Brazil: Sinh viên ngành tâm lý hỗ trợ bệnh nhân 'bế tắc'

Hàng loạt sinh viên tâm lý tại Brazil đã trở thành tình nguyện viên trong chương trình Pravida, nhằm hỗ trợ những bệnh nhân có ý định tự tử. Tới nay, hơn 1.500 bệnh nhân đã nhận được sự trợ giúp từ tổ chức này.

Đội ngũ nhân viên Pravida tại Bệnh viện Đại học Walter Cantidio.

Đội ngũ nhân viên Pravida tại Bệnh viện Đại học Walter Cantidio.

Iana Raissa (21 tuổi) là một SV chuyên ngành tâm lý, nhưng kỹ năng và kiến thức của cô đã được đưa vào sử dụng trong một môi trường chuyên nghiệp có trách nhiệm cao.

Chiều thứ Năm hằng tuần, Raissa đều điều trị cho các bệnh nhân có ý định tự tử tại bệnh viện Trường ĐH Walter Cantidio ở Fortaleza - một thành phố phía Đông Bắc Brazil.

"Công việc mang lại rất nhiều áp lực đối với một SV. Đôi khi, một bệnh nhân gọi điện nói rằng họ sẽ không tham dự buổi trị liệu hôm đó, tôi vô cùng lo sợ họ có thể tự sát. Tôi không muốn điều đó xảy ra, tôi đã ở đây để giúp đỡ họ", Raissa chia sẻ.

Nữ sinh 21 tuổi này tham gia công việc hoàn toàn tự nguyện. Tuy nhiên, những đóng góp của Raissa sẽ được coi là điểm cộng khi cô nhận bằng tốt nghiệp. Cùng với các SV khác, Raissa tham gia chương trình mang tên Pravida, nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe tâm thần và giảm áp lực lên hai bệnh viện trong thành phố, cũng như hỗ trợ cho những người đang cần được giúp đỡ.

Pravida diễn ra vào chiều thứ Năm hằng tuần cho những người trưởng thành có nguy cơ tự tử cao. Tổ chức này được thành lập vào năm 2004 bởi bác sĩ tâm thần - Giáo sư Fabio Souza. Hiện tại, chương trình thu hút sự tham gia của nhiều SV, y tá, nhân viên xã hội và nhà tâm lý học. Tất cả mọi người đều làm việc trên cơ sở tự nguyện.

Khoảng 24 - 30 bệnh nhân tìm đến để được tư vấn mỗi tuần. Buổi trị liệu thường kéo dài 30 phút và tùy theo nhu cầu, bệnh nhân thường được điều trị trong khoảng 3 tháng.

Các SV tình nguyện được trải qua 2 tháng đào tạo trực tiếp, trước khi gặp bệnh nhân. Sau mỗi buổi làm việc, những SV này đều dành 20 phút trao đổi với chuyên gia, trước khi quay lại với bệnh nhân và nói về những việc cần làm trong tuần tới.

Trong 15 năm, hơn 500 chuyên gia y tế trong tương lai đã tham gia chương trình. Pravida đã hỗ trợ hơn 1.500 bệnh nhân và chưa có ai tiếp tục tự sát sau 12 tuần điều trị. Khi bệnh nhân không còn tự tử nữa, chương trình sẽ đưa họ đến các dịch vụ khác nếu cần để tiếp tục điều trị.

Năm 2019, Pravida được thành lập tại một bệnh viện trẻ em ở thành phố, nhằm hỗ trợ bác sĩ tâm thần duy nhất ở đó. Hiện tại, Brazil là một trong những điểm nóng về Covid-19 trên thế giới, khi số ca nhiễm cao hơn Nga, Anh và số người tử vong nhiều hơn Italy. Những ảnh hưởng do Covid-19 gây ra đối với sức khỏe tâm thần được cho là chỉ mới bắt đầu.

Tới nay, Pravida vẫn tiếp tục điều trị cho bệnh nhân và Giáo sư Souza dự đoán, số người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần trong đại dịch có thể rất lớn. Ngay cả trước khi Covid-19 bùng phát, các dịch vụ sức khỏe tâm thần tại Brazil cũng gặp nhiều khó khăn. Theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới, Brazil dẫn đầu thế giới về tỷ lệ rối loạn lo âu và đứng thứ năm về tỷ lệ trầm cảm. Pravida được coi là một tổ chức cung cấp phương pháp điều trị hiệu quả, khi hoạt động dưới sự điều hành của các tình nguyện viên và SV.

Carlos Augusto - Giám đốc điều hành của Bệnh viện Đại học Walter Cantidio, thừa nhận rằng việc chăm sóc sức khỏe tâm thần tại nước này bị thiếu hụt trầm trọng và không được ưu tiên.

"Sức khỏe tâm thần chưa được nhìn nhận là quan trọng. Tâm thần học là một "khu vực ẩn" và có rất nhiều người gặp vấn đề về tâm thần trong số chúng ta. Chúng ta nên có nhiều chương trình để giúp đỡ trước khi mọi người cảm thấy muốn tự tử. Thật may mắn, chúng ta có các tình nguyện viên của Pravida", ông Augusto nói.

Theo The Guardian

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/brazil-sinh-vien-nganh-tam-ly-ho-tro-benh-nhan-be-tac-20200623153101848.html