, thương mại và vận tải. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker đã nhấn mạnh, thỏa thuận Brexit “là thỏa thuận tốt nhất có thể cho nước Anh, cũng là thỏa thuận tốt nhất có thể cho châu Âu và đây là thỏa thuận duy nhất có thể”. Brussels cũng như Thủ tướng Anh Theresa May đã cố gắng để tuyền tải thông điệp rõ ràng đến các Nghị sĩ Quốc hội Anh rằng, sẽ không có khả năng đàm phán lại nếu họ từ chối thỏa thuận này.

Các nhà lập pháp cũng có thể cố gắng tập hợp phần lớn ý kiến về một Brexit “mềm hơn”. Một số ý kiến muốn Anh ở lại thị trường chung châu Âu, ít nhất là trong giai đoạn tạm thời. Khi đó, một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai được tính tới, nước Anh có cơ hội để thay đổi quyết định và ở lại Liên minh châu Âu, nhưng cuộc bỏ phiếu như vậy sẽ phải được Quốc hội thông qua và có thể mất vài tháng.

Việt Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/brexit-truoc-thach-thuc-lich-su-nhung-kich-ban-duoc-du-bao-112578.html