Brexit - Sự đặt cược mơ hồ

Các nhà lập pháp Anh đã bắt đầu 5 ngày tranh luận để chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra ngày 11/12 tới liên quan tới thỏa thuận 'ly hôn' mà Chính phủ Anh đã ký với Liên minh châu Âu (EU).

Brexit: Đi hay ở? Câu hỏi vẫn chưa có lời đáp

Nhiều khả năng Quốc hội sẽ bác bỏ thỏa thuận, khiến Anh có nguy cơ rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào. Nhưng một kịch bản khác cũng đang dần lộ diện: Không có Brexit nào xảy ra.

Các nhà lập pháp Anh có quan điểm khác nhau về việc một thỏa thuận tốt hơn sẽ như thế nào. Nhiều người ủng hộ Brexit tìm kiếm một sự chia tay dứt khoát với EU, và muốn thay đổi “hàng rào” biên giới Ireland vốn sẽ ràng buộc Vương quốc Anh trong liên minh thuế quan với EU. Tuy nhiên, rất khó để điều này xảy ra. Các nhà lập pháp ủng hộ EU lại muốn một cuộc ly hôn ôn hòa hơn – được gọi là “lựa chọn Na Uy” – giữ Anh trong thị trường chung EU. Liên minh có thể sẽ cởi mở với ý tưởng này, nhưng điều đó có nghĩa là Anh phải đồng ý để người dân từ EU di chuyển tự do sang Anh – một “lằn ranh đỏ” mà nhiều người ủng hộ Brexit của Anh không thể chấp nhận.

Nếu Chính phủ của Thủ tướng Theresa May thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, họ sẽ có 2 tuần để lật ngược kết quả bằng một cuộc bỏ phiếu mới do các nhà lập pháp thực hiện. Nếu điều này cũng thất bại, sẽ có một cuộc bầu cử diễn ra, và quá trình này sẽ mất từ 5-6 tuần. Bất kể Chính phủ mới nào xuất hiện cũng sẽ có rất ít thời gian để giải quyết vấn đề Brexit đầy hóc búa trước ngày 29/3.

“Không có thỏa thuận nào” là kết quả không ai mong muốn, nhưng cũng là một khả năng có thể xảy ra. Nếu thỏa thuận ly hôn không được chấp thuận hoặc thay đổi hoặc tạm dừng, Anh sẽ không còn là thành viên EU từ ngày 29/3/2019. Ngân hàng Anh cảnh báo việc ra đi mà “không có thỏa thuận” có thể đẩy Anh vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong gần một thế kỷ qua. Các doanh nghiệp cảnh báo việc chấm dứt bất ngờ các hiệp định thương mại đã có từ lâu với EU có thể khiến các cảng biển của Anh tắc nghẽn và dẫn đến tình cảnh thiếu hụt lương thực, thuốc men.

Trong khi đó, chiến dịch tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit đang ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ bởi những khó khăn và phức tạp của quá trình ly hôn đã trở nên rõ ràng. Tuy nhiên, Chính phủ đã phản đối mạnh mẽ, và vẫn chưa rõ liệu đa số các nhà lập pháp có ủng hộ ý tưởng này trong cuộc bỏ phiếu Quốc hội hay không. Nhiều chính trị gia ủng hộ EU muốn có sự lựa chọn giữa việc từ bỏ các điều khoản được đề xuất và ở lại EU, song những người khác lại cho rằng việc ra đi mà không có thỏa thuận nào cũng là một sự lựa chọn. Tuy nhiên, rõ ràng là bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào cũng sẽ khiến dân chúng bất đồng quan điểm như lần đầu tiên. Cũng không còn đủ thời gian để tổ chức một cuộc trưng cầu trước ngày 29/3/2019, do đó Brexit sẽ phải tạm dừng – và điều đó đòi hỏi sự chấp thuận của EU.

Chính phủ cho biết việc dừng Brexit sẽ phản bội quyết định của những cử tri đòi rời khỏi EU. Tuy nhiên, một số nhà lập pháp muốn được coi đây là một sự lựa chọn và đã yêu cầu tòa án hàng đầu châu Âu cân nhắc xem liệu Anh có thể đơn phương thay đổi quyết định về Brexit. Hôm 4/12, Tổng chưởng lý Tòa án Tư pháp châu Âu cho biết theo quan điểm của ông, điều đó có thể xảy ra. Toàn bộ phán quyết của tòa án sẽ được đưa ra trong vài tuần.

Thật khó để dự đoán kết quả nào có thể xảy ra. Những người "đặt cược" không biết rõ quá trình Brexit sẽ kết thúc như thế nào, dù có vẻ khá chắn chắn rằng bà May sẽ không nhận được sự gật đầu của Quốc hội đối với thỏa thuận của mình vào tuần tới. Đây là tình huống mà một số nhà khoa học tính xác suất gọi là sự mơ hồ hoàn toàn.

Vĩnh Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/brexit-su-dat-cuoc-mo-ho.aspx