Brazil đối mặt nguy cơ rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý đầu tiên năm 2019 của Brazil đã giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là lần giảm sút đầu tiên trong chỉ số hoạt động kinh tế chủ chốt kể từ cuối năm 2016.

Theo số liệu chính thức Cơ quan Thống kê Brazil, công bố ngày 30/5, kinh tế nước này đã giảm sút trong quý 1/2019, trở thành quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh đứng bên bờ vực suy thoái lần đầu tiên trong vòng 2 năm qua.

Các số liệu vừa công bố cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý đầu tiên của năm đã giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là lần giảm sút đầu tiên trong chỉ số hoạt động kinh tế chủ chốt kể từ cuối năm 2016.

Số liệu trên cũng khẳng định những gì mà giới phân tích dự đoán, 2 năm kể từ cuộc suy thoái tồi tệ năm 2015-2016, kinh tế Brazil vẫn phải vật lộn để phục hồi.

Báo cáo trên là tin xấu đối với Tổng thống Jair Bolsonaro, người vừa nhậm chức tháng Một vừa qua với cam kết phục hồi nền kinh tế và gia tăng sức ép đối với Ngân hàng Trung ương nhằm cắt giảm lãi suất cũng như cải tổ hệ thống lương hưu, cũng được xem là nhân tố chính nhằm "mở khóa" cho các chính sách cải cách kinh tế cần thiết khác.

Tuy nhiên, việc thay đổi độ tuổi nghỉ hưu và trợ cấp đang vấp phải sự phản đối tại Hạ viện, nơi đảng Tự do Xã hội bảo thủ của Tổng thống Bolsonaro chỉ chiếm 10% số ghế.

Ông William Jackson, nhà kinh tế thuộc hãng Capital Economics, có trụ sở tại London cho biết hiện đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này vẫn rất yếu kém, thậm chí là nguy cơ kinh tế có thể trượt vào cuộc suy thoái kỹ thuật, được hiểu là có mức tăng trưởng GDP giảm trong 2 quý liên tiếp.

Tuy nhiên, cho đến nay Ngân hàng Trung ương Brazil vẫn chống lại những lời kêu gọi cắt giảm tỷ lệ lãi suất chủ chốt, vốn đang ở mức thấp trong lịch sử là 6,5%.

Với triển vọng kinh tế Brazil ảm đạm, các nhà phân tích thị trường đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong cả năm 2019 trong suốt 13 liên tục, xuống còn 1,2%.

Trong khi đó, cùng ngày, hàng nghìn người đã đổ xuống các đường phố tại hàng chục thành phố trên khắp cả nước Brazil, trong cuộc tuần hành toàn quốc lần thứ hai, nhằm phản đối kế hoạch của chính phủ cắt giảm chi tiêu cho giáo dục.

Chính phủ của Tổng thống Jair Bolsonaro đã khiến ngành giáo dục, giáo viên và sinh viên giận dữ khi đề xuất giảm 30% chi tiêu thực tế đối với các trường đại học trong 6 tháng cuối năm 2019, đồng thời ngừng cấp học bổng hệ sau đại học đối với sinh viên các ngành khoa học.

Theo truyền thông trong nước, cuộc biểu tình nổ ra tại thủ đô Brasillia sáng 30/5, sau đó lan sang hơn 80 thành phố khác trong cả nước.

Trước đó, ngày 26/5, hàng nghìn người đã xuống đường tuần hành tại 156 thành phố trên khắp Brazil nhằm thể hiện ủng hộ với chương trình nghị sự của Tổng thống Jair Bolsonaro và kêu gọi cải cách hưu trí.

Đề xuất cải cách của Chính phủ Brazil được vạch ra nhằm mang lại khoản tiền lên tới 1 nghìn tỷ real (tương đương 250 tỷ USD) trong vòng 1 thập kỷ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng con số thực sự sẽ chỉ nằm trong khoảng 500-700 tỷ real (124-174 tỷ USD), khi dự luật được thông qua trong năm nay.

Dự luật hưu trí này là một trong những cải cách quan trọng giúp Brazil giảm bớt gánh nặng nợ công khổng lồ.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nợ công của Brazil chiếm tới 88% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)./.

Phương Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/brazil-doi-mat-nguy-co-roi-vao-mot-cuoc-suy-thoai-ky-thuat/572271.vnp