Brazil đã trở thành một quốc gia độc lập như thế nào?

Ngày 22-8, từ Porto (Bồ Đào Nha), một chuyến bay đặc biệt bay vượt Đại Tây Dương hạ cánh xuống Brazil. Trên chuyên cơ ấy chở một chiếc bình bằng vàng. Trong bình, là trái tim của một vị quân chủ đặc biệt – vua Dom Pedro I, người đã tuyên bố khai sinh nền độc lập của nước Brazil hiện đại, tròn 200 năm về trước.

Trái tim của ông, được ướp và lưu giữ cẩn thận suốt 200 năm qua ở một nhà thờ, sẽ được trưng bày tại Brazil trong vòng ba tuần, để kỷ niệm dịp đại lễ “trăm năm có một” của người dân “xứ sở samba”.

“Độc lập, hay là chết!” .

“Độc lập, hay là chết!” .

Khi thuộc địa trở thành “chính quốc”

Nghe có vẻ phi lý, nhưng quả thật, trong mối quan hệ đặc biệt giữa Bồ Đào Nha với Brazil, điều này đã từng trở thành hiện thực ở nhiều khía cạnh, trong một khoảng thời gian dài.

Một cách ngắn gọn, như trang Encyclopedia.com đánh giá: “Khi Brazil tuyên bố độc lập vào ngày 7-9-1822, nền độc lập ấy đã trải qua một quá trình thực sự dị thường. Từng là một thuộc địa, song Brazil phát triển thành nơi triều đình Bồ Đào Nha ngự trị vào năm 1808, và thậm chí trở thànhh một vương quốc ngang hàng với… chính Bồ Đào Nha vào năm 1815. Hoàng gia Bồ Đào Nha chính là hoàng tộc duy nhất ở châu Âu từng đặt chân lên thuộc địa của mình tại châu Mỹ. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, trong phần lớn thế kỷ XIX, Brazil là mảnh đất thuộc địa duy nhất ở châu Mỹ Latin chuyển đổi thành một chế độ quân chủ độc lập”.

Hành trình kỳ lạ này đã bắt đầu như thế nào?

Có lẽ, chúng ta nên trở lại tận điểm mốc đầu tiên mà trang nghiên cứu lịch sử uy tín Britanica ghi nhận - năm 1789 – để thấy rõ hơn rằng dù “Brazil trở thành một quốc gia (độc lập) với ít xung đột và đổ máu hơn đáng kể so với những người láng giềng ở Tân thế giới”, thì nền độc lập ấy cũng vẫn phải trả bằng rất nhiều xương máu.

Theo đó, vào năm 1789, Jose Joaquim da Silva Xavier, thường được biết đến với cái tên “Tiradentes”, là thủ lĩnh nổi dậy đầu tiên chống lại ách thống trị của triều đình Bồ Đào Nha. Tất nhiên, cuộc khởi nghĩa của ông chưa hội tụ đủ thời cơ cũng như điều kiện thành công, nên nó dễ dàng bị dập tắt. Bản thân Tiradentes cũng bị bắt và bị hành quyết. Song, như đánh giá của Britanica, cái chết lẫm liệt ấy biến Tiradentes thành một kiểu “thánh tử đạo”, và phác họa rõ nét hơn những ý niệm về “độc lập”.

Năm 1789 cũng là thời điểm Đại cách mạng tư sản Pháp bùng nổ, và những hệ quả của nó làm chấn động toàn thế giới, bao gồm cả Brazil. Năm 1807, Napoleon Bonaparte I của nước Pháp, vì muốn “bẻ gãy nanh vuốt” của nước Anh – kẻ thù truyền kiếp, đã xua quân sang bán đảo Iberia, chiếm đóng lãnh thổ Bồ Đào Nha.

Thái tử nhiếp chính của Bồ Đào Nha là Dom Joao (sau này trở thành Vua Joao VI), sau nhiều lần đắn đo, cuối cùng cũng đã không còn sự lựa chọn nào khác, lúc chứng kiến quân Pháp áp sát kinh đô Lisbon. Ngày 19-11-1807, với một hạm đội Anh hộ tống, Thái tử, hoàng gia, một nhóm quý tộc cùng một bộ phận công chức xuống thuyền di tản sang Brazil.

Encyclopedia làm rõ hơn: “Một cách nhanh chóng, toàn bộ triều đình, bao gồm một phần quân đội và hải quân, cùng với ngân khố hoàng gia cũng như một số thư viện, đã chuyển đến thuộc địa quan trọng nhất của Bồ Đào Nha lúc bấy giờ là Brazil. Nhìn chung, ước tính có khoảng 10 đến 20 nghìn người đã chuyển đến Brazil. Khi hoàng tộc đặt chân đến Rio de Janeiro, triều đình mới được dựng lên tại thủ đô thuộc địa, và bắt đầu mở rộng các thể chế hiện có để phát triển thành một nhà nước mới, hoạt động thay cho nhà nước thuộc địa trước.

Như vậy, Brazil, từ địa vị “thuộc địa”, đã trở thành “chính quốc” thực thụ.

Trái tim nhà vua Dom Pedro I đã trở về Brazil.

Và “độc lập” cũng không hẳn là “tự do”

Năm 1815, Vua João VI nâng Brazil lên vị thế của một vương quốc ngang hàng với “mẫu quốc” Bồ Đào Nha. Đó là một đất nước được điều hành bởi Hội đồng Nhiếp chính, và được bảo vệ bởi quân đội Anh. Tân vương quốc này cẩn thận “đứng thật xa” những cuộc chiến tranh hỗn loạn đang diễn ra trên khắp cựu lục địa, theo đà bành trướng quyền lực của Napoleon.

Đối với người Brazil, sự hiện diện của tòa án Bồ Đào Nha ở Rio đồng nghĩa với sự áp đặt ngày càng nhiều các chính sách của hoàng gia lên lợi ích của người Brazil. Nói cách khác, các công dân “chính quốc” nắm trọn quyền lực chính trị (vốn trước đây “để mở” cho công dân cư ngụ ở Brazil), trong khi lại hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nền kinh tế Brazil. Hiển nhiên, nó tạo nên những phản ứng trái chiều trong giới tinh hoa thuộc địa, cũng tương tự như cách những mâu thuẫn về quyền lợi đã làm rạn nứt mối quan hệ giữa các bang thuộc địa Bắc Mỹ với triều đình Anh quốc, để tạo nên sự bộc phát của Chiến tranh giành độc lập Mỹ, khai sinh Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Nền độc lập chính trị của Brazil đã được đẩy nhanh bởi các sự kiện ở Bồ Đào Nha sau năm 1820. Các cuộc nổi dậy theo chủ nghĩa dân tộc-tự do ở các thành phố Porto và Lisbon đã dẫn đến việc thành lập một hội đồng quân sự lâm thời ở Bồ Đào Nha, thay thế chính quyền quân quản của Thống chế Beresford, một người Anh, trong những năm chiến tranh với Napoleon. Nhà vua được yêu cầu trở lại Bồ Đào Nha, và João VI cùng hoàng gia đáp ứng yêu cầu ấy năm 1821. Tuy nhiên, ông để con trai mình, Dom Pedro, ở lại Rio de Janeiro đảm nhiệm cương vị nhiếp chính.

Ban đầu, các công dân Brazil hy vọng rằng Quốc hội (Cortes) sẽ nâng cao lợi ích riêng của Brazil trong chính sách chung của Bồ Đào Nha ở mức độ chưa từng có. Song, thay vào đó, chính sách của Cortes đối với Brazil hiện nguyên hình là những nỗ lực đưa miền đất này trở lại tình trạng cũ: Thuộc địa. Cortes giới hạn quyền tài phán của Dom Pedro ở miền nam Brazil như một thống đốc thuần túy, và phái các thống đốc đến các tỉnh khác. Hơn nữa, vào năm 1821, Cortes yêu cầu Dom Pedro I phải trở lại Lisbon.

Tới lúc đó, những người theo chủ nghĩa dân tộc Brazil đã chuyển lòng trung thành của họ từ João VI sang Pedro I. Vào ngày 9-1-1822, hoàng tử chính thức tuyên bố ý định ở lại Brazil. Từ tháng 5-1822 trở đi, không có quyết định nào từ Cortes được phép thực hiện ở Brazil mà không có sự chấp thuận rõ ràng của nhiếp chính.

Sau khi nhận được thư từ Cortes tái khẳng định yêu cầu triệu hồi, Dom Pedro, theo lời khuyên của những người theo chủ nghĩa dân tộc Brazil - chẳng hạn như nhân sĩ uy tín José Bonifácio de Andrada e Silva, hay vợ là Công nương Leopoldina – triệu tập một hội nghị lập hiến ngày 3-6. Ngày 7-9-1822, trên bờ sông Ipiranga, ông đã thốt lên câu nói nổi tiếng: "Độc lập hay cái chết", để công bố nền độc lập của Brazil. Ngày 1-12, Dom Pedro nhận vương miện "Hoàng đế hợp pháp và người bảo vệ vĩnh viễn của Brazil", trở thành Vua Pedro I (nghĩa là “độc lập” luôn với vua cha Joao VI của mình ở Bồ Đào Nha).

Song, nền độc lập chính trị sơ khai này không đồng nghĩa với độc lập về kinh tế. Sau năm 1822, do những mối dây liên hệ hoàng gia huyết thống, nền kinh tế Brazil vẫn là nguồn đóng góp lớn lao và không thể thiếu cho ngân sách triều đình Bồ Đào Nha.

Hơn nữa, đổi lấy sự hỗ trợ từ nước Anh trong việc di dời triều đình và bảo vệ Bồ Đào Nha trước Napoleon, khi đến Brazil, vua cha Joao VI đã tuyên bố: Tất cả các cảng của Brazil mở cửa thông thương với các quốc gia thân thiện — thực tế có nghĩa là Vương quốc Anh, sắc lệnh có hiệu lực năm 1808.

Joao VI tuyên bố chấm dứt độc quyền của Bồ Đào Nha về thương mại với Brazil, nhưng sự phụ thuộc thương mại nhanh chóng chuyển sang tay Vương quốc Anh. Năm 1810, theo một hiệp ước giữa Brazil và Anh các thương gia Anh nhận được các đặc quyền thương mại đặc biệt, bao gồm mức thuế tối đa là 15% đối với hàng hóa của họ, so với mức thuế 24% đánh vào hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia khác. Hơn nữa, hiệp ước đã trao cho Anh quyền tài phán đối với các thương gia Anh sống ở Brazil.

Sự độc lập về chính trị cũng không tạo ra bất kỳ thay đổi cơ bản nào trong cấu trúc kinh tế - xã hội Brazil, kể cả khi lệnh cấm tổ chức sản xuất ở thuộc địa đã được bãi bỏ. Giới tinh hoa Brazil, dù ủng hộ nền độc lập, vẫn không tán thành việc “động chạm” đến những cơ cấu cũ. Do đó, chế độ nô lệ vẫn còn tồn tại, và các điền trang lớn tập trung vào việc trồng các loại cây xuất khẩu (như đường và cà phê) ngày càng chiếm ưu thế trong nền kinh tế. Điều này khiến Brazil buộc phải chịu tác động từ giá thị trường thế giới (thường không ổn định đối với hàng xuất khẩu của mình), và phụ thuộc vào các thị trường nhập khẩu như châu Âu hay Mỹ - một đại cường đang dần hình thành vào thời điểm đó.

Nhưng dù thế nào, đó cũng là một nền độc lập. Một khởi đầu vô giá.

Thiên Phong

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/brazil-da-tro-thanh-mot-quoc-gia-doc-lap-nhu-the-nao--i668254/