Brexit: Ngày Thứ Bảy kịch tính - thỏa thuận nào tốt hơn những lựa chọn khác

Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đã thất bại trong mọi cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Quốc hội từ khi lên nắm quyền, tiếp tục đối mặt với một cuộc đấu tranh khó khăn vào ngày thứ 7 tuần này - ngày 19/10 khi ông trình nghị viện thỏa thuận Brexit vừa đạt được với Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo đạt thỏa thuận Brexit mới với EU. (Nguồn: CNN)

"Ải" Quốc hội vẫn sẽ gian nan

Với việc chỉ có 288 ghế tại Hạ viện, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson hiện không nắm thế đa số tại cơ quan lập pháp 650 ghế này. Vì vậy, ông sẽ phải phụ thuộc vào sự ủng hộ của các chính đảng khác và các nghị sỹ độc lập nếu muốn thỏa thuận "qua ải". Mọi chuyện đang trở nên khó khăn hơn bởi các đồng minh của ông tại Quốc hội, cụ thể là 10 nghị sỹ của đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland đã tuyên bố phản đối thỏa thuận, vì cho rằng nội dung của nó không có lợi cho khu vực.

Người ta có thể cho rằng, ở thời điểm hiện tại, Thủ tướng Johnson có cơ hội lớn hơn trong việc đảm bảo số phiếu đa số so với người tiền nhiệm Theresa May, bởi nhiều thành viên đảng Bảo thủ ủng hộ Brexit đã tỏ rõ quan điểm. Một trong những lý do chính dẫn tới thỏa thuận ra đi mà bà May có được với EU bị các nhà lập pháp 3 lần liên tiếp bác bỏ trong năm nay chính là việc thành viên của Tổ chức Nghiên cứu châu Âu (ERG), một nhóm nghị sỹ nhiều ảnh hưởng trong đảng Bảo thủ, quay lưng lại với bà. Trong khi đó, dù không phải toàn bộ, song phần lớn các thành viên ERG đều được cho là sẵn sàng ủng hộ thỏa thuận mà Thủ tướng Johnson đưa ra.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker gây áp lực lớn hơn đối với giới lập pháp Anh bằng tuyên bố khẳng định sẽ không có bất kỳ sự gia hạn nào sau đây, bởi hai bên đã đạt một thỏa thuận cụ thể. Dù quyền lực nằm trong tay 27 lãnh đạo EU, song các bình luận của ông Juncker dường như đã khiến cuộc bỏ phiếu ngày 19/10 tới trở thành một lựa chọn khó khăn đối với giới lập pháp Anh, giữa một bên là đề xuất của Thủ tướng Johnson và một bên là cuộc chia ly “không thỏa thuận”. Trong khi đó, phe dân chủ tự do ủng hộ sự hội nhập châu Âu vẫn tiếp tục hy vọng về một giải pháp khác, đó là hủy bỏ toàn bộ tiến trình Brexit gập ghềnh này.

"Chia ly" mà không "tay trắng"

Dường như, ông Juncker và Thủ tướng Johnson đều đang đặt cược rằng, những lo ngại về nguy cơ chia ly không thỏa thuận - khả năng mà chính phủ Anh cảnh báo là sẽ dẫn đến những trì trệ về kinh tế, cũng như thiếu hụt thực phẩm, thuốc men trầm trọng, có thể sẽ khiến phe đối lập có cái nhìn bớt cứng rắn hơn đối với kế hoạch mới.

Ngày 19/10 sẽ là một ngày đầy kịch tính cho số phận của Brexit. (Nguồn: AP)

Nhà kinh tế học cấp cao của Berenberg Kallum Pickering nhận định, những bình luận của ông Juncker làm tăng cơ hội để ông Boris Johnson đưa thỏa thuận vượt qua cuộc bỏ phiếu, bằng cách thuyết phục một số nghị sỹ đối lập rằng việc ủng hộ thỏa thuận là cách duy nhất để tránh khỏi một cuộc "chia ly tay trắng".

Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid cũng đã nhận định: “Thỏa thuận Brexit mới đang đứng trước ‘cơ hội lớn’ để vượt qua ải Quốc hội ngày 19/10 tới đây, bằng không chúng ta sẽ rời Liên minh châu Âu trong vòng 2 tuần nữa mà không có được bất kỳ thứ gì giúp hạn chế những cú sốc về kinh tế”.

Trao đổi với báo giới bên lề cuộc họp mùa Thu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), ông nhấn mạnh: “Rõ ràng những gì chúng ta đạt được trong thỏa thuận là hướng đi tốt nhất của nền kinh tế, tốt hơn những lựa chọn khác… Đây cũng là vấn đề liên quan tới nền dân chủ của chúng ta. Người dân muốn hoàn thành Brexit. Đa số đều muốn hoàn thành nó với một thỏa thuận và đó là điều chúng ta đã có được”.

Trước câu hỏi về dự định trong trường hợp Quốc hội Anh lại một lần nữa phản đối thỏa thuận và chính phủ tìm cách trì hoãn, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết, ông sẽ tham vấn lãnh đạo 27 nước thành viên còn lại về quyết định cuối cùng, một câu trả lời ngầm ám chỉ việc gia hạn Brexit hoàn toàn có thể xảy ra.

Trừ phi DUP thay đổi quan điểm, số phận của thỏa thuận mới có thể phụ thuộc phần lớn vào quyết định của các thành viên Công đảng đối lập, chính đảng hiện giữ 244 ghế. Khoảng 20 nghị sỹ Công đảng, chủ yếu đại diện cho lực lượng ủng hộ Brexit, từng tuyên bố mong muốn một thỏa thuận phù hợp để thực thi kết quả cuộc trưng cầu ý dân năm 2016. Hầu hết các thành viên Công đảng sẽ bỏ phiếu phản đối sau khi lãnh đạo Jeremy Corbyn bày tỏ quan điểm không đồng tình của mình. 36 thành viên đảng Dân tộc Scottland và 19 thành viên đảng Dân chủ Tự do cũng sẽ bác bỏ thỏa thuận.

Nhà phân tích Tony Travers, hiện làm việc tại Trường Kinh tế London cho rằng, Thủ tướng Johnson cần sự ủng hộ của một số thành viên đảng Bảo thủ. Cuộc bỏ phiếu ngày 19/10 cũng có thể sẽ trở nên phức tạp hơn nếu các nhà lập pháp đối lập tìm cách sửa đổi thỏa thuận với yêu cầu buộc phải tổ chức trưng cầu ý dân về nội dung này. Trước đó EU từng tuyên bố sẵn sàng gia hạn cho tiến trình Brexit để phục vụ “sự kiện dân chủ”.

(theo Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/brexit-ngay-thu-bay-kich-tinh-thoa-thuan-nao-tot-hon-nhung-lua-chon-khac-102956.html