Brexit: Anh cần ít nhất 3 năm “chuyển tiếp”

Chính phủ vương quốc Anh đồng ý rằng cần có một thời kỳ chuyển tiếp sau tháng 3/2019 để nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Đây là vấn đề nhạy cảm lâu nay vốn đã gây chia rẽ chính trường Anh.

Trả lời BBC hôm thứ Bảy, ông Liam Fox, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế nói một thời gian 24-25 tháng không phải là một vấn đề lớn. Thậm chí ông Fox, nhân vật hàng đầu trong nhóm chính trị gia Brexiteer (ủng hộ ra khỏi EU) của đảng Bảo thủ, còn gợi ý về hạn chuyển tiếp là tận năm 2022.

Đài BBC News đưa tin ngày 24/7, ông cũng nói rằng Anh "chờ 40 năm để ra khỏi EU, thì thêm vài tháng không phải là chuyện lớn". Ông nói điều quan trọng là thời gian chuyển tiếp đó không nên kéo dài quá kỳ bầu cử Nghị viện Anh tiếp theo, dự kiến vào năm 2022.

Đây là dấu hiệu rõ nhất chính phủ Anh tin rằng nước này khó có thể hoàn tất được các thủ tục ra khỏi EU đúng hạn vào ngày 31/3/2019.

Theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon, sau khi chính thức gửi đơn (tháng 3/2017) để ra khỏi EU, nước Anh có đúng hai năm để hoàn tất quá trình này (Ảnh: Getty)

Mấy năm thì đủ?

Tranh cãi mấy tuần qua trong chính phủ Anh xoay quanh phương án để thời kỳ chuyển tiếp ở mức ngắn, 2 năm, hay dài hơn, 4 năm. Thủ tướng Theresa May không phát biểu cụ thể về độ dài của giai đoạn này mà chỉ muốn gọi đây là "thời kỳ thực hiện Brexit" (implementation period), hàm ý Anh dùng thời gian đó để đem vào áp dụng các quy định mới tách mình ra khỏi cơ chế EU.

Bộ trưởng Thương mại Quốc tế của Anh Liam Fox nói với BBC hôm 23/7 rằng thời gian 24-25 tháng không phải là một vấn đề lớn đối với Brexit (Ảnh: Getty)

Tuy thế, các chính trị gia khác thì gọi đây là "thời kỳ chuyển tiếp" (transitional period). Mới đây, Bộ trưởng Môi trường Michael Gove cũng nói Anh cần chấp nhận tự do di trú trong giai đoạn chuyển tiếp để "tiếp cận thị trường lao động EU".

Theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon, sau khi chính thức gửi đơn (tháng 3/2017) để ra khỏi EU, Anh Quốc có đúng hai năm để hoàn tất quá trình này. Nhưng ngày càng có nhiều tiếng nói từ giới doanh nghiệp Anh và châu Âu yêu cầu London đề ra quá trình chuyển tiếp, vì họ không tin là hai năm có thể đủ cho Anh và EU hoàn tất đàm phán.

Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh David Davis (phải) đang bận rộn làm việc với đại diện Michel Barnier đàm phám về Brexit của phía EU (Ảnh: EMMANUEL DUNAND/Getty)

Nếu không đạt được thỏa thuận thương mại mới với EU, giao thương của Anh với EU từ ngày 1/4/2019 sẽ được điều chỉnh bằng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà cả hai là thành viên. Nhưng giới doanh nghiệp Anh nói các quy định của WTO sẽ đem lại mức thuế nhập khẩu cao hơn nhiều cho hàng hóa Anh bán vào EU so với mức bằng không như hiện nay vì Anh thuộc EU.

Lê Miên Tường (Theo BBC News, 7/2017)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/brexit-anh-can-it-nhat-3-nam-chuyen-tiep-d59975.html