Brexit phá sản, EU cải tổ và sự lên ngôi của 'chủ nghĩa dân túy'

Brexit sẽ bị phá sản, nhưng kèm theo điều kiện quan trọng, đó là EU phải cải tổ để làm hài lòng hơn các thành viên.

Từng là cường quốc lãnh đạo thế giới trong thế kỷ 18, 19, Anh quốc luôn có cho mình vị trí đặc biệt ở châu Âu, họ tuy tham gia xây dựng Liên minh này nhưng vẫn giữ cho mình “sự ngoại lệ”.

Cụ thể như họ không tham gia khu vực đồng tiền chung Eurozone, trong khi đồng Bảng có quyền lực rất lớn.

Năm 2015, Đảng bảo thủ của ông Cameron giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử lần hai, nhằm tận dụng thế và lực đang lên, ông gây sức ép với châu Âu để đàm phán lại những điều khoản có lợi hơn cho Anh.

Ông Cameron sau đó “đánh đòn gió” trưng cầu dân ý về mối quan hệ giữa Anh và EU, nhưng không ngờ sa vào bẫy của phe đối lập nên cuộc bỏ phiếu phải diễn ra.

Châu Âu đang đối mặt với nhiều nguy cơ...

Châu Âu đang đối mặt với nhiều nguy cơ...

Sau nhiều năm chuẩn bị, ngày 26/6/2016 hàng chục triệu cử tri Anh được trưng cầu dân ý về việc nước Anh nó nên tiếp tục ở lại Liên minh châu Âu hay rời khỏi. Kết quả sít sao - 51,9% chọn ra đi và 48,1% chọn ở lại.

Sự kiện này khiến Thủ tướng David Cameron từ chức, ông nói rằng: “Tôi không nghĩ mình còn phụ hợp để cầm lái con thuyền Anh đến bến bờ tiếp theo”.

Dù sao cuộc trưng cầu dân ý này vẫn cho thấy khí khái của một nhà lãnh đạo - họ không muốn trái ý dân chúng và không muốn tiếp tục công việc mà đa số người dân không ủng hộ.

Bộ trưởng Nội vụ Anh, bà Theresa May lên nắm quyền thay ông Cameron, bà phải đối mặt với mớ hỗn độn đang bắt đầu và chịu áp lực bị so sánh với biểu tượng “bông hồng thép” Magret Thatcher.

Hàng chục cuộc bỏ phiếu lớn nhỏ trong nội bộ nước Anh và Ủy ban châu Âu (EC), nhưng chưa bao giờ ý định của bà May nhận được sự ủng hộ đồng thời tại Quốc hội và Bruxelles.

Nếu Brexit “mềm” bị phá bỏ bởi EC thì Brexit “cứng” bị Quốc hội phê phán, người dân, cộng đồng doanh nghiệp Anh cảm thấy hoang mang bất định.

Trong trường hợp Brexit “cứng”, thuế quan giữa Anh và các nước EU sẽ được “cài đặt lại” theo đúng tỷ lệ quy định trong các thỏa thuận của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo đó, dự báo châu Âu sẽ mất hơn 1,2 triệu việc làm, trong khi phía Anh mất 526.000 việc làm.

Còn nếu theo kịch bản Brexit “mềm”, Anh và 27 nước EU sẽ vẫn duy trì cơ chế không thuế quan dù sẽ có những hàng rào thương mại phi thuế quan giữa Anh với một số nước như Na Uy. Trong trường hợp này, số việc làm bị mất tại EU sẽ là 284.000 và tại Anh là 140.000.

Bà May phải làm hai việc tối quan trọng: Một là, củng cố vị thế của Đảng bảo thủ đang xuống dốc; thứ hai, phải tôn trọng kết quả bỏ phiếu năm 2016 bằng việc tiếp tục di sản của người tiền nhiệm.

Bước ngoặt của Brexit đã xảy ra khi Đảng bảo thủ của bà mất kiểm soát Hạ viện và phải liên danh với Đảng thống nhất để lập ra chính phủ, mở ra cơ hội cho những thành viên có xu hướng dân túy ủng hộ Brexit “cứng” lọt vào nội các - đối lập với Brexit “mềm” của bà May.

Như vậy, Brexit vô tình trở thành cuộc đấu đá chính trị nội bộ, giữa Đảng bảo thủ và những người dân túy.

Khái niệm dân túy thường được dùng để nói về những thủ đoạn chính trị mang tính mị dân, đánh vào tâm lý của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận và quần chúng nhân dân.

Sự trì trệ về kinh tế, già hóa dân số; nghịch lý của toàn cầu hóa; bất đình đẳng gia tăng…dẫn đến sự bất mãn của dân chúng là nguồn cơn xuất hiện chủ nghĩa dân túy - ở Anh là một ví dụ.

Mặc dù bế tắc với Brexit “mềm” nhưng bà May không dễ dàng thực hiện Brexit “cứng”. Vì sao?

Nguyên nhân bao trùm nhất, EU không muốn tan rã, họ không muốn Brexit là tiền lệ nguy hiểm khiến các thành viên còn lại nối gót Anh ra đi.

Nếu lúc này EU tan rã, hậu quả khôn lường với các thành viên chủ chốt như Đức, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.

Sau khủng hoảng tài chính Hy Lạp, nhiều thành viên châu Âu đã chi tổng cộng gần 300 tỷ EUR giải cứu, nhằm “khoanh vùng” cơn domino. Vì vậy, EU phải tồn tại, các con nợ phải bị ràng buộc trách nhiệm thanh toán.

Bản thân EU không chỉ đối mặt với Brexit mà cả Itexit, thậm chí Fraxit, Swexit, Dutxit…khi nợ công nhiều quốc gia châu Âu vượt trần cho phép, cụ thể như Italy thâm hụt ngân sách vượt khung EU, công dân Pháp biểu tình vì thuế, phí gia tăng.

Về phần nước Anh, bà May đang tịnh tiến dần đến một cuộc chọn lựa quyết định số phận chính trị của mình: Nếu thực hiện trưng cầu dân ý lần 2, số phiếu ủng hộ ở lại EU khả năng sẽ áp đảo. Kịch bản này buộc bà May phải nói lời từ giã chính trường như ông Cameron.

Nếu kiên quyết Brexit, kinh tế Anh sẽ suy thoái nghiêm trọng; nhưng nguy hiểm hơn là người dân Anh ngày càng mất kiên nhẫn - con đường lùi về cánh gà của bà May có thể nghiệt ngã hơn.

Brexit sẽ bị phá sản, nhưng kèm theo điều kiện quan trọng, đó là EU phải cải tổ để làm hài lòng hơn các thành viên.

Trương Khắc Trà

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/brexit-pha-san-eu-cai-to-va-su-len-ngoi-cua-chu-nghia-dan-tuy-147613.html