Brexit làm châu Âu gắn kết hơn

Kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vừa kết thúc cho thấy làn sóng dân túy và chủ nghĩa hoài nghi châu Âu nổi lên ở 'lục địa già' không hẳn là mối lo ngại lớn như người ta vẫn tưởng. Không gì khác, chính tiến trình nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)-Brexit đang làm cho những người có tư tưởng bài châu Âu ở 'lục địa già' bớt ảo vọng về một tương lai vốn chưa có gì chắc chắn sau khi rời 'mái nhà chung'…

Liều vaccine ngừa “dịch bệnh” bài châu Âu

Các đảng theo xu hướng dân túy và ủng hộ chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, dù đã giành được thắng lợi ở một số nước lớn, vẫn chưa thể tập hợp đủ số ghế trong EP để có thể tạo sự thay đổi mang tính đột phá. Các đảng ủng hộ hội nhập châu Âu vẫn là lực lượng áp đảo trong EP, với 67% số ghế đạt được.

Cục diện phân định rõ ràng sau cuộc bầu cử EP cho thấy cử tri các nước EU lựa chọn ủng hộ một liên minh gắn kết hoạt động hiệu quả và mạnh mẽ hơn, thay vì chia rẽ với sự ra đi của các thành viên. Một điểm đáng chú ý nữa đó là so với cách đây vài năm, hầu như không còn đảng dân túy nào thúc đẩy việc các quốc gia rời bỏ EU cũng như từ bỏ đồng tiền chung châu Âu. Trong bối cảnh đó, các đảng có tư tưởng bài châu Âu cũng không dại gì giương cao khẩu hiệu chống liên minh như trước đây. Thay vào đó, họ tự đổi cách gọi mình là những nhà cải cách EU, cho dù không đưa ra được giải pháp nào cho thấy giúp tạo sự thay đổi khả dĩ hơn ở “lục địa già”. Tiến trình Brexit bế tắc chưa thấy lợi ích đâu, khiến các đảng dân túy và có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan ý thức được rằng, nếu ủng hộ đi theo con đường của nước Anh, không ai khác chính các cử tri sẽ gạt họ ra khỏi sân khấu chính trị. Trước những thay đổi này, Chủ tịch EU Donald Tusk đã phát biểu rằng, Brexit “quanh co” là liều vaccine phòng ngừa “dịch bệnh” bài EU lây lan trên toàn châu Âu.

 Chủ tịch EU Donald Tusk cho rằng Brexit “quanh co” là liều vaccine phòng ngừa “dịch bệnh” bài EU lây lan trên toàn châu Âu. Ảnh: Getty lmages.

Chủ tịch EU Donald Tusk cho rằng Brexit “quanh co” là liều vaccine phòng ngừa “dịch bệnh” bài EU lây lan trên toàn châu Âu. Ảnh: Getty lmages.

Brexit càng khó hơn

Sự lựa chọn của các cử tri EU trong cuộc bầu cử EP không chỉ tác động mạnh đến xu hướng bài châu Âu đang nổi lên ở “lục địa già”, mà còn đặt thêm vật cản đối với tiến trình Brexit đang rối loạn của nước Anh. Quyết định của các cử tri EU trong cuộc bầu cử sẽ khiến chính phủ các nước thành viên phải thận trọng hơn khi ủng hộ đàm phán lại thỏa thuận Brexit nếu không muốn đánh đổi sinh mệnh chính trị của mình.

Có thể nói khả năng EU đàm phán lại thỏa thuận Brexit với nước Anh là hầu như không có. Châu Âu đã thực sự mất kiên nhẫn trước sự chia rẽ nghiêm trọng trên chính trường Anh về thỏa thuận này. 3 lần liên tiếp các nghị sĩ Anh bác bỏ dự luật thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May bất chấp những nhượng bộ mà bà đưa ra, không khỏi khiến EU ngao ngán. Họ thừa hiểu ngay cả khi có một thỏa thuận Brexit mới thay thế thỏa thuận năm 2018, cũng chưa có gì bảo đảm nó sẽ chiều lòng được các ông nghị bảo thủ ở xứ sở sương mù.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã khẳng định trước báo giới rằng chắc chắn không có chuyện đàm phán lại thỏa thuận Brexit. Trong khi đó, theo dự đoán, chủ nhân mới của số 10 phố Downing sẽ thay thế bà Theresa May trong thời gian sắp tới, dù là ai cũng sẽ chối bỏ thỏa thuận mà chính phủ tiền nhiệm đạt được với EU. Lãnh đạo Đảng Bảo thủ Vladimir Johnson tuyên bố ông sẽ ra tranh cử chức Thủ tướng Anh và nhấn mạnh nước Anh phải rời khỏi EU đúng thời hạn chót vào ngày 31-10 tới cho dù có hoặc không có thỏa thuận. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond, người có quan điểm ủng hộ Brexit, cho biết cũng không còn đủ thời gian để đàm phán một thỏa thuận Brexit mới. Nhưng ông Hammond cũng không đồng ý với bản thỏa thuận không được sửa đổi sẽ dẫn đến kết cục một Brexit không thỏa thuận.

Sự bế tắc và chia rẽ trên chính trường Anh cùng việc EU bác bỏ khả năng đàm phán lại thỏa thuận Brexit, khiến nguy cơ nước Anh phải chia tay EU không thỏa thuận ngày càng tới gần. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt, một trong các ứng viên thủ tướng, cho rằng việc theo đuổi Brexit không thỏa thuận sẽ kết liễu tương lai chính trị của đảng cầm quyền. Một Brexit không thỏa thuận đã được cảnh báo sẽ khiến nước Anh rời đi trong hỗn loạn và EU cũng chịu những hậu quả đáng kể. Việc rời khỏi một tổ chức lớn với rất nhiều ràng buộc và một liên minh được điều tiết chặt chẽ như EU sẽ không hề đơn giản, đòi hỏi cả hai càng nhiều sự chuẩn bị càng tốt, nhất là thành viên ra đi lại là “đầu tàu” như Anh.

Brexit giống như liều thuốc thử cho thấy, lựa chọn chung sống đoàn kết dưới “mái nhà chung” xem ra vẫn tốt hơn cả với châu Âu, ít ra là trong thời điểm hiện nay.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/brexit-lam-chau-au-gan-ket-hon-575407