Brexit: 'Cuộc ly hôn' trắc trở?

Theo thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) với Anh thì việc Anh rời EU (Brexit) sẽ chính thức bắt đầu vào tháng 3/2019. Dù vậy, cho đến nay, các cuộc đàm phán liên quan giữa hai bên còn khá nhiều trắc trở.

Thậm chí hai bên còn cảnh báo điều tệ hại nhất là “cuộc ra đi” của nước Anh sẽ không có một thỏa thuận nào.

Theo kế hoạch, tại cuộc gặp không chính thức với Hội đồng châu Âu (EC) ở Áo trong ngày 19-20/9, dự kiến, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ đàm phán trực tiếp với các nhà lãnh đạo châu Âu về một thỏa thuận mang tính thỏa hiệp cho việc Anh rời "mái nhà chung" châu Âu.

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU ở Áo ngày 19/9, Chủ tịch EC Donald Tusk hoan nghênh một số đề xuất trong kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh nhưng lại cảnh báo "về các vấn đề khác như vấn đề biên giới Ireland hay khuôn khổ hợp tác kinh tế với EU trong tương lai thì các đề xuất của Anh cần phải được điều chỉnh".

Trong một diễn biến liên quan khác đáng chú ý là kể từ cuộc trưng cầu ý dân lần đầu tiên năm 2016 về Brexit nhưng đến nay, dư luận ở Anh vẫn còn chia rẽ.

Ngày 19/9, Thư ký Tài chính thuộc Bộ Tài chính Anh, ông Mel Stride cho biết có thể nước Anh phải tiến hành cuộc trưng cầu ý dân lần thứ 2 về việc rời khỏi EU nếu các nghị sỹ Quốc hội nước này bác bỏ kế hoạch Brexit của Thủ tướng Theresa May.

Ở khía cạnh khác, chính những người tham gia soạn thảo điều khoản của Hiệp ước EU mà Anh đã sử dụng để rời khỏi EU lại vạch ra tới 6 kịch bản. Trong đó, có kịch bản Quốc hội Anh có thể phải “đối đầu” với Chính phủ - từ các thủ tục kỹ thuật để biến một cuộc bỏ phiếu đã định tại Quốc hội nhằm ủng hộ thỏa thuận của Thủ tướng Anh thành một cuộc kêu gọi tiến hành trưng cầu ý dân, cho đến sự sụp đổ của Chính phủ của Thủ tướng May và một cuộc bầu cử mới…

Không những vậy, trước thềm “cuộc ly hôn”, nước Anh còn phải đối mặt với việc lạm phát gia tăng.

Trưởng bộ phận kinh tế thuộc Phòng Thương mại Anh Suren Thiru bày tỏ lo ngại rằng Brexit “không thỏa thuận” có thể khiến đồng bảng rớt giá mạnh, châm ngòi cho lạm phát gia tăng và kéo theo những khó khăn về mặt tài chính cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp của chính nước Anh.

Tuyết Minh (tổng hợp)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/brexit-cuoc-ly-hon-trac-tro/347201.vgp